Mỹ lo sợ 'con bài' người Kurd rơi vào tay Nga

(Baonghean.vn) - Mỹ lo ngại uy tín đang lên của Nga đối với lực lượng người Kurd tại Iraq và Syria có thể lôi kéo nhóm sắc tộc này khỏi liên minh lâu dài với Mỹ, đồng thời gia tăng tầm ảnh hưởng của Moskva trong khu vực. 

Mỹ coi người Kurd là đồng minh trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: AP.
Mỹ coi người Kurd là đồng minh trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: AP.

Chính “con bài” người Kurd sẽ tạo một đòn bẩy lâu dài cho Moskva trong nền chính trị nội bộ Syria, một vị thế tiềm năng tại khu vực Trung Đông, và một đòn bẩy chống lại chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tại Syria, Mỹ phải dựa vào các tay súng người Kurd trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các tay súng này được biết tới là Các đơn vị tự vệ nhân dân (YPG) - một cánh quân sự của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD)

Một mối lo của Mỹ  khi phía Nga yêu cầu lực lượng người Kurd tham gia vào vòng hòa đàm Syria tại Geneva. Đây cũng được xem như một cú giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Erdogan bởi căng thẳng từ lâu giữa chính quyền Ankara và lực lượng người Kurd chưa được hóa giải. Trước khi có sự can thiệp của Nga, lực lượng người Kurd không hề có quyền được tham gia vào vòng hòa đàm Syria mới nhất này.

Trong khi đó, các vũ khí của Nga chuyển cho lực lượng người Kurd tại Iraq để chiến đấu chống lại IS cũng khiến Mỹ “đứng ngồi không yên".

Một chuyên gia đến từ Đại học George Mason, Mỹ, người chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Nga cho biết những bước đi của Moskva có thể “khích Washington đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho các tay súng người Kurd trên thực địa nhằm ngăn cản Nga chiếm lĩnh vị thế trong khu vực".

Sơ đồ phân bố người Kurd ở khu vực Trung Đông. Ảnh: TASS.
Sơ đồ phân bố người Kurd ở khu vực Trung Đông. Ảnh: TASS.

Thêm vào đó, Nga mong muốn làm hại thanh danh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva đã có xu hướng hỗ trợ người Kurd ở Syria và đảng PYD nhằm tạo ra một khu vực bán tự trị ở phía bắc gọi là “Rojava”. Hơn nữa, Nga không xem PYD hay Đảng Công nhân người Kurd (PKK) là tổ chức khủng bố, và do đó cũng không e ngại việc hỗ trợ cho họ.

Tình hình khu vực càng trở nên phức tạp khi các tay súng người Kurd thời gian gần đây liên tiếp giành được chiến thắng quân sự trước lực lượng khủng bố IS và Nga đã tận dụng sự do dự của Mỹ để đẩy mạnh quan hệ với nhóm sắc tộc này. 

Ủy ban Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, cơ quan cố vấn cho điện Kremlin nhận định “không có gì nghi ngờ về vai trò quan trọng của nhân tố người Kurd trong sự chuyển dịch khu vực Trung Đông trong những năm tới”./.

Lan Hạ

(Theo Sputniknews)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới