Nghi Hưng: Đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế

(Baonghean.vn) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 của BCH Đảng bộ huyện Nghi Lộc về “đổi mới tư duy, khắc phục tư tưởng bảo thủ trì trệ trong phát triển kinh tế”, kinh tế Nghi Hưng đã có nhiều đổi thay. 

Sau khi Nghị quyết 13 về “đổi mới tư duy, khắc phục tư tưởng bảo thủ trì trệ trong phát triển kinh tế” được Huyện ủy Nghi Lộc ban hành, Ban thường vụ đảng ủy Nghi Hưng đã tổ chức quán triệt nghị quyết này trong Đảng bộ và mở rộng tới các đoàn thể quần chúng. 

Khi được giao nhiệm vụ, các tổ chức đoàn thể đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc về tư tưởng của đoàn viên, hội viên khi thực hiện phát triển kinh tế.

Trang trại của chị Nguyễn Thị Hành ở xóm 10 Nghi Hưng nuôi 10.000 con vịt đẻ và vịt thịt, cho thu nhập trên 200 triệu đồng một năm.
Trang trại của chị Nguyễn Thị Hành ở xóm 10 Nghi Hưng nuôi 10.000 con vịt đẻ và vịt thịt, cho thu nhập trên 200 triệu đồng một năm.

Ở Nghi Hưng trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, một bộ phận không nhỏ bà con nông dân vẫn có thói quen sản xuất với các giống lúa cũ quen thuộc. Khi xã có chủ trương đưa giống mới vào sản xuất, rất nhiều người tỏ ra e ngại.

Nắm bắt được điều đó, cấp ủy giao cho các đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến bình, đoàn thanh niên tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình hiểu được tính ưu việt của giống lúa mới. Đồng thời chỉ đạo UBND xã xây dựng mô hình trình diễn để người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ thực tế trên đồng ruộng. Cùng với ban hành cơ chế hỗ trợ kèm theo, đến nay, các giống lúa năng suất chất lượng cao đã chiếm phần nhiều trên đồng ruộng, đưa năng suất lúa đại trà của xã đạt 67 tạ/ha. 

Sản xuất cây trồng phát triển, mỗi năm Nghi Hưng dư thừa gần 3.000 tấn lương thực. Số dư thừa này đã tạo điều kiện để xã lập trang trại phát triển chăn nuôi. Hiện nay, toàn xã Nghi Hưng có 26 trang trại chăn nuôi tổng hợp, trong đó có 6 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT. Đến năm 2015, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 54% thu nhập nội ngành nông nghiệp của xã. 

Hệ thống đường nhựa, đường bê tông đã phủ kín trên địa bàn xã.
Hệ thống đường nhựa, đường bê tông đã phủ kín trên địa bàn xã.

Không chỉ sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, Nghi Hưng còn có bước chuyển mới trong kinh tế tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Hai làng nghề kết chổi đót Xuân Sơn và Khe Cù được địa phương nâng lên cả về quy mô, tổ chức lao động. Hàng năm, nhân dân hai làng đã thu mua hàng trăm tấn nguyên liệu, sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm, đưa lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Nhờ từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên 10 năm qua, nhiều chỉ tiêu kinh tế của Nghi Hưng vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 22,6 triệu đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2005. Đến nay, xã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM.

Đồng chí Nguyễn Đình Hoàng - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Hưng cho biết: "Khi quán triệt nghị quyết, cấp ủy đã làm rõ: sự bảo thủ trì trệ là nguyên nhân chính làm cho kinh tế của địa phương chậm phát triển. Ngoài kế hoạch chung của cấp ủy thực hiện Nghị quyết 13 của Huyện ủy Nghi Lộc thì Ban thường vụ đảng ủy yêu cầu mỗi tổ chức đoàn thể phải xây dựng kế hoạch riêng cho mình; trong đó đi sâu, làm rõ những tồn tại yếu kém, nguyên nhân và giải pháp để phát triển kinh tế của tổ chức. Những kinh nghiệm trong quá trình đổi mới đó sẽ được Nghi Hưng phát huy để phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt xã chuẩn NTM vào năm 2017". 

                                                                                      Nhật Tuấn

                                                                                      Đài TTTH Nghi Lộc

TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới