Trăn trở và trách nhiệm với miền Tây

Chuyến thăm và làm việc tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh vừa qua ghi dấu không ít trăn trở và kỳ vọng vào sự đổi thay cho vùng đất và con người miền Tây  tỉnh nhà. Xây dựng khối đoàn kết vững chắc, làm tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo... là những nội dung chỉ đạo được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh với 2 địa phương trên.
Trước khi có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có chuyến thăm, tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội một số xã trên địa bàn huyện. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến khảo sát của Bí thư Tỉnh ủy và đoàn là xã Bảo Nam, cách trung tâm Mường Xén khoảng chừng 17 km. Với quy mô dân số 638 hộ, 3.562 khẩu, sinh sống trên diện tích 6.105,95 ha, Bảo Nam là xã đất rộng người thưa.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình kinh tế làng thanh niên lập nghiệp ở xã Tam Hợp (Tương Dương).
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình kinh tế làng thanh niên lập nghiệp ở xã Tam Hợp (Tương Dương).
Tuy nhiên, những khoảnh đất bằng hiếm hoi bà con phải dành để dựng nhà ở, phần còn lại chủ yếu là đồi núi. Với điều kiện địa lý không thuận lợi như vậy, nên đến nay, mặc dù được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, Bảo Nam vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 79,9%).
Sau khi lắng nghe lãnh đạo xã Bảo Nam báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu băn khoăn lớn và đồng thời gợi mở những nhiệm vụ, hướng giải quyết cho lãnh đạo các cấp ở đây trước thực trạng đồng bào không có đủ nguồn lương thực cần thiết, khi tại đây diện tích lúa nước không đáng kể, chủ yếu phát nương làm rẫy, trồng ngô lai sản lượng thấp; thu nhập bình quân đầu người chỉ 4,5 triệu đồng/năm. Rồi tập quán sản xuất lạc hậu, phụ thuộc thiên nhiên; còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại...
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh tặng quà hộ nghèo xã Tam Hợp (Tương Dương).
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh tặng quà hộ nghèo xã Tam Hợp (Tương Dương).
Đến xã Tây Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thực sự vui mừng trước sự đổi thay  ở xã rẻo cao chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống này; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song Tây Sơn lại đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 70% năm 2011, nay giảm còn chưa đầy 49%, với nhiều mô hình, cho hiệu quả cao như chăn nuôi trâu, bò, trồng bobo, gừng và dưa chuột bản địa. 
Chuyến đi về với các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn là để có những cơ sở thực tế phục vụ nội dung làm việc cụ thể, sát thực của Bí thư Tỉnh ủy với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn. Trước những đề xuất, kiến nghị của huyện Kỳ Sơn chủ yếu là xin nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ đời sống cho cán bộ cấp cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự chia sẻ và đề nghị các sở, ngành cho ý kiến thật cụ thể, xác đáng để cùng với tỉnh, huyện tạo nên sức bật mới cho Kỳ Sơn. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng muốn Kỳ Sơn thoát nghèo bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh thì huyện, các xã và bà con đồng bào các dân tộc phải nêu cao ý chí thoát nghèo, đồng tâm hiệp lực, tìm được hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu để phát triển kinh tế... 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng dành nhiều quan tâm đến những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đồng chí khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là đúng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới của huyện nghèo, xã nghèo trước hết phải lo đủ ăn, đủ mặc, đủ điều kiện cho con cháu học hành. Nếu mải bám theo các tiêu chí, để rồi khi có tiền lại dành đầu tư các công trình không thực sự cần thiết trong khi cuộc sống của người dân vẫn không thay đổi thì nông thôn mới là không thực chất. Cái thực chất nhất hiện nay là nghiên cứu các mô hình kinh tế trên đất đồi núi có độ dốc cao, tìm giống cây, con phù hợp; mở rộng các mô hình đã mang lại hiệu quả...”. 
Về với Tương Dương, cũng là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác về thăm và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân xã biên giới đặc biệt khó khăn Tam Hợp - địa bàn cư trú của 3 dân tộc thiểu số Mông, Thái và tộc người Tày Poọng. Đây là nơi đứng chân của Đồn Biên phòng Tam Hợp, quản lý 9 km đường biên. Cán bộ, chiến sỹ của đồn luôn nêu cao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên biên giới, bảo đảm chủ quyền quốc gia luôn được giữ vững, tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, xác định tình quân dân luôn phải keo sơn, gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau, đơn vị đã và đang triển khai các mô hình, chương trình giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 2.000 m2 diện tích ngô tại bản Huồi Sơn là một trong những thành quả nỗ lực của anh em chiến sỹ để làm mô hình cho nhân dân học tập và nhân rộng...
Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác cũng thăm các mô hình kinh tế đang được thí điểm tại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp - đơn vị được đánh giá là mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nay nhưng đã gặt hái nhiều kết quả đáng khen ngợi: như hỗ trợ sản xuất, thay đổi tư duy canh tác và cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đánh giá cao các mô hình trồng rau trái vụ, nuôi lợn đen, gà đen, trồng chanh leo, nghệ đỏ, chanh tứ mùa, ao cá,… của dự án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ trong thời gian tới Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp cần tiếp tục nhân rộng các mô hình thí điểm đem lại hiệu quả, tuyên truyền, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân vùng dự án, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, chuyển đổi lề lối làm ăn cho nhân dân địa phương. 
Tới thăm hỏi cuộc sống, trao quà động viên các hộ nghèo thuộc 2 bản Huồi Sơn và Phà Lọm của xã Tam Hợp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong bà con nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Đồng chí cũng lưu ý các cấp, ngành, đơn vị cần tập trung xây dựng mối đoàn kết giữa cán bộ, chiến sỹ, đội viên TNXP với đồng bào các dân tộc thiểu số, hướng mục tiêu thiết thực trước mắt là đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, đảm bảo con em của đồng bào đều được tới trường; việc trăn trở, trách nhiệm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con cũng là cách hiệu quả để giảm thiểu các vấn nạn như buôn bán người, di dịch cư trái phép, ma túy,…
Trong trao đổi với Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương và các sở, ban, ngành hữu quan, bên cạnh ghi nhận những kết quả khả quan mà huyện đã làm được trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ: Để Tương Dương không tụt hậu so với các địa phương khác, huyện cần có một số khâu đột phá, song song với rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra chương trình hành động, các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020, trước mắt nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch năm 2016. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm thiết thực hơn nữa đến cuộc sống của nhân dân, nhất là các hộ dân thuộc vùng tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn. Đây là vấn đề thực sự bức xúc và cấp bách hiện nay, nếu không giải quyết tốt sẽ có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề, hệ lụy khác. Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các sở, ngành cùng vào cuộc giúp sức Tương Dương gỡ rối, đáp ứng đề xuất chính đáng của huyện.
Chuyến thăm, làm việc của Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác tới 2 huyện diện 30a phía Tây Nam tỉnh nhà đọng lại những trăn trở lớn và đòi hỏi trách nhiệm chung của các cấp ủy, chính quyền đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng rẻo cao biên giới. Và những chỉ đạo đầy gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thêm động lực để cán bộ, nhân dân  2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương đoàn kết, chọn hướng đi sát hợp thực tiễn để vươn lên về mọi mặt trong thời gian tới... 

Cảnh Nam - Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới