Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc trường THPT DTNT tỉnh

Lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc

(Baonghean.vn) - Với bản sắc riêng, câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc của Trường THPT DTNT là nơi gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Nghệ.

Những khúc nhạc rừng

Tròn một năm trước Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc của Trường THPT DTNT tỉnh đã chính thức ra mắt toàn trường bằng một đêm nhạc đầy cảm xúc được chính các thành viên trong câu lạc bộ dàn dựng và biểu diễn. Đó là tiết mục múa hát Lễ cầu mùa tái hiện lại niềm vui về một mùa lúa chín của đồng  bào dân tộc Thái; là làn điệu hát Tơm của người dân Khơ mú được trình diễn mới lạ trong tiếng sáo du dương… Đêm nhạc cũng đưa mọi người về với phiên chợ xuân mang đậm bản sắc văn hóa  của đồng bào dân tộc Mông và được đắm mình trong những câu chuyện kể dân gian núi rừng đã được  lưu giữ từ ngàn đời…

Lễ ra mắt câu lạc bộ nghệ thuật Trường THPT DTNT tỉnh. Ảnh: MH
Lễ ra mắt câu lạc bộ nghệ thuật Trường THPT DTNT Nghệ An. Ảnh: MH

Chỉ mới thành lập trong một thời gian rất ngắn nhưng Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc đã trở thành điểm đến quen thuộc của học sinh Trường THPT DTNT tỉnh. Ở đó, mỗi tuần một lần, câu lạc bộ sẽ tập hợp các thành viên để sinh hoạt và triển khai các hoạt động. Hàng tháng, câu lạc bộ sẽ có một buổi biểu diễn để giới thiệu các tiết mục mới cho học sinh toàn trường.

Định kỳ vài ba tháng một lần, câu lạc bộ sẽ mời các nghệ nhân hoặc các ca sỹ, nghệ sỹ đến để nói chuyện hoặc hướng dẫn cho các thành viên trong câu lạc bộ về những bài ca, điệu múa hoặc truyền dạy lại các làn điệu truyền thống của đồng bào các dân tộc. Việc tham gia của những khách mời đặc biệt  như nhạc công Vi Thị Phượng, ca sỹ La Hoàng Quý. nghệ nhân ưu tú Minh Nguyệt, biên đạo múa Hoài Thu, MC Hồng Sơn. …cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực của ban chủ nhiệm câu lạc bộ. Và chính các nghệ sỹ cũng muốn chung tay để được lan tỏa những giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Nhạc công Vi Thị
Nhạc công Vi Thị Phương hướng dẫn các thành viên câu lạc bộ sử dụng các nhạc cụ. Ảnh: MH

Trước đó, câu lạc bộ nghệ thuật Trường THPT DTNT tỉnh là tâm huyết của đoàn trường và của chính hiệu trưởng nhà trường - cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa với mong muốn từ sân chơi này sẽ là nơi tập hợp những “hạt nhân” văn hóa, văn nghệ cho Trường THPT DTNT tỉnh. Hơn thế, qua đó sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của các em học sinh, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, kĩ năng, năng lực tư duy, sáng tạo. Đây cũng sẽ là nơi lưu giữ, quảng bá những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc và qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy có hiệu quả vốn văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh nhà.

Từ khi thành lập đến nay, lợi thế của câu lạc bộ đó là các thành viên đông đảo với đa bản sắc văn hóa dân tộc. Tham gia câu lạc bộ, tùy vào năng khiếu và sở trường riêng, các em sẽ được phân về 5 ban và được phụ trách các nội dung từ đàn - hát, nhảy - múa, kịch - MC, truyền thông. Ngoài ra, các lạc bộ cũng sẽ thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ như nhảy sạp, đánh cồng chiêng, khắc luống trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa hoăc các ngày hội của trường.

Câu lạc bộ cũng là nơi lưu giữ các trò chơi dân gian của các dân tộc. Ảnh: MH
Câu lạc bộ cũng là nơi lưu giữ các trò chơi dân gian của các dân tộc. Ảnh: MH

Khởi xướng gắn bó với câu lạc bộ từ những ngày đầu mới thành lập, anh Trần Đình Huy - Phó Bí thư đoàn trường - Chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: Trường chúng tôi quy tụ học sinh ở khắp các vùng miền trong tỉnh, đại diện cho nhiều dân tộc khác nhau. Vì thế, khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ mỗi em lại đem đến một màu sắc riêng và từ đó sẽ góp phần lan tỏa, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền…

Ở câu lạc bộ nghệ thuật, chúng tôi cũng định hướng để học sinh hiểu hơn các giá trị truyền thống của các dân tộc và để các em có ý thức tự tôn và bảo vệ những nét đẹp văn hóa của quê hương mình.

Học tốt và phát triển toàn diện

Khởi đầu với 45 thành viên đến nay sau một năm, số thành viên của câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc Trường THPT DTNT tỉnh đã lên đến gần 80 người. Thành viên tham gia câu lạc bộ cũng chính là những học sinh ưu tú của trường bởi các em không chỉ hát hay, đàn giỏi mà học lực cũng thường nằm trong tốp đầu của lớp…

Phó Bí thư đoàn trường Trần Đình Huy giới thiệu về những dấu ấn của câu lạc bộ sau một năm đi vào hoạt động. Ảnh: MH
Phó Bí thư đoàn trường Trần Đình Huy giới thiệu về những dấu ấn của câu lạc bộ sau một năm đi vào hoạt động. Ảnh: MH

Một năm trước khi bắt đầu tham gia đăng ký tuyển chọn vào câu lạc bộ, Hồ Sỹ Thái – học sinh lớp 12 A1 đã có một bản cam kết với lời hứa “việc tham gia câu lạc bộ không ảnh hưởng đến việc học tập của em”. Để có thể làm tốt “hai vai”, Thái ngày càng học tập chuyên cần và chưa khi nào khiến thầy cô phải phiền lòng.

Ngay trong năm đầu tiên tham gia câu lạc bộ, Thái đã dành được giải Nhất tại cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2020 với một dự án thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống. Năm học này, dù đang phải chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý nhưng Thái với vai trò là trưởng nhóm nhạc cụ dân tộc vẫn là một thành viên tích cực của câu lạc bộ.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên câu lạc bộ. Ảnh: MH
Thành viên câu lạc bộ đến từ nhiều huyện, thành thị trong toàn tỉnh và mỗi em mang đến một màu sắc riêng của dân tộc mình. Ảnh: MH

Câu học trò người dân tộc Thái đến từ huyện Tân Kỳ cũng chia sẻ: Ở nhà em ông và bố đều biết ít nhất một nhạc cụ nên từ khi đang học THCS em đã rất yêu thích âm nhạc. Đến năm lớp 9, em bắt đầu làm quen với chiếc sáo của dân tộc Mông và sau đó tự học qua Youtube. Đến nay thì em đã có thể thổi thành thạo nhiều loại sáo và rất vui khi được truyền niềm đam mê của mình tới nhiều học sinh khác trong trường.

Lầu Nguyễn Hương Giang cũng là một hạt nhân tích cực trong câu lạc bộ. Cô bé người Mông đến từ xã Tà Cạ - huyện Kỳ Sơn tự nhận mình “hát không hay, múa không dẻo” nhưng lại có một niềm tự tôn đặc biệt với văn hóa bản địa của dân tộc mình. Đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình qua mỗi một buổi biểu diễn của câu lạc bộ, Lầu Nguyễn Hương Giang lại có cơ hội để giới thiệu với mọi người về những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương và những phong tục truyền thống còn được gìn giữ từ ngàn đời.

Với tình yêu về văn hóa thổ cẩm, năm lớp 10, Giang và một bạn học khác cũng đã từng dành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài “Học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Tahfnh viên
Xây dựng môi trường văn hóa tại Trường THPT DTNT tỉnh. Ảnh: MH

Những thành tích tốt trong học tập cũng là động lực để câu lạc bộ hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Trong một năm qua, câu lạc bộ nghệ thuật Trường THPT DTNT tỉnh đã được tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức và để lại những ấn tượng tốt đẹp.

Đặc biệt, trong năm 2020, câu lạc bộ đã đạt giải Nhất liên hoan Tiếng hát học sinh sinh viên thành phố Vinh, giải Ba Liên hoan nhóm nhạc, nhóm nhảy thành phố Vinh năm 2020, một số cá nhân cũng đã đạt giải triển vọng tại các cuộc thi do thành đoàn tổ chức…

Các thành viên câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc. Ảnh: MH
Các thành viên câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc. Ảnh: MH

Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh cũng cho biết: Với một môi trường đặc biệt như Trường THPT DTNT tỉnh thì việc tạo ra những sân chơi để các em vừa có thể phát huy được năng khiếu, vừa có thể được giao lưu học hỏi, gìn giữ và phát huy được những giá trị bản sắc văn hóa có một ý nghĩa rất thiết thực và là động lực để các em thi đua học tốt, rèn luyện tốt, gắn bó hơn với mái trường.

  Tình yêu và trách nhiệm đã thôi thúc các em có hành động thiết thực góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các thuần phong mỹ tục của cộng đồng mình. Chúng tôi cũng tin rằng, từ những thành quả đầu tiên này, các em sẽ mở rộng nội dung hoạt động để câu lạc bộ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mà còn là nơi để sưu tầm bảo tồn và giới thiệu nhiều giá trị văn hóa khác như các trò chơi dân gian, các nhạc cụ truyền thống, những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.

Tin mới