Tăng cường Tiếng Anh trong nhà trường: Xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy, lộ trình phù hợp và không ép buộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Dạy và học tiếng Anh tăng cường hiện đang được nhiều trường học ở Nghệ An triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực học và sử dụng tiếng Anh của học sinh. Trong quá trình triển khai, bên cạnh những thuận lợi còn những băn khoăn.

Linh hoạt trong tổ chức dạy học

Đầu tháng 9 này, những học sinh lớp 9 tham gia học thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường của Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh) đã hoàn thành chương trình học, rút ngắn 1 năm so với lộ trình đề ra. Điều này phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh và học sinh khi chương trình sẽ hoàn thành trước khi các em bước vào năm học cuối của bậc THCS. Vì vậy, các em có nhiều thời gian trong năm học để dành cho việc ôn thi tuyển sinh vào lớp 10.

Chặng đường cuối, việc dạy tiếng Anh tăng cường do nhà trường kết hợp với Trung tâm Anh ngữ Clever learn có sự thay đổi. Theo đó, trước kia tất cả học sinh tham gia chương trình này đều mong muốn học để có chứng chỉ theo như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, sau một thời gian theo học, số học sinh này chỉ còn lại khoảng 1 nửa và trung tâm vẫn tiếp tục duy trì lớp học.

375749142_973338307266382_5905391563208016597_n.jpg
Việc tuyển sinh đầu vào các lớp tiếng Anh tăng cường ở Trường THCS Hà Huy Tập được được lựa chọn dựa trên năng lực ngoại ngữ. Ảnh: N.T

Hiện các em đã hoàn thành chương trình và sẽ thi lấy chứng chỉ. Nếu không đạt theo cam kết, trung tâm sẽ phụ đạo miễn phí. Số còn lại, để đảm bảo được việc dạy học sát với đối tượng, nhà trường đã tổ chức cuộc họp với phụ huynh lấy ý kiến và thống nhất chương trình học có sự điều chỉnh. Đó là hàng tuần lớp học vẫn duy trì 1 buổi với giáo viên nước ngoài để rèn luyện kỹ năng nghe, nói của học sinh. Buổi còn lại với giáo viên Việt sẽ bổ trợ kiến thức cho học sinh và sát với chương trình dạy học ở nhà trường.

Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 3 Trường THCS Hà Huy Tập tổ chức triển khai dạy học theo chương trình tiếng Anh tăng cường mỗi năm chỉ từ 2 – 3 lớp, với mỗi lớp gần 50 học sinh. Việc tuyển chọn vào lớp khá “căng” ngay từ vòng đăng ký tuyển sinh khi nhu cầu thực tế luôn nhiều hơn chỉ tiêu được giao từ 50 – 60 em. Như năm nay, trường tuyển sinh 2 lớp thì tất cả các em đều có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và phải đạt yêu cầu của nhà trường.

Ngoài ra, việc tuyển sinh đầu vào còn căn cứ vào điểm khảo sát môn Toán và Tiếng Việt. Qua trực tiếp triển khai, cô giáo Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, cùng với lớp chọn về chất lượng thì các lớp tiếng Anh tăng cường là những lớp có chất lượng vào tốp đầu của nhà trường và thành tích của các lớp tương đương, có sự cạnh tranh khá tương đồng. Trong quá trình triển khai, dù phối hợp với Trung tâm Anh ngữ nhưng nhà trường đều yêu cầu giáo viên dạy tiếng Anh của lớp bám sát chương trình dạy học tiếng Anh tăng cường để góp ý bổ sung chương trình, kiểm tra dự giờ đột xuất.

339752685_767826971363872_8479793755346940964_n.jpg
Một buổi học tiếng Anh tăng cường tại Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: NT

Ban Giám hiệu nhà trường cũng có mặt trong từng nhóm lớp tiếng Anh tăng cường để tăng cường công tác quản lý, giám sát. Định kỳ, trung tâm có tổ chức kiểm tra cho học sinh và công khai kết quả để phụ huynh nắm bắt và có ý kiến phản hồi. Cuối mỗi năm học, nhà trường lấy ý kiến về chất lượng dạy học của từng giáo viên và công khai với phụ huynh để đánh giá về kết quả.

Sau 3 năm thực hiện, cô giáo Hà Lê Hòa Bình cũng cho rằng, việc tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những ý kiến phản hồi về chương trình, về đội ngũ giáo viên. Vì vậy, ngoài việc điều chỉnh chương trình như đã đề cập, trường cũng đã từng phải đề nghị thay đổi đổi giáo viên tiếng Anh tăng cường, vì nhiều học sinh cho rằng, giáo viên dạy chưa hiệu quả. Trong quá trình dạy học, nhà trường cũng gặp một số khó khăn khi mới đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng, sẽ có thể học liên tục trong 4 năm học.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số em sau một thời gian có sự thay đổi về sở thích, năng khiếu nên không muốn theo đuổi lâu dài và việc học của các em chưa đáp ứng được như kỳ vọng của phụ huynh. Vì vậy, nhà trường cần phải theo sát để có những điều chỉnh để phù hợp với từng đối tượng.

Khó phù hợp với mọi đối tượng học sinh

Chương trình dạy học tiếng Anh tăng cường hiện đã được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Trong đó, với cấp học mầm non, toàn tỉnh có 1.947 lớp, với 44.627 học sinh, bậc tiểu học có 1.476 lớp, với 43.760 học sinh. Trong khi bậc THCS chỉ mới tổ chức được 224 lớp, với 5.744 học sinh và THPT với 102 lớp, với 3.174 học sinh.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, dù mới triển khai 3 năm, số lượng học sinh đăng ký tiếng Anh tăng cường tăng khá nhanh, từ hơn 39.000 lên hơn 97.000 học sinh. Hiện chương trình triển khai nhiều tại các trường học ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Đô Lương…

bna_Tiết học Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học thị trần Mường Xén - Kỳ Sơn. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Còn tại nhiều huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, việc tổ chức Chương trình tiếng Anh tăng cường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như không có Trung tâm để phối hợp; kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng công nghệ yếu, đi lại khó khăn. Nhiều phụ huynh không có tiền cho con học, trung tâm ngoại ngữ không bố trí được giáo viên đứng lớp vì chi phí đi lại quá cao.

Tại Trường Tiểu học thị trấn Kỳ Sơn, cách đây 1 năm, lớp học tiếng Anh tăng cường đã được thí điểm cho gần 50 học sinh của khối 1, 2 và khối 4, 5 do nhà trường liên kết với Trung tâm Học mãi theo hình thức vừa học trực tuyến kết hợp trực tiếp, có sự trợ giảng của giáo viên tiếng Anh của trường. Chương trình từng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực học ngoại ngữ của con em huyện nhà và được xem là phù hợp với đặc thù của một huyện miền núi cao xa trung tâm. Tuy nhiên, sau 1 năm ngoài khối lớp 4, 5 về đích khá thuận lợi thì các lớp còn lại có nguy cơ tạm dừng vì không còn học sinh đăng ký theo học.

Lớp học năm ngoái nay chỉ còn 10 học sinh đăng ký theo học. Trong khi đó, ở khối lớp 1, dù nhà trường đã tuyên truyền, chỉ có 7/138 học sinh đăng ký. Số học sinh đăng ký không đủ để hình thành lớp là một điều đáng tiếc vì cả nhà trường, trung tâm đều đầu tư khá nhiều cơ sở vật chất và đây là cơ hội hiếm hoi để học sinh của nhà trường được học tiếng Anh bài bản.

Điều phụ huynh còn lưỡng lự, thứ nhất là do nhận thức, nhiều người chưa quan tâm đến việc học tiếng Anh của con trẻ. Hơn nữa, mức học phí 30.000 đồng/tiết (60.000 đồng/buổi) là còn cao so với thu nhập của người dân trên địa bàn.

- Thầy giáo Phạm Ngọc Sửu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kỳ Sơn

Tại Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), Hiệu trưởng Trần Thị Thúy Thanh cũng cho biết, sau gần 1 năm thí điểm, Chương trình tiếng Anh tăng cường đã thất bại vì hiệu quả chưa cao và phụ huynh cho rằng, mức học phí 35.000/tiết học còn quá cao.

Thực hiện đúng quy trình trong tổ chức dạy học

Từ năm 2020, Chương trình tiếng Anh tăng cường bắt đầu được đưa vào các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc triển khai được căn cứ theo nhiều văn bản hiện hành từ bộ đến tỉnh và nhằm thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 2445/QĐ-UBND tỉnh.

337696834_554777796757771_9210268077280399785_n.jpg
Buổi học tiếng Anh tăng cường tại Trường THCS Hưng Dũng. Ảnh: N.T

Hiện Nghệ An cũng đã ban hành Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND quy định mức thu để dạy học tiếng Anh tăng cường, trong đó, mức thu tối đa là 40.000 đồng/1 tiết giáo viên Việt Nam; 50.000 đồng/1 tiết giáo viên nước ngoài; 60.000 đồng /1 tiết giáo viên bản ngữ.

Để việc triển khai dạy tiếng Anh tăng cường đạt hiệu quả, trong quá trình thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đúng quy trình 3 bước, đó là tổ chức thẩm định năng lực của các trung tâm ngoại ngữ, gồm Hồ sơ giáo viên và Hồ sơ kinh nghiệm đào tạo.

Các tiêu chuẩn về giáo viên người Việt Nam và giáo viên người nước ngoài đảm bảo tiêu chuẩn, hồ sơ giáo viên theo quy định của Công văn số 1530/SGD&ĐT-GDCN-GDTX. Sau khi thẩm định, sở công khai kết quả trên Cổng thông tin của sở; gửi Thông báo về phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành, thị, các đơn vị trực thuộc sở để các cơ sở giáo dục biết, chủ động lựa chọn, phối hợp triển khai các chương trình liên kết, tăng cường.

SN106947.JPG
Giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Trung Đô. Ảnh: Mỹ Hà

Về phía cơ sở, trên cơ sở khả năng của nhà trường, nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, năng lực của các trung tâm ngoại ngữ đã được thẩm định, các cơ sở giáo dục phối hợp với trung tâm ngoại ngữ xây dựng kế hoạch trình Phòng GD&ĐT (đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS), trình sở đối với các trường THPT để thẩm định, phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ sở giáo dục ký kết hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ. Trong hợp đồng đã quy định rõ nội dung dạy học, kinh phí, đội ngũ giáo viên, hình thức dạy học, địa điểm tổ chức, cam kết chuẩn đầu ra và trách nhiệm của mỗi bên. Việc triển khai sau đó phải có báo cáo về phòng hoặc về Sở Giáo dục và Đào tạo.

332944179_1180776472800419_1741644449747871261_n.jpg
Ngày hội tiếng Anh của học sinh thành phố Vinh. Ảnh: N.T

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường trong nhà trường có nhiều ưu điểm, đó là học sinh học ở trường được học tập giáo viên có trình độ cao, đạt chuẩn quốc tế, có sự tham gia của giáo viên nước ngoài theo quy định của Sở GD&ĐT, nhưng mức học phí chỉ bằng 2/3 so với học ở các trung tâm.

Học sinh tham gia Chương trình tiếng Anh tăng cường thuận lợi khi các em học chương trình chính khóa sẽ kết hợp với học tiếng Anh tăng cường, giúp học sinh đỡ phải di chuyển nhiều nơi xa để học thêm tiếng. Quá trình dạy học, các trung tâm phối hợp với nhà trường tổ chức các câu lạc bộ, sân chơi tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên nước ngoài, qua đó, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp giúp các em nâng cao trình độ nghe nói. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên nhà trường nâng cao năng lực, tăng khả năng tương tác, nhất là với giáo viên nước ngoài. Học tiếng Anh tăng cường tại trường có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, môi trường học tập, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong quá trình học tập.

Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh

Thực tế cũng cho thấy, dù chỉ mới triển khai, việc triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường ở các nhà trường đã đem đến một “luồng gió mới”, nhằm nâng cao năng lực và khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh Nghệ An. Mấy năm trở lại đây, phong trào học tiếng Anh phát triển rầm rộ hơn khi tỉnh và bộ có nhiều chính sách để khuyến khích những học sinh có chứng chỉ quốc tế như tuyển thẳng vào trường chuyên, ưu tiên tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 hoặc được xét tuyển thẳng vào đại học.

Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng học sinh Nghệ An được miễn thi tốt nghiệp nhờ có chứng chỉ ngoại ngữ tăng nhanh.

Nếu như năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 175 học sinh, thì chỉ 1 năm sau số học sinh đã tăng gần gấp 3, với 526 em. Đến năm 2022 con số này tăng lên 789 em và năm 2023 là 1.012 em.

Giờ học Tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường mầm non Hoa Sen 2. Ảnh - Đức Anh.jpg
Giờ học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen. Ảnh: Đức Anh

Điểm tuyển sinh đầu vào ở các trường trong tỉnh theo Chứng chỉ IELTS cũng tăng, trong đó, Trường THCS Đặng Thai Mai, nếu như năm học 2021 – 2022, học sinh tuyển thẳng chỉ có Flyer 15 khiên, điểm B2 – 168 điểm, thì 2 năm gần đây điểm đầu vào tương đương trình độ IELTS 4.5 và 5.0. Trong đó, có những em đang học lớp 5 đã đạt IELTS 6.5.

Ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cách đây 2 năm điểm trúng tuyển đầu vào chỉ cần IELTS 4.5 thì năm học này là 6.0, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu từ 6.0 cách đây 2 năm, năm nay tăng lên 6.5. Trong đó, hầu hết các em trúng tuyển có năng lực từ 7.0 đến 8.0.

Đặc biệt, chất lượng môn tiếng Anh trong toàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, trong đó, điểm trung bình thi tuyển sinh lớp 10 tăng trung bình từ 3,68 (năm 2021) tăng lên 4,83 (năm 2023), điểm trung bình thi tốt nghiệp THPt tăng trung bình từ 4,98 (năm 2021) lên 5,01 (năm 2023) và là một trong những môn có sự tiến bộ vượt bậc dù ngoại ngữ không phải là lợi thế của học sinh Nghệ An.

Không “nóng vội”, không “ép buộc” trong thực hiện

Từ những kết quả đã đạt được cho thấy việc thực hiện “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có việc triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về học và sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, do chương trình mới triển khai nên cũng bộc lộ những bất cập nhất định tại một số trường học, khi công tác tuyên truyền chưa thật tốt, để các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về mục đích cốt lõi của chương trình tiếng Anh tăng cường, hay có phụ huynh cho rằng, việc dạy tiếng Anh tăng cường hiệu quả chưa cao, vẫn còn một số trường “ép”phụ huynh đăng ký học.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập.JPG
Giờ học ngoại ngữ theo Chương trình tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: Mỹ Hà

Trao đổi với Báo Nghệ An, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắng thừa nhận những tồn tại, bất cập. Đó là công tác tổ chức, phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ và cơ sở giáo dục chưa thật chặt chẽ (bố trí giờ học chưa hợp lý, bố trí giáo viên của trường tham gia trợ giảng, quản lý lớp học, đặc biệt là giờ của giáo viên nước ngoài). Trong khi đó, ngành chưa bố trí trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường. Ở một số địa phương, điều kiện dạy học, mức học phí còn chưa phù hợp với mặt bằng dân cư...

Từ thực tế trên, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm, cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường; lắng nghe ý kiến từ phụ huynh, học sinh, giáo viên để có những chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp.

Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình tăng cường phải làm tốt công tác dân chủ, công khai trong trường học, đặc biệt là đối với phụ huynh, học sinh. Tuyệt đối được không ép buộc học sinh tham gia các chương trình tăng cường; sắp xếp, bố trí lớp học, thời gian học phù hợp. Tổ chức quản lý và hỗ trợ học sinh; Xây dựng hồ sơ, quy trình quản lý để theo dõi giám sát chặt chẽ trung tâm phối hợp thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường.

337354397_157887700505631_12882656559570699_n.jpg
Các tiết học tiếng Anh tăng cường giúp học sinh được rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ảnh: N.T

Về phía các trung tâm phối hợp cần thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn, sử dụng đúng giáo viên, giáo trình, tài liệu đã được thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, phải thực hiện đúng cam kết đối với phụ huynh học sinh và các nhà trường đã được thương thảo qua Hợp đồng ký kết. Ngoài ra, cần xây dựng và thống nhất mức thu học phí phù hợp cho từng đối tượng, vùng, miền, trích các khoản phí quản lý, khấu hao cơ sở vật chất, điện nước,... đặc biệt, mức thu đúng quy định tại Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND.

Tin mới