Không sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10: Cần có lộ trình phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chứng chỉ IELTS lâu nay được xem là giấy “thông hành” để tuyển sinh đầu vào, trong đó có tuyển sinh lớp 10. Chính vì thế, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản về việc không tuyển thẳng hoặc ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nhận được nhiều sự quan tâm.

Liên quan đến nội dung này, Báo Nghệ An đã ghi lại nhiều ý kiến của các phụ huynh, học sinh.

Học sinh Nguyễn Thảo Chi – lớp 9A – Trường Trung học cơ sở Hưng Bình

Năm nay, tại thành phố Vinh, số lượng học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng đột biến so với năm ngoái. Vì thế khi nhận được văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không tuyển thẳng đối với học sinh có chứng chỉ IELTS chúng em có những nuối tiếc. Thực tế thời gian qua chúng em đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều mới có chứng chỉ IELTS 7.5.

img-7904-1484-7791.jpg
Học sinh Nguyễn Thảo Chi. Ảnh: Mỹ Hà

Với những khó khăn này, em nghĩ mình lại càng phải cố gắng hơn cho các kỳ thi sắp tới. Với em, mục tiêu chính là hướng tới trường chuyên nên em không chỉ học Tiếng Anh mà còn phải quan tâm đến các môn thi nền để làm cơ sở tuyển sinh đầu vào.

Học sinh Nguyễn Diệp Chi – lớp 9C – Trường Trung học cơ sở Hưng Bình

Em cảm thấy mình khá hụt hẫng khi nhận được thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có thể, sắp tới, trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chúng em sẽ có thêm nhiều rủi ro vì đây là một kỳ thi khó, tỷ lệ cạnh tranh cao.

img-7913-9085-4890.jpg
Học sinh Nguyễn Diệp Chi. Ảnh: Mỹ Hà

Bản thân em đã tham gia Kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS từ cuối lớp 8 nên em may mắn không dành quá nhiều thời gian cho môn học này. Vì thế, đến nay em vẫn duy trì học đều các môn để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và học thêm môn chuyên Tiếng Anh để tham gia các kỳ thi vào trường chuyên.

Cá nhân em vẫn mong rằng, ngành giáo dục nên có những phương án để ưu tiên cho những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ vì đây là một môn thi khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng và học sinh cũng khá kỳ công mới có thể ôn tập và lấy chứng chỉ. Bản thân em đã theo học chứng chỉ IELTS từ năm lớp 6 theo chương trình Tiếng Anh tăng cường của nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Tú Anh – giáo viên Tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 9C - Trường Trung học cơ sở Hưng Bình:

Năm học 2023 – 2024 là năm đầu tiên lứa học sinh tham gia chương trình Tiếng Anh tăng cường ở trường chúng tôi tốt nghiệp. Qua 4 năm làm giáo viên chủ nhiệm và đồng hành với các em, tôi thấy đây là một chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng Tiếng Anh trong nhà trường.

Kết thúc khóa học, tôi thấy học sinh tiến bộ và nhiều phụ huynh đồng lòng, nhiều em đã có chứng chỉ IELTS. Trong đó có những học sinh đạt chứng chỉ IELTS 8,5; 8.0; 7.5 và thấp nhất là 6.0. Đây là sự nỗ lực đầu tư của nhà trường, của phụ huynh và sự cố gắng miệt mài của các em học sinh.

img-7924-8000-9573.jpg
Giờ học Tiếng Anh của cô giáo Tú Anh và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Khi nghe thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng hoặc ưu tiên trong tuyển sinh vào trường phổ thông, tôi cảm thấy rất tiếc. Tôi hi vọng rằng Bộ và ngành giáo dục cần có chính sách cộng điểm hoặc có lộ trình chậm hơn 1 năm để các em có sự chuẩn bị. Điều đó cũng sẽ động viên tinh thần ham học và nâng cao chất lượng Tiếng Anh của tỉnh nhà.

Học sinh Nguyễn Diệu Huyền – lớp 9A – Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai

Bản thân em và các bạn ở Trường THCS Đặng Thai Mai đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào chứng chỉ IELTS và luôn cố gắng để đạt kết quả cao nhất. Như ở lớp chúng em, phần lớn các bạn đều có chứng chỉ và một số bạn đã có chứng chỉ IELTS 8.0 và 7.5.

Tất nhiên, thời gian qua, ở trường, em các bạn đều cố gắng để học đều tất cả các môn nên chúng em đang cố gắng không để quá xáo trộn việc học ở trường. Nhưng, với những học sinh đã gần như bỏ các môn học khác và tập trung quá nhiều để lấy chứng chỉ IELTS có thể các bạn sẽ sốc vì thời gian còn lại để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp vì thời gian không còn nhiều. Đây là một công văn khá đột ngột.

img-7978-9324.jpg
Học sinh Nguyễn Diệu Huyền cùng các bạn ở lớp 9A - Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng học sinh học IELTS chỉ học tốt môn Tiếng Anh và không đồng tình với chủ trương ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển đầu cấp. Nhưng thực tế nếu học sinh đã học tốt môn Tiếng Anh (nhất là học môn chuyên) thì việc ôn thi IELTS không mất quá nhiều thời gian và vẫn có thể học tốt song song nhiều môn học khác.

Bản thân em hiện nay đã có chứng chỉ IELTS, định hướng chính của em là lớp chuyên Anh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Vì thế em sẽ vẫn cố gắng học tốt các môn nền Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và học thêm môn chuyên Tiếng Anh. Việc đã thi chứng chỉ IELTS đã bổ trợ rất nhiều cho em trong quá trình ôn tập.

Cô giáo Phan Thị Hải Yến – giáo viên Tiếng Anh – Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai

Tôi đã đọc kỹ văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tại thời điểm hiện nay khi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu thì có thể thấy đây là một văn bản khá đường đột. Bởi lẽ, hiện tại hầu hết học sinh lớp 9, phụ huynh và học sinh đã chuẩn bị các điều kiện, trong đó có chứng chỉ IELTS để làm hành trang tuyển sinh đầu cấp.

Đây là một lộ trình rất dài, các em đã bắt đầu vào học từ lớp 6 và học sinh sau khi nghe thông tin bị hụt hẫng khá nhiều. Thực tế, những học sinh này học rất tốt, không chỉ riêng Tiếng Anh mà còn các môn văn hóa khác.

img-7989-8603-7837.jpg
Giờ học Tiếng Anh của cô giáo Phan Thị Hải Yến và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Có nhiều nguyên nhân để Bộ đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, nên chăng quá trình triển khai văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa ra trong thời điểm sớm hơn để học sinh và phụ huynh có sự chuẩn bị. Riêng cá nhân tôi cho rằng, những học sinh có chứng chỉ IELTS rất xứng đáng để nhận được sự ưu tiên.

Chị Thu Hiền – Thành phố Vinh (Phụ huynh có con đạt chứng chỉ IELTS 8.5)

Theo tôi, văn bản của Bộ cần có lộ trình hoặc cần ban hành sớm hơn để phụ huynh, học sinh có định hướng phù hợp. Thời điểm này, các con đang chạy nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và việc dừng sẽ rất tiếc bởi các con đã mất rất nhiều thời gian để ôn tập.

img-7893-6551-2882.jpg
Chị Thu Hiền - phụ huynh ở thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tôi cũng băn khoăn bởi quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành từ năm 2019. Trong khi đó, nhiều địa phương đã áp dụng phương thức này để xét tuyển hoặc tuyển thẳng đầu cấp trong nhiều năm. Vì thế, việc phụ huynh, học sinh cố gắng để có chứng chỉ IELTS là giấy thông hành tuyển sinh đầu cấp là điều dễ hiểu. Việc ban hành văn bản chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến việc phân bố thời gian ôn tập của các con.

Thực tế, có rất nhiều gia đình đã dành thời gian, tiền của và công sức để có được chứng chỉ IELTS, thậm chí có bạn đã thi rất nhiều lần để đạt được số điểm như kỳ vọng. Phụ huynh chúng tôi mong muốn, nếu Bộ có sự thay đổi thì cần lùi lại thời gian để các em có thêm động lực cố gắng.

Theo thông báo tuyển sinh lớp 10 ở năm học trước, Nghệ An có tuyển sinh các lớp tăng cường tiếng Anh thực hiện Đề án ngoại ngữ. Theo đó, học sinh trong tỉnh (học trong các trường THCS thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An) được đăng ký xét tuyển vào lớp tiếng Anh thực hiện Đề án ngoại ngữ tại các trường THPT được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép xét tuyển với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập 4 năm học cấp THCS, kết quả chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế.

Năm nay, Nghệ An chưa đưa ra phương án xét tuyển lớp 10.

Tin mới