Thổ Nhĩ Kỳ: Nguy cơ rạn rứt quan hệ với Mỹ và phương Tây

(Baonghean) - Dù diễn ra đầy bất ngờ và kết thúc nhanh chóng, song có thể nói, vụ đảo chính xảy ra hôm 15/7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được xem như một thảm kịch lớn đối với chính quyền Ankara. Những gì diễn ra sau đảo chính cho thấy, chính quyền Ankara không chỉ phải đối diện với những nguy cơ bất ổn luôn rình rập bùng phát trong nước mà còn đứng trước nguy cơ rạn nứt với các mối quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Căng thẳng với Mỹ...

“Đảo chính bất thành đẩy lùi mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và EU” là những nhận định của báo chí quốc tế khi chính biến vừa kết thúc tại quốc gia Trung Đông này. Điều này có lẽ cũng nằm trong dự đoán của dư luận bởi ngay từ khi vụ chính biến được dập tắt, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu đã liên tục có những phản ứng căng thẳng giành cho nhau.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Federica Mogherini đã kêu gọi chính quyền Erdogan “tôn trọng các cơ chế dân chủ cũng như luật pháp của quốc gia này một cách cao nhất”. (Nguồn ảnh: EPA)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Federica Mogherini kêu gọi chính quyền Erdogan “tôn trọng các cơ chế dân chủ cũng như luật pháp của quốc gia này một cách cao nhất”. Ảnh: EPA

Mặc dù cho tới thời điểm này chưa thể chỉ đích danh phe phái nào ở Thổ Nhĩ Kỳ đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự và mục đích cuối cùng là gì, song phía Thổ Nhĩ Kỳ mà cụ thể là Thủ tướng nước này Binali Yildirim đã công khai chỉ trích Mỹ liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gullen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính hôm 15/7.

Không dừng lại ở đó, nước này còn thẳng thắn yêu cầu phía Mỹ dẫn độ nhân vật này về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, phía Mỹ bác bỏ những ám chỉ trước đó rằng Mỹ dính líu vào âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ 7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng “những ám chỉ hay tuyên bố công khai về bất kỳ vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính thất bại đều hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương. Phản ứng trước lời yêu cầu dẫn độ ông Gullen, ông Kerry cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đưa kẻ gây đảo chính ra trước công lý, nhưng trước khi hành động phải có chứng cứ. 

Xem ra âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ và những phản ứng căng thẳng qua lại giữa các bên đang làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Washington và Ankara vốn đã bị tổn hại bởi cuộc chiến Syria và các vấn đề nhân quyền khác.

Mặc dù hai nước đều là đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đối tác chính thức chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng qua sự việc vừa rồi, một lần nữa bất đồng về các hành động của chính quyền ông Erdogan mà Washington coi là mang tính độc đoán một lần nữa bộc lộ.

Nếu như trước đây, Mỹ không có phản ứng rõ ràng, thì sau vụ đảo chính, Nhà Trắng đã công khai bày tỏ quan ngại về sự độc đoán của Tổng thống Erdogan khi ông bắt giữ hàng ngàn người, trong đó có nhiều thẩm phán, cũng như đe dọa áp dụng trở lại luật tử hình.

Thậm chí, trong một cảnh báo có phần “cứng rắn”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18/7 vừa qua, với sự ủng hộ của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini đã kêu gọi chính quyền Erdogan “tôn trọng các cơ chế dân chủ cũng như luật pháp của quốc gia này một cách cao nhất”.

Ông Kerry đã không ngần ngại tuyên bố “NATO - liên minh quân sự phương Tây mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên nòng cốt - sẽ “đánh giá rất thận trọng những gì đang diễn ra có liên quan tới vấn đề dân chủ”. Quan điểm của phía Mỹ cũng được ngầm hiểu rằng, “tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể bị lung lay nếu ông Erdogan cứ tiếp tục đi xa hơn nữa”. 

...Rạn nứt với cả châu Âu

Những gì mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang làm với mục đích “ổn định tình hình đất nước” và quét sạch “virus đảo chính” cũng đang tác động tới cả mối quan hệ với châu Âu. Không chỉ đồng tình với Mỹ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải “tôn trọng cơ chế dân chủ”, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ: “Không một quốc gia nào có thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu nếu vẫn sử dụng hình phạt tử hình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố án tử hình sẽ được cân nhắc dành cho những binh sĩ âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền. (Nguồn ảnh: Reuters)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố án tử hình sẽ được cân nhắc dành cho những binh sĩ âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ là một phần quan trọng của Hội đồng châu Âu và họ phải tôn trọng Công ước Nhân quyền của châu Âu, Công ước này đã ghi rất rõ ràng về việc không áp dụng hình phạt tử hình.” Đức - quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu cũng kêu gọi Tổng thống Erdogan tôn trọng các quy định của nhà nước pháp quyền. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Tổng thống Erdogan có phản ứng “trên nguyên tắc nhà nước pháp quyền và phù hợp”.

Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh việc tái áp đặt án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và mục tiêu trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) là “không thể đi cùng nhau”. Cần nhắc lại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984. Bên cạnh đó, Ankara cũng phải nỗ lực rất nhiều trong việc gia nhập khối này. 

Thổ Nhĩ Kỳ tính toán ra sao bài toán với Mỹ và EU là điều không dễ đoán định. Song có một thực tế rõ ràng rằng, mối quan hệ của Ankara với những đối tác này đang bị lung lay vì đảo chính. Quãng đường bước vào cánh cửa EU của Thổ Nhĩ Kỳ với việc thông qua quyết định miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay có thể sẽ bị đình trệ.

“Sự thụt lùi” trong các mối quan hệ vốn nhiều trắc trở này chắc chắn cũng sẽ tác động không nhỏ tới các hồ sơ quốc tế nóng như cuộc chiến chống IS của Mỹ, hay vấn đề nhập cư của châu Âu với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thanh Hiền 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới