Nga nêu tên các quốc gia không thể làm trung gian hòa giải vấn đề Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình lập lại hòa bình ở Ukraine, họ là những bên tham gia xung đột với Moskva.

Trước đó, cựu Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich, ông Wolfgang Ischinger đã kêu gọi thành lập nhóm liên lạc về Ukraine nhằm "khởi động tiến trình hòa bình". Nhóm này được cho là bao gồm Washington, London, Paris và Berlin.

Đề cập tới đề xuất nói trên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Về mặt chính thức chúng tôi không biết gì về sáng kiến này... Tuy nhiên, ý tưởng của ông Ischinger đặt ra những câu hỏi chính đáng. Trước hết, bởi vì cả bốn quốc gia được đề cập đến đều là những nước tham gia cuộc xung đột với Nga đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine".

Tòa nhà của Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: AP

Tòa nhà của Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng các quốc gia nói trên cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo và chỉ định mục tiêu, huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine và gửi lính đánh thuê đến khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.

Bộ trên nêu rõ: "Các quốc gia đó áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống Nga, phong tỏa tài sản nước ngoài của Nga, yêu cầu thành lập tòa án để trừng phạt lãnh đạo Nga. Họ ủng hộ các đề xuất giả mạo sáng kiến hòa bình của Zelensky mà thực chất là những tối hậu thư xa rời thực tế yêu cầu đất nước chúng ta đầu hàng".

Cơ quan Ngoại giao Nga lưu ý rằng trước đó những nước này "đã tự đánh mất uy tín bằng việc ủng hộ cuộc đảo chính vi hiến ở Maidan và dung túng để cho Kiev có hành động phá hoại Thỏa thuận Minsk. Dựa trên quan điểm như vậy, Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể đứng ra đóng vai trò trung gian hòa giải để khởi động tiến trình hòa bình. Họ không quan tâm đến việc giải quyết khủng hoảng mà đang làm mọi cách để kéo dài cuộc đối đầu đến mức tối đa".

Moskva cho rằng: "Một giải pháp thực sự toàn diện, công bằng và bền vững để giải quyết xung đột chỉ có thể thực hiện được thông qua việc chấm dứt chiến sự và ngừng cung cấp vũ khí của phương Tây, công nhận thực tế mới về lãnh thổ, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, xác nhận quy chế trung lập và không tham gia phe khối của nước này, bãi bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với Nga, rút lại các vụ kiện chống Nga, khôi phục quy chế lưu hành ngôn ngữ Nga, khôi phục quyền của các dân tộc thiểu số và quan hệ hữu nghị với đất nước chúng ta cũng như các quốc gia và dân tộc khác là láng giềng và gần gũi với Ukraine”./.

Tin mới