Người Trường Sa ở Phúc Thọ

(Baonghean) - Xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) tiếp giáp biển. Những đêm yên tĩnh, có thể nghe tiếng sóng từ ngoài khơi. Chẳng biết tự bao giờ, tiếng sóng ăn vào tâm trí những chàng trai, để rồi thế hệ này đến thế hệ khác những “trai đinh” nối tiếp nhau hướng ra Biển Đông. Và có một Trường Sa ở luôn ngự trị trên mảnh đất này.

Trở về từ Trường Sa

Trung tá Nguyễn Văn Biên, năm nay 58 tuổi, ở xóm 2 xã Phúc Thọ. Ông là một trong những người lính của đất Phúc Thọ trở về từ Trường Sa. Những năm tháng ấy đã đi qua gần 40 năm nhưng trong ký ức của người lính già vẫn vẹn nguyên  từng kỷ niệm, từng mốc thời gian.

Trung tá Nguyễn Văn Biên
Trung tá Nguyễn Văn Biên giới thiệu những bức ảnh kỷ niệm về Trường Sa

Ước ao trở thành một người lính biển nhen nhóm trong Trung tá Nguyễn Văn Biên từ khi ông còn là một cậu học sinh cấp 2. Tuy nhiên phải đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT ông mới gia nhập quân đội. Đó là ngày 17/2/1975. Năm 1983 sau khi hoàn thành khóa đào tạo sỹ quan tại Trường Quân Chính thuộc Quân khu V (Đà Nẵng) ông được cử ra công tác tại quần đảo Trường Sa, đây cũng là khoảng thời gian tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng.

Nhiều năm công tác tại Trường Sa ở những vị trí khác nhau như: Đại đội trưởng ở đảo Trường Sa lớn, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài, Đảo trưởng đảo Đá Tây, An Bang..., cũng như các đồng chí, đồng đội ông đã tôi luyện cho mình lòng quyết tâm sắt đá và sự can trường qua mỗi tháng ngày giữ một phần máu thịt của quê hương.

Cuộc sống người lính khi ấy có rất nhiều khó khăn, lương thực thực phẩm, phương tiện liên lạc luôn thiếu thốn. Đối với các đảo chìm khó khăn “không thể hình dung nổi”. Thời đó, nói là đảo nhưng thực ra chỉ là cái chòi khung thép. Cuộc sống của cán bộ chiến sỹ theo con nước thủy triều lên xuống. Thủy triều dâng thì leo lên, hạ thì tụt xuống. Ngoài canh giữ bảo vệ đảo, công việc hằng ngày của bộ đội là lặn biển gom san hô vun đắp đảo và giữ chòi. 

Ngày 14/3/1988 xảy ra sự kiện Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam và sát hại 64 chiến sỹ. Thời điểm đó trung tá Nguyễn Văn Biên đang là Đảo trưởng đảo Đá Tây, dù không thể trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng ông và đồng đội luôn trong trạng thái trực chiến 24/24, tất cả cán bộ chiến sỹ mỗi ngày làm việc bằng hai và xác định nếu địch vào, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng thế hệ tham gia cống hiến trên quần đảo Trường Sa như Trung tá Nguyễn Văn Biên, ở xã Phúc Thọ còn có nhiều người khác như: Trung tá Trương Bá Sơn, Đại tá Nguyễn Bá Lan, Đại tá Phan Thế Sự… Trở về với cuộc sống đời thường họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau, cùng dạy bảo, giáo dục con cái nối tiếp thế hệ cha ông. Trung tá Nguyễn Văn Biên nói chắc như đinh đóng cột: “Nếu được sinh ra lần thứ 2 chúng tôi sẽ tiếp tục ra biển, sẽ đến Trường Sa, Hoàng Sa”

Tiếp nối thế hệ cha ông

Không phải ngẫu nhiên mà Phúc Thọ được mệnh danh là “tiền tiêu Tổ quốc”, từ thời Nguyễn mảnh đất nhỏ này đã được gọi như vậy. Vùng đất này mặt hướng ra Biển Đông và có thể quan sát vùng cửa sông Lam từ bên bờ Bắc sang tận phía Nam nơi thuộc địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Qua hơn 900 năm hình thành cho đến ngày nay, Phúc Thọ luôn được chọn làm nơi đồn trú của lực lượng thủy quân. Phải chăng vị trí địa lý và lịch sử quê hương đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây và hướng ra biển, đến Trường Sa như một tiếng gọi thiêng liêng đối với mỗi người.

Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với anh Cao Xuân Chiến tại quần đảo Trường Sa
Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với anh Cao Xuân Chiến tại quần đảo Trường Sa

Anh Cao Xuân Chiến, 36 tuổi, ở xóm 3, là một trong những người con của vùng đất này đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Tìm tới nhà anh trong chiều nắng nhạt đầu đông, tôi đã được gặp và trò chuyện với bà Trần Thị Phương, mẹ của anh Chiến. Bà kể: Từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường cậu con trai đã ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một người lính đảo.

Năm 1999 anh Chiến tình nguyện nhập ngũ. Đến năm 2000, anh được điều ra đảo Trường Sa lớn. Những ngày đầu mới ra đảo, xa đất liền, thiếu thốn đủ bề, nhưng cái mà anh cảm nhận rõ rệt nhất đó chính là sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Năm 2005, trong một lần có chương trình văn nghệ tại đảo, anh Chiến tình cờ quen chị Nguyễn Thị Thành, quê ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) là giáo viên Trường Mầm non Trường Sa (Cam Ranh - Khánh Hòa).

Sau 5 tháng quen nhau, cùng nhiều lần thư từ qua lại, 1 năm sau họ chính thức nên duyên, đám cưới của họ được tổ chức tại quê nhà trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ của mọi người. 

Năm 2007, chị Thành sinh được một người con trai đặt tên là Cao Xuân Tiến, niềm vui còn chưa kịp trọn vẹn thì 3 năm sau, tức là năm 2010 phát hiện chị Thành bị ung thư và đã vào giai đoạn cuối. “Thằng Chiến nó buồn nhiều lắm, nhưng nó bảo tư tưởng phải luôn được giữ vững để bình tĩnh giải quyết vấn đề, dù một tia vọng cũng phải chữa cho vợ, bằng mọi cách, được ngày nào hay ngày đó”- bà Phương tâm sự.

Vợ bệnh, anh Chiến từ Trường Sa cắt phép về đất liền đưa chị đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đến Bệnh viện Trung ương Huế, Bạch Mai (Hà Nội), Đa khoa Nghệ An... Anh Chiến cũng đã phải bán đất đai, vay mượn để thuốc men cho vợ nhưng tất cả đều không làm cho chị Thành khỏe lại.  Trước khi lâm chung, chị Thành có nguyện vọng được chôn cất tại quê chồng và căn dặn anh Chiến phải chăm sóc và dạy dỗ cháu Tiến nên người, anh đã hứa với chị trong nghẹn ngào nước mắt.

6 năm trôi qua, từ ngày chị Thành mất, người lính Trường Sa ấy vẫn chưa có ý định tìm cho mình và cháu Tiến một gia đình mới. Bà Phương chấm nước mắt: “Tôi giục lấy vợ suốt, nhưng nó sợ con sẽ thiệt thòi.  Đến tận bây giờ tay nó vẫn đeo nhẫn cưới”.

Cháu Cao Xuân Tiến - con trai của anh Cao Xuân Tiến
Dù mẹ đã mất, bố công tác tận Trường Sa nhưng cháu Cao Xuân Tiến - con trai của anh Cao Xuân Chiến vẫn chăm ngoan, học giỏi 

Bận làm nhiệm vụ trên vùng biển đảo, nhưng người lính ấy vẫn không quên trách nhiệm của một người bố, mỗi tối đều dành 30 phút để gọi điện hỏi thăm, dặn dò con trai. Anh còn thường xuyên liên lạc với cô giáo chủ nhiệm của cháu để chăm sóc tốt hơn. Không phụ lòng của bố, năm nào Tiến cũng được học sinh giỏi, mặc dù mới học lớp 3 nhưng em rất chăm chỉ, siêng năng, thường xuyên giúp đỡ ông bà.

Không chỉ có anh Cao Xuân Chiến, ở xã Phúc Thọ còn có rất nhiều người đang cống hiến tuổi xuân, sức trẻ nơi đầu sóng ngọn gió. Có thể kể như: anh Nguyễn Đình Hùng, Trần Nguyên Hồng, Trần Nguyên Hàn… Họ đại diện cho thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống của quê hương.

Ông Nguyễn Công Trị, Chủ tịch UBMTTQ xã Phúc Thọ cho biết : “Hiện xã có 19 người là quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại quần đảo Trường Sa, gần 10 người là sỹ quan, chiến sỹ đã nghỉ hưu. Ngoài ra còn rất nhiều người đã và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Rời làng khi trời cũng đã nhá nhem tối, đâu đó vọng lại tiếng sóng biển vỗ từng đợt, tôi chợt nhớ tới Trường Sa, nhớ tới những câu chuyện của những người lính biển. Họ có thể khác nhau về thế hệ, nhưng tình yêu dành cho biển đảo thì giống nhau lắm. Ấy là một thứ tình cảm thiêng liêng và đầy tự hào.

Vương Vân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới