Hội nghị Mỹ - ASEAN: xoay quanh vấn đề Trung Quốc

(Baonghean.vn) - Ngày 15/2, tại California, Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đón các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ cuộc hội nghị đầu tiên với ASEAN.

Hội nghị chưa từng có trong lịch sử này diễn ra tại Sunnylands, cách Los Angeles 160km về phía Đông. Một sự trùng hợp thú vị khi chính tại nơi này cách đây gần 3 năm, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Với nhà lãnh đạo Mỹ, cuộc gặp gỡ lần này là động thái nhằm thắt chặt mối liên hệ với ASEAN trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Tổng thống Mỹ cũng đã lên kế hoạch đến thăm Việt Nam và Lào trong năm 2016 nhằm nhấn mạnh thông điệp kết nối của Mỹ với khu vực Đông Nam Á. 

Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Đông Nam Á tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị ASEAN tháng 11/2015 tại Malaysia. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Đông Nam Á tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị ASEAN tháng 11/2015 tại Malaysia. Ảnh: AFP

Nếu như trước đây, cộng đồng ASEAN từng bị Mỹ “làm lơ” vì cho rằng cộng đồng này quá nhỏ và thiếu tính nhất quán thì nay cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Ngay từ khi bắt đầu nhậm chức vào năm 2009, ông Obama đã xác định lấy ASEAN làm “bàn đạp” quan trọng cho “cú xoay” về phía châu Á, đối trọng với sức mạnh đang lên mang tên Trung Quốc. 

Ben Rhodes - cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: 

“Cùng với nhau, 10 quốc gia ASEAN tạo thành sức mạnh kinh tế đứng thứ 7 trên toàn thế giới. Khu vực này cũng là tâm điểm của nhiều vấn đề an ninh trọng yếu: an ninh hàng hải, chống khủng bố, chống tội phạm số”. 

Trung Quốc chắc chắn sẽ là tâm điểm của cuộc đàm thoại giữa ASEAN và Mỹ. Theo nhận định của Earnest Bower - chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, thông qua hội nghị lần này, Tổng thống Mỹ có tham vọng “tạo ra môi trường chiến lược để ép Trung Quốc tôn trọng các luật lệ”. 

Nhiều quốc gia thành viên ASEAN hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên biển Đông - ngã tư chiến lược của thương mại thế giới và vùng “mỏ” dồi dào về tài nguyên thuỷ sản và dầu khí. Những phát ngôn chính thức của Washington tính đến thời điểm này thể hiện quan điểm trung lập về vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ rõ thái độ lên án động thái “quân sự hoá” khu vực của Bắc Kinh, ủng hộ các nước Đông Nam Á. 

Theo các nhà ngoại giao, một trong những mục tiêu của cuộc gặp hồm 15/2 và 16/2 sẽ là thống nhất một quan điểm chung giữa ASEAN và Mỹ về chủ đề nhạy cảm này. Điều này có thể tăng thêm sức nặng cho phán quyết của Toà án trọng tài La Haye và gây sức ép lên Bắc Kinh. Được biết, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ hiệu lực của phán quyết sẽ được đưa ra trong vài tháng tới bởi Toà trọng tài. 

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh thông điệp rằng người Mỹ sẽ hiện diện trên bàn đàm thoại và tham gia tích cực vào giải quyết các tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ sắp tới”, ông Ben Rhodes - cố vấn Tổng thống cho biết. 

Thục Anh

(Theo AFP)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới