Học sinh miền núi làm phim ngắn để học Văn

(Baonghean.vn) - Các em học sinh THPT huyện Tương Dương được hóa thân thành những nhân vật trong các tác phẩm văn học tiêu biểu qua những clip phim ngắn do chính các em viết kịch bản, đạo diễn.
Một cảnh quay trong phim ngắn Vợ chồng A Phủ do học sinh dựng. Ảnh cắt từ clip
Một cảnh quay trong phim ngắn "Vợ chồng A Phủ" do học sinh dựng. Ảnh cắt từ clip
Từ đầu năm học 2017- 2018, với phương châm mang tác phẩm văn học vào đời sống, thầy giáo Nguyễn Quốc Phòng là giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tương Dương 2 đã động viên, khuyến khích học sinh“hóa thân vào tác phẩm” để các em được khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. Thông qua việc chuyển thể các tác phẩm văn học trong chương trình thành những bộ phim ngắn, thầy và trò  đã có những trải nghiệm hết sức thú vị với những tiết học sôi động, đầy hào hứng.

Bằng cách chia lớp thành 4 nhóm học tập, cho mỗi nhóm lựa chọn một tác phẩm đã học hoặc chuẩn bị học trong chương trình, đọc, viết kịch bản rồi chuyển thể thành một clip phim ngắn với thời lượng 5 đến 10 phút. Trong quá trình chuyển thể, thầy góp ý, chấn chỉnh, bổ sung và cùng sáng tạo với các diễn viên lần đầu tiên được vào vai nhân vật mà mình yêu thích.

Phim ngắn Vợ chồng A Phủ.

Sau gần một năm học thực hiện, đến cuối tháng 4/2018, lớp học tích cực của thầy Phòng đã xuất bản được 4 clip phim ngắn. Mỗi clip phim của các em học sinh đã trở thành những "giáo cụ" vô cùng hữu ích, giúp các thầy cô và chính các em dễ truyền tải, dễ ghi nhớ cốt truyện, cảm nhận và hiểu sâu sắc những giá trị ẩn sâu trong mỗi tác phẩm văn học. Các em được xem một Chí Phèo khật khưỡng bước ra từ truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, một anh cu Tràng và cô Thị đầy ấn tượng từ “Vợ nhặt” của Kim Lân, rồi một người chồng vũ phu, một bà vợ cam chịu từ tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Riêng phim ngắn “ Vợ chồng A Phủ” đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh và giáo viên ở ngôi trường miền núi Tương Dương này. Phim mang đến cho người xem nhiều hình ảnh đậm chất miền núi với núi rừng, khe suối, trang phục và cả ngôn ngữ bản địa của chính các em.

Trích đoạn trong phim Chí Phèo do các học sinh đóng. 

Thầy Phòng cho biết, mỗi bộ phim của các em là sản phẩm của quá trình tự đọc hiểu, tóm tắt, viết kịch bản. Đặc biệt, các em đã tự tải các phần mềm làm video về điện thoại thông minh của mình rồi tìm cảnh quay, xử lý, lồng ghép nhạc, lời thoại và phần dẫn truyện.Thời gian hoàn thành cho mỗi tác phẩm là một tháng.

“Việc các em học sinh miền núi được cùng nhau đọc rồi chuyển thể một tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh và được làm diễn viên khiến các em vô cùng hào hứng, nhờ thế mà nhiều em hăng say học tập hơn thường lệ, đồng thời cũng yêu môn học hơn”. - Thầy Phòng cho biết thêm.  

Em Lô Thị Trà My, học sinh lớp 12 A2 cho biết: “Bọn em có những buổi quay phim cười vỡ bụng, lần đầu tiên em thật sự có cảm xúc khi tiếp cận một truyện ngắn. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với em trong quá trình học môn Văn học từ trước tới nay”.

“Học mà thế này cả thì ai cũng muốn đến trường”, “Em không thể quên được tác phẩm này”… là những phản hồi hết sức tích cực từ các em học sinh lớp 12A2 sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Khi các clip phim hoàn thành, ngoài việc sử dụng để dạy các lớp mình phụ trách, thầy Phòng còn chia sẻ cho các đồng nghiệp trong nhóm Văn cùng sử dụng khi lên lớp.

Một cảnh quay trong phim ngắn Vợ chồng A Phủ do các em học sinh đóng và dựng nên. Ảnh cắt từ clip
Một cảnh quay trong phim ngắn Vợ chồng A Phủ do các em học sinh đóng và dựng nên. Ảnh cắt từ clip

“Ngoài hình thức này, thầy Phòng cũng thường sử dụng các phương pháp lạ khi dạy học. Phương pháp đọc hiểu sáng tạo của thầy áp dụng đã mang đến những tiết học hứng thú cho các em học sinh. Nhờ đó mà học sinh ở trường thích học Văn hơn, kết quả học tập vì thế mà tiến bộ rõ rệt” - Cô Trần Thị Giang, Tổ trưởng tổ Văn - Ngoại ngữ, Trường THPT Tương Dương 2 cho biết.

“Theo xu thế chung, hiện tượng học sinh không mặn mà với môn Văn diễn ra khá phổ biến. Ngoài những lý do mang tính xã hội thì việc dạy học rập khuôn, máy móc là một trong những nguyên nhân làm bào mòn tình yêu của học sinh dành cho văn học. Chính vì thế, nhà trường cần những giáo viên luôn sáng tạo và dám áp dụng những phương pháp mới vào dạy học như thầy Phòng” - Thầy Trần Đình Mạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 chia sẻ.

Tin mới