Mẹo giúp bố mẹ đồng hành cùng con vào lớp 1

(Baonghean.vn) - Bước chân vào lớp 1, trẻ phải làm quen với môi trường mới, cách học mới và trách nhiệm mới. Ở giai đoạn này, trẻ thường bỡ ngỡ, nửa háo hức, nửa lo sợ. Để trẻ nhanh chóng thích nghi và đi vào quỹ đạo ổn định, bố mẹ hãy lưu ý những điều dưới đây.

1. Luôn hỏi con về những khó khăn ở trường học

Thay đổi môi trường và áp lực học tập sẽ khiến những đứa trẻ gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng. Vì thế, đừng bao giờ quên hỏi thăm con những vấn đề bé không giải quyết được như bài toán khó hay những xích mích với bạn ở lớp học. Nếu chịu lắng nghe, bạn sẽ hiểu con hơn rất nhiều.

Khi trẻ gặp khó khăn, bố mẹ hãy cùng con từ từ tháo gỡ và tìm cách giải quyết. 

Khi trẻ gặp khó khăn, bố mẹ hãy cùng con từ từ tháo gỡ và tìm cách giải quyết. Ảnh minh họa.
Khi trẻ gặp khó khăn, bố mẹ hãy cùng con từ từ tháo gỡ và tìm cách giải quyết. Ảnh minh họa.

2. Tôn trọng trẻ

Sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh trong cách dạy con học lớp 1 là không chịu lắng nghe mà luôn áp đặt suy nghĩ của mình vào trẻ. Bạn cần hiểu rằng, trẻ nhỏ có cách suy nghĩ rất riêng vì thế nếu áp đặt cách nghĩ của người lớn vào sẽ khiến con cảm thấy vô cùng bức bí, khó chịu và sợ hãi. Thay vì vậy, hãy đưa ra lời khuyên dưới dạng tôn trọng và không áp đặt, chẳng hạn như:

Mẹ nghĩ là…/Theo bố thì…/Hay con thử…/Nếu là mẹ thì…/Theo mẹ có cách hay hơn là… con thấy sao?/Hoặc con có thể làm theo cách này… con thấy thế nào?

3. Cùng con tạo không gian học tập

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, nên cho bé tự chọn và trang trí góc học tập theo ý thích. Cha mẹ chỉ cần hướng dẫn trẻ, cùng con dọn dẹp lại góc học tập cho thật gọn gàng, sạch sẽ. Xếp sách vở mới của con sẵn sàng lên kệ. Có thể dán thêm một thời khóa biểu xinh xắn. Bé sẽ hứng thú với việc học. Trong giờ trẻ học, tránh việc cắt ngang như người giám sát việc học bỏ đi làm việc khác hay để anh chị em của trẻ đến bàn học nói chuyện…

4. Cách ôn bài

Hãy thể hiện sự tôn trọng với trẻ. Ảnh minh họa.
Hãy thể hiện sự tôn trọng với trẻ. Ảnh minh họa.

Thay vì bắt con ngồi đọc như cuốc kêu, cha mẹ nên làm việc này, đảm bảo con học cực kì nhanh và nhớ lâu. Đó là khi cha mẹ dán những chữ cái lên trên các đồ vật trong nhà, để mỗi lần đi qua con sẽ đi ra đọc tên một đồ vật.

Ví dụ: Dán chữ "tivi" lên trên cái tivi, cả chữ viết hoa lẫn viết thường. Con sẽ đọc đi đọc lại rất nhiều khi đi qua tivi. Đến lúc đó, con sẽ nhanh nhớ chữ hơn nhiều.

Hoặc cha mẹ có thể hỏi con các câu hỏi như: Bài tập đọc về vẫn "an" con đã học chưa, hồi nhỏ bố/mẹ học rồi đó?/Ngày bé bố học chữ "a" có dấu sắc đọc thành á, bây giờ thì sao?/Chữ cái hoa với chữ cái thường khác nhau nhỉ, bố không sao nhớ nổi ấy...

Với những câu hỏi gợi mở như thế, đảm bảo các tân học sinh sẽ "giảng" cho bố mẹ nghe rất rõ ràng mạch lạc. Đó cũng là một cách ôn bài rất hiệu quả.

5. Phong con làm "chuyên gia"

Tối tối, bố mẹ trở nên thật "dốt", cần có người chỉ cho. Nếu bố mẹ càng dốt, các bạn ấy càng giỏi, càng nhanh nhớ. Đặc biệt khi con cần viết bài mà bố mẹ thành thầy cô giáo thì con sẽ rất ức chế, nhưng nếu bố mẹ là học sinh, vác vở ra nhờ bạn ấy hướng dẫn viết thì chắc chắn là các bạn ấy viết rất nhanh và thành thạo.

6. Kiên nhẫn khi con không làm được bài tập

Nếu bạn thấy bé không thể giải được 1 bài tập nào đó, đừng vội cuống lên mà mắng mỏ bé. Hãy bình tĩnh, kiên nhẫn giúp bé làm bài tập đó. Tiếp theo đặt ra 1 loạt bài tập gần giống và tương tự để con làm. Như vậy bé sẽ hiểu bài và có thể làm thông thạo hơn. Nếu bạn mắng mỏ, quát nạt sẽ càng khiến con cuống lên, sợ hãi và không thể học được.

... luôn cần sự đồng hành của cha mẹ để các con thêm tự tin và thêm hứng thú học tập. Ảnh minh họa.
 ... luôn cần sự đồng hành của cha mẹ để các con thêm tự tin và thêm hứng thú học tập. Ảnh minh họa.

7. Bình tĩnh khi con đạt điểm xấu

Trong quá trình học tập, sai xót và nhầm lẫn là chuyện rất bình thường. Thế nên một vài điểm xấu không có nghĩa là con bạn học dốt hay lười biếng. Đừng vội quy kết rồi làm ầm lên, hay đánh mắng trẻ. Hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra lời khuyên và giúp bé giải quyết. Đạt điểm xấu bản thân bé đã cảm thấy rất buồn rồi, bố mẹ không nên khiến con bị tổn thương hơn. Bởi điều đó sẽ dẫn đến hệ quả là trẻ sợ hãi, thậm chí chống đối không thèm học nữa.

8. Dành lời động viên, khen ngợi con

"Ủ ôi, cháu nhà em càng ngày càng tiến bộ. So với hôm qua, hôm nay cháu giỏi hơn nhiều bác ạ. Hôm qua cháu chưa học chữ "t" thường, hôm nay biết thêm cả chữ "t" hoa đấy ạ."

Với những câu ca ngợi "vô tình" lọt vào tai, các bạn ấy sẽ rất hào hứng để tiếp tục đi học và tham gia hoạt động trên lớp. Vì thế, các cha mẹ nhiệt tình ca ngợi nha.

Cha mẹ cần lưu ý: Chỉ ca ngợi sự tiến bộ so với chính bản thân con chứ đừng ca ngợi điểm số và tuyệt đối không so sánh con với bất kể ai. Các bạn nhỏ mà luôn đứng thứ nhất thì về sau cũng "ăn vạ" khi mình tự dưng đứng thứ hai hoặc thấp hơn đấy.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới