Nơi người dân kiêng mừng tuổi vào mùng Một Tết

(Baonghean.vn) - Nếu như người Mông quan niệm rằng mừng tuổi là việc của con cái dành cho bố mẹ và quà mừng tuổi cũng chỉ đơn giản bằng con gà, đĩa xôi thì người Khơ mú lại kiêng mừng tuổi vào ngày mùng 1 Tết.

Dân tộc Mông có thể nói là dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa bản sắc độc đáo, nhất là những tục lệ trong những ngày Tết đến Xuân về.

Chiều 30 Tết, mọi người cắt những tấm giấy do mình tự làm dán vào khắp nơi ở nhà cửa, bàn ghế, cột cái để cầu may mắn cho năm mới an lành. Khoảng 4 giờ chiều, tất cả mọi người trong dòng họ tập trung tại sân vận động của bản để làm lễ cúng bản.

Trưởng họ tay cầm con gà, dẫn đầu đoàn người đi xung quanh 1 đống cỏ tranh lớn ở giữa cắm một cây tủng xồng (loại cây gỗ mềm) để cúng tống tiễn năm cũ, mời các vị thần năm mới về ăn Tết. Xong ai về nhà nấy chuẩn bị bàn thờ và giết gà gọi vía đón năm mới.

Người Mông chuẩn bị bàn thờ đón Tết. Ảnh: Đào Thọ
Người Mông chuẩn bị bàn thờ đón Tết. Ảnh: Đào Thọ

Theo ông Lầu Xái Phia trú ở bản Nậm Khiên 2 (xã Nậm Càn - Kỳ Sơn) thì ngày trước, người Mông hầu hết đều có khẩu súng kíp trong nhà nên tất cả đều đưa ra bắn lên trời báo hiệu khoảnh khắc thiêng liêng trong năm đã tới. Khi súng đã được bắn lên cũng chính là lúc con cái tập trung mừng tuổi bố mẹ.

Nam nữ người Mông vui ném pao ngày Tết. Ảnh: Đào Thọ
Nam nữ người Mông vui ném pao ngày Tết. Ảnh tư liệu

Việc mừng tuổi của người Mông không quan trọng tiền bạc, chỉ cần người con mang một chai rượu hay con gà, đĩa xôi đến dâng cho cha mẹ cầu chúc bậc sinh thành sức khỏe dồi dào, ban phước cho con cháu là được.

“Ngày trước còn có súng nên việc mừng tuổi năm nào cũng diễn ra đúng vào lúc súng nổ. Bây giờ không có tiếng súng báo hiệu thì tục lệ này không diễn ra đúng thời điểm nữa. Con cái có khi đi chơi đến mùng 3, mùng 4 mới về mừng bố mẹ” - ông Xái Phia nói.

Múa khèn tỏ tình ngày Xuân. Ảnh: Đào Thọ
Múa khèn tỏ tình ngày Xuân. Ảnh: Đào Thọ

Sáng mùng 1 Tết, mọi người trong bản đi thăm và mang đến nhà nhau những câu chúc tốt đẹp nhất. Người già ngồi quanh bếp lửa ăn bánh nếp, uống chén rượu ngô hàn huyên tâm sự những chuyện năm cũ và khuyên bảo nhau cách làm ăn trong năm mới; nam nữ thì diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất rủ nhau ra sân thổi khèn, ném pao tìm vợ tìm chồng.

Những tiếng khèn lá, khèn môi, cất lên vang vọng khắp núi rừng. Cứ thế ngày Tết kéo dài hết ngày này sang ngày khác.

Với cộng đồng dân tộc Khơ mú, ngày Tết riêng (tức là Gơ rơ) được tổ chức vào cuối tháng 11 (âm lịch) nhưng trong cái Tết cổ truyền chung của dân tộc, người Khơ mú vẫn giữ được những nét riêng trong bản sắc của cộng đồng mình.

Vui rượu cần đón Tết của người Khơ mú. Ảnh: Đào Thọ
Vui rượu cần đón Tết của người Khơ mú. Ảnh: Đào Thọ

Ông Moong Phò Hoan ở bản Cha Ca (xã Bảo Thắng - Kỳ Sơn) cho hay, tối 30 Tết, người Khơ mú chuẩn bị một vò rượu cần để đón giao thừa. Ngày trước, người Khơ mú cũng không có đồng hồ nên mọi người cùng thay phiên nhau thức để nghe tiếng gà gáy dậy đón năm mới.

Khi gà đã gáy báo hệu năm mới đến, các thành viên trong gia đình tập trung lại quanh vò rượu cần cùng nhau uống, chúc nhau sức khỏe, mùa màng nương rẫy tốt tươi. Và điều đặc biệt hơn, trong thời khắc bước sang ngày mùng 1 cho đến hết ngày, người Khơ mú không được bước ra khỏi căn nhà của mình.

Căn bếp thiêng ngày Tết. Ảnh: Đào Thọ
Căn bếp thiêng ngày Tết. Ảnh: Đào Thọ

“Chính vì vậy, trong ngày mùng 1, chúng tôi không mừng tuổi cho ai cả và cũng không được đi chơi nhà khác. Bởi nếu mừng tuổi vào ngày đó thì cả năm sẽ mất lộc và đi nhà khác cũng sợ sẽ mang điều không may mắn cho người ta” - ông Phò Hoan cho biết thêm.

Cũng theo ông Hoan, sau ngày mùng 1, ngời Khơ mú mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ. Ai có tiền mừng tiền, ai có quà mừng quà không quan trọng nhiều hay ít, cốt ở tấm lòng.

Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Khơ mú. Ảnh: Đào Thọ
Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Khơ mú. Ảnh: Đào Thọ

Như vậy có thể thấy rằng, các cộng đồng dân tộc ở miền Tây Nghệ An đều có những nét riêng trong ngày Tết. Đây cũng chính là điều tạo nên sự phong phú trong bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao.  

Tin mới