Nga - Trung củng cố quan hệ sau chuyến thăm của Putin

(Baonghean.vn) - Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc ngày 25/6 vừa qua, hai nước đã đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại trong các lĩnh vực như trao đổi mậu dịch, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi đàm phán và kí kết các hiệp định thương mại
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại.

Đây là lần thứ tư ông Putin đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Trung Quốc năm 2013. Mục đích của những chuyến thăm này là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và đảm bảo sự cân bằng chiến lược giữa các quốc gia. Tổng thống Putin còn cho rằng Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm trong các vấn đề quốc tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đây là cột mốc đánh dấu 15 năm quan hệ Trung Quốc - Nga và hy vọng mối quan hệ này sẽ mãi vững bền. Ông cũng mong sự hợp tác này sẽ làm tăng cường vị thế hai bên trên trường quốc tế.

Trong chuyến thăm này Tổng thống Putin kỳ vọng sẽ ký được 58 hiệp định với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dự án xây dựng đường sắt cao tốc ở Nga vào cuối năm nay. Ngân hàng trung ương hai nước cũng đã ký kết một bản ghi nhớ có lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Nhà sản xuất dầu hàng đầu của Nga Rosneft đã bán 40% cổ phiếu của dự án nhà máy hóa dầu VNHK  cho Tổng Công ty Hóa chất Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ mang lại nguồn vốn cho dự án và giúp công ty thâm nhập vào thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cho phép xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc với sản lượng lên đến 2,4 triệu tấn từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017. Nga đang là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của Trung Quốc từ tháng 3 trở lại đây, vượt qua cả Saudi Arabia.

Ngoài các hiệp định thương mại, hai bên cũng đã đồng thuận trong việc tăng cường tính ổn định chiến lược. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, giữ khả năng quân sự ở mức tối thiểu và tránh mở rộng các liên minh quân sự - chính trị hiện có.

Tuyên bố chung này cũng chỉ trích việc triển khai các hệ thống chống tên lửa ở châu Âu và châu Á. Dù không đề cập đến quốc gia nào cụ thể, nhưng tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga đang mâu thuẫn với NATO về vấn đề gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu. Hai nước cũng nhất trí rằng đàm phán sáu bên là cách tốt nhất để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thanh Hiền

(Theo The Guardian)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới