Làng nghề mộc hàng chục tỷ ở Đà Lam

(Baonghean.vn)- Nghề mộc ở Đà Lam (Đà Sơn, Đô Lương) là nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nơi đây và hiện đang phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, với tổng doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tiếp nối nghề mộc truyền thống của gia đình, anh Nguyễn Công Cường, xóm 10 Đà Lam đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mở xưởng chế biến gỗ đã hơn 15 năm nay. Cuối năm là thời điểm đồ gỗ mỹ nghệ tiêu thụ mạnh nhất nên 12 lao động ở xưởng của anh phải làm việc liên tục mới đủ sản phẩm theo đơn đặt hàng.

1
Xưởng mộc của anh Nguyễn Công Cường ở xóm 10 Đà Lam tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động.

Anh Cường cho biết, sản phẩm đồ gỗ ở đây bền đẹp, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Vì vậy không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình anh hàng trăm triệu mỗi năm mà công nhân ở xưởng của anh cũng có thu nhập đều mỗi tháng 10 triệu đồng.

1
Tấm ốp trần nhà với hoa văn hình trống đồng Đông Sơn do chính bàn tay khéo léo của những người thợ trẻ tuổi ở Đà Lam làm.

Không riêng gia đình anh Cường, nhiều gia đình ở Đà Lam đã mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, các loại máy móc để phát triển nghề. Hiện tại cả làng có khoảng 30 hộ làm mộc tạo công ăn việc làm cho trên 100 lao động, trong đó số người làm trần nhà chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả.

Sản phẩm mộc Đà Lam được làm từ các loại gỗ như săng lẻ, dỗi, vàng tâm…đến các loại bình dân như tràm, xoan đâu nên đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm nổi bật của nghề mộc ở Đà Lam cũng rất phong phú gồm: bàn ghế, giường, tủ, cửa, gỗ lát nền nhà,…

1
Xưởng chế biến gỗ của anh Trần Đăng Mỹ.

Anh Trần Đăng Mỹ, làng Đà Lam cho biết, xưởng của anh hoạt động trên 10 năm với 6 lao động làm việc hết công suất, không mấy khi thiếu việc, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên Đán thì làm cả ngày lẫn đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. 

1
Nét chạm khắc tinh xảo trên sản phẩm mộc Đà Lam.

Ông Hoàng Đình Đông, chủ tịch UBND xã Đà Sơn cho biết, nghề mộc trên địa bàn xã hiện nay phát triển rất mạnh, mỗi năm tổng doanh thu từ nghề này lên tới 30 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là ở làng Đà Lam.

Hiện tại, chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân thành lập các doanh nghiệp, xưởng chế biến để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn, tiếp tục nâng cao giá trị của nghề truyền thống này.

Lan Thái

TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN

Tin mới