Mỹ giải quyết thảm họa môi trường tồi tệ nhất lịch sử như thế nào?

(Baonghean.vn) - 6 năm trước, ngày 20/4/2010, công ty dầu khí nổi tiếng BP vướng vào bê bối khi giếng dầu của hãng này tại Vịnh Mexico, cách bờ biển bang Louisiana, Mỹ chỉ 60 km phát nổ và khiến 11 công nhân tại giàn khoan Deepwater Horizon thiệt mạng, khởi phát thảm kịch môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ.

Giếng dầu Deepwater Horizon phát nổ hồi năm 2010, khiến 11 người thiệt mạng và đổ hàng triệu lít dầu xuống Vịnh Mexico. Ảnh; Telegraph.
Giếng dầu Deepwater Horizon phát nổ hồi năm 2010, khiến 11 người thiệt mạng và đổ hàng triệu lít dầu xuống Vịnh Mexico. Ảnh; Telegraph.

Suốt 87 ngày sau đó, hàng triệu lít dầu đổ tràn dưới đáy đại dương cách mặt nước biển 1,5 km và hãng BP đã tìm nhiều cách để bưng bít vụ việc song không “qua mặt” được giới truyền thông.

Dư luận càng công kích BP mạnh mẽ hơn khi những đàn chim, cá, và tôm chết hàng loạt, từng lớp dầu dày đặc bao phủ những bãi biển từng rất sạch đẹp trước đó.

 

Dù BP khi ấy đã thuộc quyền sở hữu của Mỹ, đổi tên từ tên cũ là Công ty dầu khí Anh cách đó nhiều năm, nhưng làn sóng bài Anh cũng lan nhanh không kém dầu loang, phát sinh căng thẳng trong “mối quan hệ đặc biệt” giữa Phố Downing và Nhà Trắng.

Công ty trên đã phải chi khoản tiền khổng lồ cho chiến dịch làm sạch toàn bộ vùng biển (lên tới 28 tỷ USD) và lập quỹ bồi thường 20 tỷ USD nhưng hầu như không khiến cơn giận giảm bớt. Ngày 15/7/2010, sau nhiều nỗ lực bất thành, người ta cũng đóng lại được giếng dầu tràn trên.

Bồ nông bị ảnh hưởng sau thảm họa tràn dầu ở Louisiana năm 201. Ảnh: Getty.
Bồ nông bị ảnh hưởng sau thảm họa tràn dầu ở Louisiana năm 2010. Ảnh: Getty.

Tony Hayward, Giám đốc điều hành hãng BP khi ấy đã trở thành “người đàn ông bị căm ghét nhất nước Mỹ” vì những ngôn từ thiếu cân nhắc khi tới xoa dịu người dân địa phương, xin lỗi vì đã “gây ảnh hưởng trầm trọng” đến cuộc sống của họ nhưng lại nói thêm: “Chẳng ai muốn chuyện này qua nhanh hơn tôi cả. Tôi muốn lấy lại cuộc sống trước của mình”.

Dù sau đó Hayward đã nhanh chóng xin lỗi tiếp vì “nhỡ miệng” sau thảm kịch gây chết người và ảnh hưởng toàn bộ hệ sinh thái, nhưng rõ ràng uy tín của ông ta đã bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Dầu thô dạt vào bờ biển Alabama hồi năm 2010. Ảnh: AP.
Dầu thô dạt vào bờ biển Alabama hồi năm 2010. Ảnh: AP.

Người dân không chấp nhận cách ông ta miêu tả vụ tràn dầu là “rất rất bình thường” và “tương đối nhỏ” nếu so với quy mô của đại dương. 12 ngày sau, BP thông báo kỹ sư hóa học người Mỹ Bob Dudley sẽ thay thế vị trí của ông Hayward.

Xét cho cùng, Vịnh Mexico và cả BP đều gặp may. Trước hết, vụ tràn dầu xảy ra ngoài khơi xa và sâu dưới lòng đại dương, cách khá xa khu vực sinh vật biển đa dạng nhất.

Thứ 2, thứ dầu bị rò rỉ là dầu thô nhẹ, tan nhanh hơn dầu nặng. Và khi dầu nổi lên mặt biển, phần lớn đã bị vi khuẩn phân rã. Với số dầu tràn vào bờ, BP đã kịp thời đưa ra chiến dịch làm sạch trên quy mô lớn, tốn kém nhưng nhìn chung khá thành công.

Giải quyết hậu quả của thảm kịch tràn dầu. Ảnh: Getty.
Giải quyết hậu quả của thảm kịch tràn dầu. Ảnh: Getty.

Những ảnh hưởng về khía cạnh môi trường, cũng như tác động tiêu cực đến cuộc sống của những mảnh đời phụ thuộc vào vùng Vịnh này để kiếm sống là không nhỏ, nhưng sự phục hồi của nơi đây vẫn nằm ngoài sự kỳ vọng của nhiều người.

Bãi biển Alabama hiện nay. Nguồn: Facebook.
Bãi biển Alabama hiện nay. Nguồn: Facebook.

Giờ đây, Vịnh Mexico về cơ bản đã trở nên sạch sẽ và tràn đầy sức sống trở lại, được mọi người từ các nhà môi trường học, đến đại diện BP, nhà nghiên cứu, khoa học hải dương… ví von với sự phục hồi “kiên cường”.

Phú Bình

(Theo Telegraph)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới