Rộng cơ hội việc làm của nghề điện công nghiệp

(Baonghean) - Điện công nghiệp không phải là ngành nghề “nóng” hay mới, nhưng điện liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống nên nhu cầu nhân lực về nghề này luôn ở mức cao.

Giờ thực hành của  sinh viên Khoa Điện công nghiệp Trường Cao đẳng nghề KTCN  Việt Nam - Hàn Quốc.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện công nghiệp Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.

Ngành Điện công nghiệp giữ vai trò ổn định và phát triển hệ thống truyền tải điện phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, dân sinh. Các kỹ sư điện công nghiệp làm việc trên thiết bị điện dân dụng và công nghiệp đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và an toàn như: Lắp đặt và đấu nối các hệ thống truyền dẫn tín hiệu công nghiệp.

Lắp đặt, đấu nối, lập trình và vận hành thiết bị lập trình LPC. Lắp đặt, đấu nối, lập trình và vận hành thiết bị lập trình vi điều khiển. Lắp đặt và kiểm tra các thiết bị điều hòa không khí. Lắp đặt và kiểm tra thiết bị điều khiển điện – khí nén. Vận hành và bảo dưỡng thiết bị điện công nghiệp…

Khác với kỹ sư điện công nghiệp (đào tạo ở bậc đại học và sau đại học) chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống, đảm bảo hệ thống truyền tải điện ổn định với trách nhiệm cao, nhiều chất xám và kinh nghiệm chuyên môn. Người công nhân kỹ thuật điện công nghiệp (đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng) sẽ phụ trách các khâu thi công kỹ thuật, đấu nối thi công hệ thống điện theo các bản vẽ kỹ thuật, và vận hành hệ thống điện, máy điện theo các nguyên lý chỉ dẫn đã được xây dựng. 
Theo báo cáo của Tổng Cục Dạy nghề, điện công nghiệp là nghề có số lượng trường đăng ký đào tạo nhiều nhất (52 trường) với 6.685 chỉ tiêu. Điều đó cho thấy nhu cầu đào tạo cũng như sử dụng nhân lực nghề này đang ở mức cao. Điện công nghiệp không phải là ngành nghề nóng hay mới, nhưng điện liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống nên "cầu" nhân lực về nghề này luôn ở mức cao. Sau khi tốt nghiệp, dù chọn công việc trong doanh nghiệp hay làm tự do, ưu điểm của nghề này là học sinh có thể đi làm ngay. Hiện nay, khi các khu công nghiệp phát triển rộng khắp đất nước, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực điện công nghiệp theo đó cũng tăng cao.
Được thành lập năm 1998, Khoa Điện công nghiệp là một trong những khoa gắn liền với sự ra đời và phát triển của Trường Cao đẳng Nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo các nghề hiện nay của Khoa Điện công nghiệp đã được trang bị khá đầy đủ về chủng loại, tiên tiến về mặt công nghệ, đào tạo nghề gắn liền với thực tiễn sản xuất, Sản phẩm đầu ra là những công nhân lành nghề đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Với 3 tiêu chí đào tạo công nhân: Kiến thức - Kỹ năng – Tác phong công nghiệp, Khoa Điện công nghiệp đã khẳng định được vị thế của mình trong nhà trường và hiện là một trong những khoa có nghề đạt chuẩn ASEAN. 
Khoa Điện công nghiệp đào tạo 2 nghề chính là điện công nghiệp và điện dân dụng, với 7 chuyên ngành: Tự động hoá quá trình sản xuất; Hệ thống điều khiển khí nén, thuỷ lực; Hệ thống điều khiển PLC; Lắp đặt hệ thống điện; Sửa chữa, vận hành và quấn dây máy điện; Thiết bị điện gia dụng và thiết kế mạch điện bằng ORCAD. Đến nay, khoa đã đào tạo 8 khoá cao đẳng nghề chính quy, 6 khóa cao đẳng nghề liên thông và 15 khoá trung cấp nghề.
Ngoài ra, Khoa Điện công nghệ còn tổ chức nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, nâng cao tay nghề cho HS – SV trước khi ra trường, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo thống kê, trên 95% học sinh, sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp đã có việc làm trong và ngoài nước với thu nhập ổn định.
Năm 2016, Khoa Điện công nghiệp tuyển sinh 250 học sinh, sinh viên, trong đó có 150 sinh viên cao đẳng nghề, 50 học sinh trung cấp nghề và 50 học sinh sơ cấp nghề. Trong số 150 sinh viên cao đẳng nghề được tuyển năm nay, sẽ có 130 sinh viên được đào tạo cấp độ quốc gia, 20 sinh viên được đào tạo cấp độ quốc tế. 
 Mai Anh
TIN LIÊN QUAN

Tin mới