Trung Quốc: Sinh con thứ 2 không dễ?

(Baonghean) - Thứ 5 ngày 29/10, Trung Quốc tuyên bố xoá bỏ chính sách mỗi gia đình sinh một con duy nhất. Sau gần 40 năm được ban hành và áp dụng, chính sách này được cho là không còn phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển kinh tế của đất nước tỷ dân. 

Năm 1978, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình ban hành một loạt các chính sách cải cách mở cửa, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Trong đó, chính sách sinh 1 con ban hành năm 1979 nhằm mục đích kiểm soát tỷ lệ sinh và gia tăng dân số vô cùng cao trong những thập niên 70. Trên thực tế, từ năm 1971, Trung Quốc đã áp dụng một chính sách kiểm soát tỷ lệ sinh với hạn định sinh tối đa là 3 trẻ cho mỗi gia đình ở nông thôn và 2 trẻ cho mỗi gia đình thành phố. Tuy nhiên, với chính sách sinh 1 con, vẫn có ngoại lệ dành cho những gia đình mà cả người vợ và người chồng đều là con một, những cặp đôi này có quyền sinh thêm đứa con thứ 2. 
Một tấm áp phích cổ động chính sách 1 con ở Trung Quốc. ảnh: Internet
Một tấm áp phích cổ động chính sách 1 con ở Trung Quốc. ảnh: Internet
Tuy nhiên, theo đánh giá và sự theo dõi của các chuyên gia về dân số, chính sách 1 con dần dần chỉ còn có ý nghĩa kiểm soát trong một bộ phận dân số. Cho đến những năm 2000, chỉ ở những thành phố lớn, người ta mới nhận thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của chính sách này lên cộng đồng dân cư.
Năm 2012, ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu của đất nước tỷ dân và bắt đầu một công cuộc cải cách toàn diện về kinh tế - xã hội - chính trị. Năm 2013, ông “nới lỏng” chính sách 1 con bằng việc cho phép các cặp đôi mà 1 trong 2 người là con một của gia đình có thể sinh thêm con thứ 2. Ngoại lệ này cũng được áp dụng cho các gia đình làm nông nghiệp mà con đầu là con gái hoặc cho bộ phận dân cư thuộc các dân tộc thiểu số.
Đến ngày 29/10 vừa qua, chính sách 1 con ở Trung Quốc chính thức được xoá bỏ, tất cả các cặp vợ chồng ở nước này đều được phép sinh con thứ 2. 
Tại sao Trung Quốc lại quyết định thay đổi chính sách dân số như vậy? Trên thực tế, dù là ban hành và áp dụng hay dỡ bỏ chính sách 1 con, lý do đều liên quan đến phát triển kinh tế vĩ mô. Nếu như dân số Trung Quốc bùng nổ cực nhanh vào những thập niên 70, kéo chất lượng cuộc sống đi xuống thì ngược lại, hiện nay dân số quốc gia này đã có dấu hiệu lão hoá.
Chuyên gia dân số học Isabelle Attane, đồng thời cũng là một học giả nghiên cứu về Trung Quốc, phân tích:
“Cấu trúc dân số của Trung Quốc có sự thay đổi hết sức rõ rêt. Trong giai đoạn 1980 - 2000, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi cao một cách đột biến, chiếm tới 70% dân số cả nước. Nhưng từ năm 2008 đến nay, bộ phận này giảm đi đáng kể và vẫn đang trên đà giảm. Số lượng người già sẽ tăng mạnh, trong khi tỷ lệ sinh thì thấp hơn nhiều như là một hệ quả của chính sách 1 con”. 
Cũng theo nhận định của chuyên gia người Pháp này, vốn dĩ ngay từ lúc được ban hành, chính sách 1 con đã được mặc định là sẽ chỉ được áp dụng trong khoảng 30 năm - đồng nghĩa với việc đây là một đường lối phát triển mang tính chất tạm thời, nhằm thích nghi với tình hình và xu hướng phát triển kinh tế đương đại. Còn bây giờ, với một cấu trúc dân số bất lợi như thế này, không có lý gì mà Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát dân số chặt chẽ như vậy nữa. 
Độ “vênh” của chính sách 1 con với tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc hiện nay vốn đã trở thành chủ đề tranh luận thu hút sự quan tâm của công luận Trung Quốc và quốc tế những năm trở lại đây.
Về mặt kinh tế, các chuyên gia cho rằng chính sách 1 con với hệ quả là hiện tượng già hoá dân số sẽ đặt ra một gánh nặng khổng lồ cho thế hệ người Trung Quốc tiếp theo, đồng thời sẽ gây bất lợi cho ngành công nghiệp xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc do giá thành lao động tăng lên.
Về mặt xã hội, chênh lệch giới tính khi sinh của Trung Quốc sẽ dẫn đến mất cân bằng trong cấu trúc xã hội khoảng vài thập niên tới, kéo theo những hệ luỵ như nạn buôn bán người từ các nước lân cận sang Trung Quốc, làm đảo lộn hệ giá trị của gia đình Trung Quốc truyền thống.
Tình trạng nạo phá thai cũng là một trong những điểm nóng của xã hội Trung Quốc bởi chính sách 1 con làm tăng đáng kể áp lực sinh con trai trong các gia đình Trung Quốc duy trì tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Đối với các nhà dân số và xã hội học, việc kiểm soát tỷ lệ sinh một cách quá ngặt nghèo đồng nghĩa với sự can thiệp quá sâu đến hạt nhân gia đình của xã hội - một trong những giá trị cực kỳ quan trọng trong hệ giá trị truyền thống Trung Quốc.
Chuyên gia Liang Zhongtang của Viện nghiên cứu khoa học xã hội Thượng Hải bày tỏ quan điểm cá nhân về chính sách dân số của nước này:
“Vấn đề không phải là số lượng 1 hay 2 con, mà vấn đề là cần phải tách biệt chính trị ra khỏi khái niệm gia đình. Sinh bao nhiêu con phải là lựa chọn của bản thân người làm cha mẹ chứ không phải là áp lực từ bên ngoài”. 
Tuy nhiên, có một nghịch cảnh là ngay cả với việc xoá bỏ chính sách 1 con đã ăn sâu vào tiềm thức người Trung Quốc gần 40 năm nay, có khả năng tỷ lệ sinh của nước này cũng sẽ không tăng lên đáng kể một cách tức thì. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Trường Đại học Fudan ở Thượng Hải vào tháng 3 vừa qua, chỉ có 15% phụ nữ tại thành phố đông dân nhất Trung Quốc này muốn sinh 2 con, 58% phụ nữ viện dẫn gánh nặng tài chính như là lý do giải thích cho việc không sinh con hoặc chỉ sinh 1 con.
Trên thực tế, hệ thống hạ tầng và dịch vụ an sinh xã hội ở Trung Quốc hiện nay (bệnh viện, trường học,…) không đáp ứng được nhu cầu sinh nhiều con của người dân và giá thành thì lại cực kỳ cao, khiến cho các gia đình trẻ ở Trung Quốc phải tính toán không ít trước khi quyết định sinh con.
Như vậy, kể cả khi chính sách 1 con được xoá bỏ thì rào cản về mặt tư tưởng vẫn còn quá lớn để Trung Quốc có thể “thay máu” cơ cấu dân số của mình nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Thêm vào đó, trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc là phải nâng cấp hệ thống hạ tầng, dịch vụ và tạo cơ chế hỗ trợ, chứ không chỉ dừng lại ở việc cho phép hay là không đối với vấn đề sinh con thứ 2. 
Thục Anh 
(Theo Le monde)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới