Nhiều quốc gia phóng tay mua vũ khí hiện đại vì tranh chấp trên biển

Indonesia đang mua tàu ngầm của Hàn Quốc, hệ thống radar bờ biển của Trung Quốc và Mỹ; Việt Nam sắp nhận tàu ngầm và chiến đấu cơ từ Nga; còn Singapore – nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới – làm giàu thêm kho vũ khí hiện đại.

 

Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei bổ sung sức mạnh trên biển một phần vì trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng phát triển lực lượng hải quân. Kể cả các nước không dính vào tranh chấp như Indonesia, Thái Lan và Singapore, an ninh hàng hải cũng là vấn đề sống còn để phát triển kinh tế.

 

Chi phí quốc phòng ở Đông Nam Á đã tăng 42% trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2011, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI),   Indonesia , Việt Nam , Campuchia và Thái Lan là 4 nước dẫn đầu tăng ngân sách quốc phòng, tăng khoảng 66-82% từ năm 2002-2011. 


Nhiều quốc gia phóng tay mua vũ khí hiện đại vì tranh chấp trên biển ảnh 1

Lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á chuyển trọng tâm mua sắm vũ khí
sang tàu ngầm, tàu chiến.
   Trong ảnh: Tàu ngầm Trung Quốc tại Thanh Đảo (Sơn Đông). Ảnh: Reuters


Tuy nhiên, Singapore mới là nước mua sắm vũ khí phóng tay nhất để bảo vệ vị thế cảng hàng hóa đông đúc thứ hai thế giới, trung tâm tài chính toàn cầu, trung tâm dầu, gas và các sản phẩm hóa dầu cũng như đảm bảo an toàn cho eo biển Malacca chiến lược. Năm 2011, Singapore chi 9,66 tỉ USD cho quốc phòng, vượt xa Thái Lan (5,52 tỉ USD), Indonesia (5,42 tỉ USD), Malaysia (4,54 tỉ USD) và Việt Nam (2,66 tỉ USD), theo số liệu của IISS.

 

Xếp đầu danh sách mua sắm là tàu chiến, tàu tuần tra, radar và chiến đấu cơ. Gần đây, tàu ngầm và tên lửa đối hạm được chú trọng nhiều hơn do khả năng bảo vệ các tuyến đường biển hữu hiệu – khác hẳn với nhiều thập kỷ trước đây, Đông Nam Á hầu như chỉ chi tiền mua súng ống và xe tăng loại nhỏ để đối phó với những bất ổn nội bộ.

 

Hiện thời Malaysia đã có 2 tàu ngầm Scorpene, còn Việt Nam sắp tiếp nhận 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất. Thái Lan thì nhắm đến tàu ngầm và chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển để phối hợp với loại tên lửa đối hạm RBS-15F, IISS cho biết.

 

  Nhiều quốc gia phóng tay mua vũ khí hiện đại vì tranh chấp trên biển ảnh 2

 

Indonesia vừa đặt hàng mua 3 tàu ngầm của Hàn Quốc. Trong ảnh: Tàu khu trục Hàn Quốc bắn ngư lôi chống tàu ngầm trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters  


 
"Nhà giàu" Singapore đang đầu tư cho phi đội chiến đấu cơ F-15SG mua của Boeing và bổ sung 2 tàu ngầm lớp Archer của Thụy Điển vào đội tàu ngầm Challenger 4 chiếc hiện có.

 

Với 54.700 km đường bờ biển, “quốc gia vạn đảo” Indonesia đã có 2 tàu ngầm và vừa đặt hàng thêm 3 chiếc của Hàn Quốc. Nước này cũng đang hợp tác với các công ty Trung Quốc để chế tạo tên lửa đối hạm C-705 và C-802.

 

Tuy tăng đáng kể chi phí, nhưng theo các chuyên gia, ở Đông Nam Á không xảy ra hiện tượng chạy đua vũ trang. Cảnh giác trước Trung Quốc cộng với tình hình kinh tế ổn định là hai nguyên nhân chủ yếu khiến các nước Đông Nam Á không ngại đổ tiền mua vũ khí để bảo vệ các lợi ích kinh tế như tuyến hàng hải, bến cảng và biên giới trên biển. Ngoài ra còn có các lý do chống cướp biển, nạn đánh bắt cá trái phép, buôn lậu, khủng bố và cứu trợ thảm họa…

Theo Nguoi lao dong-M

Tin mới