Mọi luận điệu, chiêu trò không làm lung lay bản lĩnh, ý chí của dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Đến nay dịch Covid-19 ở Việt Nam tuy đã được kiểm soát những vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Kết thúc đợt dịch thứ tư, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Một trong những bài học đó là sự vững vàng bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, niềm tin của nhân dân trước sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Chống phá bằng mọi luận điệu, chiêu trò

Nhằm chống phá công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, các thế lực thù địch không từ một luận điệu, chiêu trò nào. Đáng lưu ý họ triệt để khai thác thế mạnh của internet để tung những luận điệu bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây nhiễu loạn thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Giở trò “bé xé ra to”, họ xuyên tạc diễn biến tình hình dịch nhằm gây hoang mang trong xã hội. Trong khi Chính phủ cùng các cấp, các ngành, lực lượng, địa phương rốt ráo triển khai nhiều chủ trương, biện pháp chống dịch thì họ rêu rao rằng “chính quyền không vì dân”, chính quyền “chống dân” chứ “không chống dịch”… nhằm kích động người dân không ủng hộ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Trên internet xuất hiện luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Trên internet xuất hiện luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Nguồn: vtv

Để bôi nhọ chế độ, nói xấu Chính phủ, họ so sánh rằng chính phủ các nước tư bản tung ra các gói cứu trợ cho người dân; hỗ trợ phòng, chống dịch cho quốc tế... còn chính quyền Việt Nam “yếu kém” chỉ biết "xin tiền" nhân dân. Họ dựng chuyện rồi lu loa rằng Chính phủ Việt Nam “thiếu minh bạch” để kích động người dân, doanh nghiệp không ủng hộ quỹ vaccine. Nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, họ cho rằng: “TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có thể tự phòng, chống dịch Covid-19 chứ không cần người miền Bắc vào giúp đỡ”. Từ đó họ kích động người dân địa phương tẩy chay, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống dịch của các lực lượng tuyến đầu.

Để phủ nhận mọi nỗ lực của Việt Nam, họ tung ra các luận điệu như: “Việt Nam chậm trễ, bị động”; “thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vaccine Covid-19”;... Khi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trong dịch bệnh… thì họ cho đó là “mị dân”. Khi Việt Nam thực hiện chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19, họ suy diễn đưa ra những nhận xét phi khoa học, kích động người dân chọn vaccine này, tẩy chay vaccine kia. Việt Nam đưa ra các biện pháp cách ly y tế hay phong tỏa khu vực dân cư có bệnh nhân F0, hạn chế tụ tập đông người... họ cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền con người. Khi cơ quan chuyên môn thực hiện chủ trương kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền để phòng, chống Covid-19 thì họ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân thực hiện chữa Covid-19 bằng nước thánh…

Những nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận

Cần khẳng định mạnh mẽ rằng những luận điệu, chiêu trò của các thế lực thù địch dù có thâm độc, tinh vi đến đâu chăng nữa cũng không thể làm lung lay bản lĩnh, suy giảm ý chí, niềm tin và quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của dân tộc Việt Nam.

Đợt dịch thứ tư bùng phát đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là với các địa phương phía Nam. Nhìn lại công tác phòng, chống dịch hơn 5 tháng qua, với tinh thần khách quan, toàn diện, thẳng thắn, chúng ta phải thừa nhận còn chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác, việc này việc nọ làm chưa tốt. Cái giá Việt Nam phải trả để kiểm soát tình hình dịch như hiện nay là không hề nhỏ. Ngoài những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế…

Nhưng nhìn tổng thể, đến nay cơ bản chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuẩn bị các điều kiện để chuyển sang trạng thái mới. Để có kết quả đó, chúng ta phải thấy một thực tế đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Nếu như nhân dân không ủng hộ thì cũng không làm gì được. Vì vậy Chính phủ luôn nhấn mạnh và đề cao ý thức người dân trong chống dịch”. Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với biến chủng mới Delta diễn biến của dịch cực kỳ phức tạp, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bằng sự đồng lòng, chung sức của toàn dân, chúng ta đã lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất có thể để “chiến đấu” với dịch Covid-19.

Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống Covid-19 là không thể phủ nhận. Ảnh tư liệu
Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống Covid-19 là không thể phủ nhận. Ảnh tư liệu

Bước ngoặt quyết định trong phòng, chống dịch là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Có thể nói Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ đã giúp thay đổi cục diện phòng, chống dịch. Đặc biệt bằng các giải pháp như: tập trung phân loại, điều trị người bệnh từ xa, từ sớm ngay tại cơ sở; huy động thêm nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Có thể nói, Nghị quyết 86/NQ-CP thúc đẩy, tạo chuyển biến rõ cả về “thế” và “lực” trong chống dịch.

Sự cố gắng của lực lượng tuyến đầu là rất lớn và không thể kể hết. Ngoài duy trì các biện pháp phòng, chống dịch; giúp đỡ nhân dân khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta không thể không nói tới vai trò của lực lượng y tế. Để đáp ứng với diễn biến mới của dịch, nhất là sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, ngành Y tế đã áp dụng nhiều biện pháp chuyên môn mà theo Bộ trưởng Bộ Y tế là “chưa có tiền lệ” và đạt hiệu quả. Việc thực hiện giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực... Các biện pháp trong điều trị người bệnh được kết hợp đồng bộ, hiệu quả góp phần giảm tử vong, tăng nhanh số bệnh nhân được điều trị khỏi, hạn chế số người mắc mới, tránh được cuộc khủng hoảng y tế.

Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình và chuẩn bị các điều kiện để chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt; vừa kiểm soát chặt, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Có thể nói chính sự vững vàng bản lĩnh, ý chí, niềm tin, quyết tâm và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân là cội nguồn sức mạnh để Việt Nam đẩy lùi dịch Covid-19. Nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 là không thể phủ nhận. Điều ấy đã được khẳng định trên thực tế và là sự đáp trả đanh thép đập tan mọi luận điệu, chiêu trò xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch.

Kết hợp giữa “xây” và “chống”

Thời gian tới, tình hình dịch tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 có những diễn biến mới và tiếp tục được đẩy mạnh. Đã thành thói quen, hễ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tập trung vào nhiệm vụ gì là các thế lực thù địch, phản động lại tập trung chống phá.

Trong bối cảnh đó, vấn đề đáng lưu tâm với chúng ta là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giữ vững bản lĩnh, nâng cao ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Thực hiện điều ấy chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều việc, nhưng quan trọng là phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí, truyền thông trong định hướng dư luận xã hội.

Báo chí, truyền thông phát huy tốt vai trò tuyên truyền trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. Ảnh tư liệu
Báo chí, truyền thông phát huy tốt vai trò tuyên truyền trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. Ảnh tư liệu

Theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, báo chí, truyền thông cần tập trung phát hiện cổ vũ, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong cuộc chiến; lan tỏa những biện pháp hay, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả trong phòng, chống dịch,… qua đó xây dựng bản lĩnh, ý chí, niềm tin và quyết tâm của toàn dân. Đồng thời báo chí, truyền thông phải đi sâu đấu tranh vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhân dân trước những luận điệu xuyên tạc chống phá.

Để báo chí, truyền thông phát huy tốt vai trò trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, ngoài nỗ lực chủ quan của các cơ quan báo chí, truyền thông, rất cần sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy thông tin chính thống từ báo chí, truyền thông rất hữu hiệu trong loại bỏ những thông tin xấu độc. Do vậy sự chủ động phối hợp chặt chẽ, nhất là trong cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận của các cơ quan chức năng với báo chí, truyền thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Mọi chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng và Chính phủ sẽ không đi đến đâu nếu như nhân dân mất niềm tin. Do đó báo chí, truyền thông phải là cầu nối giúp nhân dân hiểu và tin vào đường lối, chủ trương của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch của Chính phủ để tổ chức thực hiện. Đồng thời báo chí, truyền thông phát hiện, truyền tải đến Đảng, Chính phủ mọi tâm tư, nguyện vọng, lo lắng chính đáng của người dân để có các biện pháp giải quyết kịp thời. Thực tế cho thấy báo chí, truyền thông đóng vai trò rất to lớn trong việc biến quyết tâm chính trị của Đảng trở thành lời hiệu triệu nhân dân đồng lòng, chung sức tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Kết quả của cuộc chiến phòng, chống dịch thời gian qua khẳng định nhân dân và toàn xã hội đặt trọn niềm tin, tích cực ủng hộ ý chí, quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng và Chính phủ. Dù tinh vi, thâm độc đến đâu cũng không một tổ chức, cá nhân nào có thể làm lung lay bản lĩnh, suy giảm ý chí, niềm tin và quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của dân tộc Việt Nam./. 

Tin mới