Thủ tướng Chính phủ dự, chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến.
Toàn cảnh hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: SKĐS

Toàn cảnh hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: SKĐS

Sáng 24/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước…

Điểm cầu Nghệ An do các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hoa – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đồng chủ trì.

Điểm cầu tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thành Chung

Điểm cầu tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thành Chung

Phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững

Theo báo cáo của Bộ Y tế: Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo; tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế toàn ngành nên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2022.

Bước vào năm 2023, ngành Y tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán. Các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm. Tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SKĐS

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SKĐS

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế; đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe còn chưa bảo đảm nhu cầu thực tiễn.

Năm 2023, ngành Y tế Việt Nam đặt ra mục tiêu: Phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững; tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Một số chỉ tiêu phấn đấu là: Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 93,2%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh; tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 73,8 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,2 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 18,6%; 80% dân số được quản lý sức khỏe; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%...

Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi tới lãnh đạo, công chức, viên chức ngành Y trong toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, tri ân sâu sắc, chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành Y tế trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Toàn ngành Y đã có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19; tạo điều kiện cho đất nước tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; công tác quốc phòng được đảm bảo, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quá trình hội nhập quốc tế nhanh, sâu rộng, hiệu quả”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ: Bên cạnh những thành tích, ngành Y tế còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục: Đội ngũ cán bộ còn nhiều người mắc khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Công tác xây dựng thể chế y tế chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống văn bản chưa đầy đủ như về mua sắm, đầu tư công. Năng lực y tế cơ sở, dự phòng còn hạn chế, còn có khoảng cách lớn giữa y tế các vùng. Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công nghiệp y tế chưa phát triển. Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm. Việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư cho y tế còn hạn chế, vướng mắc. Việc thực hiện tự chủ tài chính trong y tế có xu hướng chững lại, thụt lùi. Việc tính đúng tính đủ, giá dịch vụ y tế chưa được cải thiện.

Chế độ, chính sách y tế chậm điều chỉnh. Việc đào tạo nhân lực y tế chưa đạt yêu cầu. Tình trạng bác sĩ nghỉ việc, bỏ việc ở cơ sở công lập xảy ra nhiều. Người dân vẫn chưa hài lòng về dịch vụ y tế. Tình trạng quảng cáo sai sự thật về khám, chữa bệnh còn thiếu kiểm soát hiệu quả. Truyền thông chính sách y tế chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Với mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần, tuổi thọ người dân Việt Nam trong thời gian tới, ngành Y tế cần phát huy tốt truyền thống; thực hiện tốt các chủ trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đặt ra đối với công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Ngành Y tế cần đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết; thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt, thầy thuốc như mẹ hiền.

Cần xây dựng, phát triển ngành Y một cách toàn diện, cả về y tế công lập lẫn ngoài công lập; y học hiện đại lẫn y học cổ truyền; cả con người lẫn cơ sở vật chất; ngành Y cần tăng cường sự đoàn kết; đẩy mạnh hợp tác y tế công - tư, huy động mọi nguồn lực xây dựng ngành Y tế tiên tiến, hiện đại, hội nhập.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ cần thực hiện một cách tổng thể, bài bản, trọng tâm, trọng điểm; triển khai việc nào là dứt điểm việc ấy, thiết thực và hiệu quả; cần xác định rõ các nhiệm vụ cấp bách, lâu dài để có sự phân bố nguồn lực, thời gian, con người hợp lý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ 11 nhiệm vụ trọng tâm ngành Y tế cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và các nội dung y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025; tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; hoàn thiện các gói dịch vụ y tế cơ bản tại y tế cơ sở do ngân sách Nhà nước, Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Tin mới