Nghệ sỹ Dương Đình Hy: Nâng niu từng 'hạt giống sinh sôi'

(Baonghean) - Tôi ấn tượng với nghệ sỹ Dương Đình Hy từ nhiều năm nay, khi ông cùng những học trò của mình - những người có chung niềm đam mê tranh sơn dầu đã gặp nhau và cùng phiêu du trong thế giới sắc màu để thực hiện những ước mơ cao đẹp. 

Giữ giọng Nghệ, chất Nghệ

Nghệ sỹ Dương Đình Hy
Ngoài 80 tuổi nhưng nghệ sỹ Dương Đình Hy vẫn gắn bó với niềm đam mê hội họa của mình. Ảnh: Võ Thu Hương

Sinh năm 1935 ở Hà Tĩnh, từ tuổi thơ cho tới thời thanh niên của nghệ sỹ Dương Đình Hy sống gắn bó với nhiều vùng đất xứ Nghệ. Sau khi du học ở Trung Quốc, ông về nhận công tác ở Hà Nội và vào TP. Hồ Chí Minh làm việc, gắn bó nhiều năm nay. Xa quê hơn 60 năm, ông vẫn giữ cho mình giọng Nghệ, tính cách Nghệ: Thật thà, hiền lành, chịu khó và chịu chia sẻ với những người khó khăn, hoạn nạn hơn mình.

Dương Đình Hy được biết tới là một trong những nhà báo, nhà thơ, họa sỹ có tuổi đời lẫn tuổi nghề đáng nể - gần 60 năm, ông vẫn lao động nghệ thuật mỗi ngày. Buổi sáng của nghệ sỹ Hy bắt đầu từ 6 giờ sáng, sau vài chục phút tập thể dục, tưới cây trong mảnh vườn nhỏ trên gác thượng, ăn sáng xong ông sẽ ngồi vào bàn làm việc. Ông bảo, ông tìm thấy sự nhẹ nhàng, nghỉ ngơi khi lao động trí óc. Ở tuổi ngoài 80, nước da ông vẫn hồng, mắt sáng và đi lại nhanh nhẹn, làm thơ, vẽ tranh và dịch tác phẩm văn học cho những nhà xuất bản đặt hàng khiến đám thanh niên phải khâm phục.

Dương Đình Hy là một trong những người có tên tuổi trong làng văn, làng báo ở những năm 70, 80. Ông là một trong những người xây dựng và phát triển nhiều tờ báo như Người giáo viên nhân dân, báo Khăn Quàng Đỏ… Nhiều tác phẩm văn học (dịch và sáng tác) của ông được thiếu nhi yêu mến như: Lọ nước trường sinh, Đồng chí nữ y tá, Đến trường mới, Giờ lên lớp đầu tiên…

Nghệ sỹ Dương Đình Hy và học trò.
Nghệ sỹ Dương Đình Hy và học trò. Ảnh: Võ Thu Hương

Thơ và hội họa là một trong những góc tâm hồn mà ông trân trọng. Không giành nhiều giải thưởng hay sự ghi nhận như văn xuôi, báo chí nhưng đó lại là con đường ông gắn bó bền bỉ nhất từ thời trẻ tới bây giờ. Khi tôi hỏi, vì sao ông lại chọn cho mình nhiều mảnh đất cùng khai phá, khi mà sức người lẽ dĩ nhiên là có hạn, khi mà “sự chuyên canh” bền bỉ trên một mảnh đất, sẽ có hiệu quả hơn? Ông trả lời, mọi sự “khai phá” ấy đều không nằm ngoài lao động tri thức. Đó là con đường tôi chọn, tôi mê từ thời nhỏ. Mọi giải thưởng chỉ là sự khích lệ, điều quan trọng là cái tâm mình trong, tư tưởng mình thoáng, mình sống được với đam mê và còn có thể giúp đỡ bao nhiêu phận đời.

Trò hơn thầy là có phúc

Chân dung Nghệ sỹ Dương Đình Hy
Chân dung nghệ sỹ Dương Đình Hy. Ảnh: Võ Thu Hương

Ngôi nhà của nhà văn - nhà thơ - nhà báo Dương Đình Hy nằm sâu trong con hẻm trên đường An Bình, quận 5, TP. Hồ Chí Minh được xem là “đại bản doanh” của một nhóm họa sỹ trẻ đam mê sắc màu và luôn mở rộng trái tim mình. Bởi Lan Hương, thành viên trong nhóm, là con gái của ông. Hơn nữa, ông Dương Đình Hy được cả nhóm xem là người thầy đỡ đầu về tinh thần, hướng dẫn và nâng đỡ họ trong từng bước đi.

Hơn 3 năm trước, nhóm họa sỹ trẻ này tình cờ gặp nhau tại nhà của Lan Hương. Họ tâm tình với nhau về niềm đam mê hội họa và mong muốn chia sẻ cùng cộng đồng của mình. Những tâm hồn đồng điệu bắt đầu đưa ra quyết định táo bạo là bắt tay vào tập vẽ, với sự dạy dỗ, lời động viên gây hưng phấn và sự tự tin từ nghệ sỹ Dương Đình Hy - “người thầy tinh thần” của họ, dù cả 6 người đều chưa qua trường lớp về hội họa, dù nhóm họa sỹ trẻ này luôn khiêm tốn khi nói về tranh của mình: “Chúng tôi đang học vẽ và còn phải học rất nhiều”, nhưng không ít tranh của họ đã có mặt tại một số cuộc triển lãm ở nước ngoài và được bạn bè quốc tế đặt mua. Tranh của Lan Hương và Lê Thủy đã tham gia triển lãm tại Bordeaux, Pháp. Lê Thủy từng đại diện nhóm tham gia triển lãm tranh cùng 64 họa sỹ của miền Nam nước Pháp, theo lời mời của Hiệp hội Art Blue, Pháp...

Điều khiến nhiều người nể trọng nghệ sỹ Dương Đình Hy là việc ông đào tạo nhiều học trò với khả năng “biến hóa” tài tình. Trong số học trò của ông, nhiều người chưa từng cầm cọ, ông mua toan, mua cọ, màu và dạy cho học, hoàn toàn miễn phí. Không lâu sau gặp lại, người học trò ấy đã đủ tự tin có tranh triển lãm nước ngoài. Đặc biệt, có họa sỹ trẻ Thúy Hằng, vốn tới nhà ông với vai trò… giúp việc gia đình. Chị Hằng ham học dù hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc nghỉ học đi làm từ rất sớm, nên được ông chỉ dẫn. Tới nay, tranh của Hằng đều đặn có khách mua, chị còn được thầy Hy dạy tiếng Anh, đọc thông viết thạo, nói lưu loát, giao tiếp giỏi tiếng Anh.

Hỏi vui ông Dương Đình Hy, khi học trò hơn thầy, thầy có… chạnh lòng không? Ông cười lớn, trêu tôi, người xứ Nghệ mà chưa hiểu tường tính khí “ông đồ Nghệ” rồi. Khi xưa khi đi học cấp 2 ở làng, có ông thầy dạy toán. Ông thầy thường gọi một học sinh tên Thịnh lên giải toán khó cho các bạn học hỏi. Hôm ấy, Thịnh giải theo một cách khác cách thầy vẫn dạy, vô cùng súc tích. Ông thầy thốt lên: “Cậu giỏi hơn thầy rồi” với niềm hoan hỉ hiện rõ trên mặt. Tôi luôn nhớ câu chuyện của thầy và hiểu rằng, trò hơn thầy là phúc lớn.

Muốn nối kết những tấm lòng nhân ái

Không chỉ vẽ để thỏa mãn đam mê cá nhân của mình, thầy Hy luôn dạy học trò mình làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống bằng những việc thiết thực nhất. Cả nhóm lấy bài thơ của thầy mình làm kim chỉ nam: “Hãy  gieo vào thời gian/ Từng hạt giống sinh sôi/ Và biết đón đợi mùa gặt hái/ Đừng để phút giây tâm hồn trống trải/ Mỗi ngày qua/ Khi chiều xuống hãi hùng...  Khi lương tâm con người thức dậy/ bàn tay thêm sức mạnh ngàn cân” (Dương Đình Hy) và  tôn chỉ của nhóm là “Vẽ tranh thật nhiều và bán tranh để làm từ thiện”. 

Thầy Hy đặt tên cho nhóm An Bình cũng từ ý nghĩa này. An bình cho chính tâm hồn của mỗi người khi thăng hoa trong từng nét vẽ và an bình cho những số phận bất hạnh, kém may mắn.

Nhiều cuộc triển lãm từ thiện của cả nhóm và một số thành viên trong nhóm đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Số lượng tranh của họ bán và triển lãm thường xuyên mỗi năm, tỷ lệ thuận theo những chương trình thiện nguyện. Lê Thủy – một họa sỹ trẻ trong nhóm cho biết ước mơ và kế hoạch trong tương lai của nhóm: “Cả nhóm mong muốn sau này xây dựng được một trại trẻ mồ côi và giúp đỡ các trẻ em đường phố, không nơi nương tựa được học hành, có tương lai tươi sáng. Vì vậy, cả nhóm phải nỗ lực thật nhiều, và tất cả các triển lãm của nhóm đều dành cho từ thiện”.

Nghệ sỹ Dương Đình Hy khoe tôi những khoảnh khắc ý nghĩa của ông cùng học trò. Trong đó, có một tấm hình ông cắt băng khai mạc một triển lãm tranh quốc tế tại Gallery nhóm họa sỹ An Bình. Ông cười, khoe: Này, bên cạnh thơ phú, vẽ vời, hàng ngày tôi vẫn phải trau dồi tiếng Anh và vi tính đấy nhá. Nếu không làm sao bắt kịp bọn trẻ.

Nhưng tôi và nhiều người biết, là ông khiêm tốn thế thôi, nghệ sỹ “già gân” ấy, vẫn được lớp trẻ ngưỡng mộ, không chỉ vì tài năng mà bằng cả tấm lòng.

Võ Thu Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới