Cuộc chiến ôtô - xe đạp ở các siêu đô thị Trung Quốc

Vấn đề ô nhiễm môi trường khiến chính quyền Trung Quốc tìm cách quay lại thời đại đạp xe.

cuoc-chien-oto-xe-dap-o-cac-sieu-do-thi-trung-quoc

Người đi xe đạp len lỏi giữa các ôtô trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Sáng sớm mỗi ngày khi sương mù còn chưa tan, Tôn Kiện lại đạp xe đi làm, luồn lách qua các con đường khu vực trung tâm thủ đô Bắc Kinh chèn chặt ôtô và xe buýt. "Ô tô tại Bắc Kinh quá nhiều, giống như nước trong chậu đổ vào bát vậy", Tôn nói. Tôn Kiện, 39 tuổi, là người gốc Bắc Kinh và là người sáng lập của câu lạc bộ xe đạp nổi tiếng thành phố.

Nếu may mắn, Tôn chỉ phải chịu đựng sự ùn tắc và ô nhiễm trên đường đạp xe đi làm. Nếu vào ngày không may, anh còn bị va đụng khi người lái ôtô bất ngờ mở cửa xe, hoặc tranh cãi với chủ xe đỗ bừa vào vị trí dành cho xe đạp. Quãng đường 30 phút đi làm của Tôn Kiện rất có tính đại diện, tượng trưng cho cuộc chiến giữa ôtô và xe đạp tại các siêu đô thị ở Trung Quốc, tờ New York Times bình luận.

Cùng với tiến trình đô thị hóa của Trung Quốc và cuộc sống của người dân trở nên giàu có hơn, rất nhiều người dân thành thị nước này dời đến sống tại khu vực ngoại ô để tránh tác động từ các công trường xây dựng. Điều này khiến lượng sử dụng ôtô đô thị tăng nhánh chóng, kết hợp với chính sách quản lý nới lỏng của chính phủ, đã dần loại bỏ thói quen sử dụng xe đạp đi làm của người dân Trung Quốc hàng chục năm qua.

Tại các siêu đô thị như Bắc Kinh, cuộc chiến này lại càng rõ nét hơn. Xe buýt, ôtô và xe đạp điện đều đang tranh giành không gian của xe đạp. Theo số liệu của chính quyền thành phố, hiện nay chỉ còn 12% người dân sử dụng xe đạp để đi làm, trong khi tỷ lệ này là 38% vào năm 2000.

Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông nghiêm trọng, chính quyền Bắc Kinh lo ngại trước việc ngày càng nhiều người dân từ bỏ thói quen sử dụng xe đạp và tìm cách thay đổi xu thế trên. Các quan chức quản lý giao thông thành phố hy vọng, đến năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp đi làm có thể được nâng lên mức 18%.

Đây là một phần trong kế hoạch "Giao thông xanh" mà chính quyền Bắc Kinh cam kết thúc đẩy, với mục tiêu cải thiện chất lượng không khí và tình trạng ùn tắc giao thông. Trong đó, vấn đề ô nhiễm không khí trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong một vài năm trở lại đây, khiến số lượng người mắc các bệnh phổi tăng nhanh đột biến.

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập vào năm 1949, xe đạp đã trở thành một nét văn hóa của quốc gia này. Xe đạp, máy khâu và đồng hồ trong quá khứ từng là ba món đồ tất yếu mà mỗi gia đình Trung Quốc cần phải có.

Chỉ hơn 20 năm về trước, đường phố Bắc Kinh vẫn tràn ngập tiếng chuông xe đạp. Các cửa hiệu sửa xe thường xuyên bận rộn không hết việc. Trên thực tế, số lượng xe đạp khi đó nhiều đến mức vào năm 1994, giới chức quản lý giao thông Bắc Kinh xin ý kiến của Liên Hợp Quốc về biện pháp quản lý xe đạp trong bối cảnh số lượng xe ôtô tư tăng nhanh chóng.

Ông Dan Burden, cố vấn của Liên Hợp Quốc khi đó, cho biết khi được chính phủ Trung Quốc tham vấn, ông đã đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược. "Xe đạp mới là người bị hại trước việc số lượng ôtô tăng nhanh không theo quy hoạch, không nên vì vậy mà loại bỏ xe đạp", ông cho biết. "Bởi, không gian của xe đạp ít hơn ôtô nhiều".

Tuy nhiên, kiến nghị của Burden đã bị bỏ qua. "Chúng tôi cho rằng xe đạp mới là giải pháp cho vấn đề, nhưng phương án đó không được họ chấp nhận hoàn toàn", cựu chuyên gia này chia sẻ.

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Số lượng ôtô mới được bán tại thị trường này trong năm 2014 tăng trưởng ở mức 9%, lên đến 11,8 triệu xe.

Tuy nhiên, việc khuyên người dân Bắc Kinh hạn chế sử dụng ôtô không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Để cổ vũ nhiều người sử dụng xe đạp đi làm hơn nữa, giới chức quy hoạch đô thị Bắc Kinh đề nghị cấm đỗ ôtô tại các đoạn đường phụ không rộng đủ 6 mét, đồng thời thiết lập nhiều hơn nữa tuyến đường riêng cho xep đạp cũng như hệ thống hàng rào phân định các tuyến đường chuyên dụng này.

Dù vậy, rất nhiều người sử dụng xe đạp cho rằng, những biện pháp trên khó có thể khiến đường phố Bắc Kinh trở nên phù hợp hơn với xe đạp trong thời gian ngắn.

"Điều tôi không chịu được là ở đây không có làn đường riêng dành cho xe đạp, đường thì thường bị ôtô đi chiếm mất", anh Phương Vĩnh Bân cho biết. Phương mới chuyển đến Bắc Kinh hè năm 2014. Tháng đầu tiên, Phương từng thử sử dụng xe đạp đi làm, nhưng nhanh chóng buộc phải từ bỏ ý định này. Anh cũng cho biết, những biện pháp mà chính quyền định áp dụng không có sức thuyết phục.

Trong một báo cáo Đại học Bắc Kinh công bố gần đây, ô nhiễm không khí, an toàn giao thông và thiếu không gian là nguyên nhân chính khiến người dân thành thị không muốn sử dụng xe đạp.

Giáo sư Lý Vĩ thuộc Viện nghiên cứu thiết kế quy hoạch thành phố Bắc Kinh cho biết, thiếu chỗ đỗ xe vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Ông đang tham gia khởi thảo quy định cải thiện cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và sử dụng xe đạp tại Bắc Kinh. Hiện nay, chỗ đỗ xe ôtô của toàn thành phố chỉ đủ cho 2,5 triệu xe. "Rất nhiều xe không đỗ đúng chỗ quy định, mà đỗ ngay ở lề đường", chuyên gia Lý nói. "Chính sách giao thông của Bắc Kinh trước nay luôn có lợi cho ôtô".

Ông cũng cho biết, hiện tượng người sử dụng ôtô không chấp hành nghiêm chỉnh quy định giao thông cũng là một trong những thách thức mà xe đạp đang đối diện.

"Ôtô riêng tại Bắc Kinh tự do và tùy tiện nhất", Giáo sư Lý Vĩ nói. "Bất kể lúc nào tắc đường, ôtô đều lấn chiếm vào làn đường cho xe thô sơ. Trên thế giới không có nước nào ôtô muốn đi đâu thì đi".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới