Ba Lan tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine nữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vacsava nói rằng, nước này đang chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh tranh chấp về lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc với Kiev.

Ba Lan có vị trí quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine và cũng đã cung cấp nhiều vũ khí cho Kiev. Ảnh AA.jpeg
Ba Lan có vị trí quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine và cũng đã cung cấp nhiều vũ khí cho Kiev. Ảnh: AA

Thủ tướng Ba Lan nói gì?

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 20/9 cho biết, đất nước của ông sẽ không vũ trang cho Ukraine nữa, mà thay vào đó sẽ tập trung vào nền quốc phòng của chính mình.

Những bình luận này được đưa ra chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Vacsava triệu tập đại sứ của Kiev trong bối cảnh xảy ra tranh cãi liên quan đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Ông Morawiecki phát biểu: “Chúng tôi không còn chuyển giao vũ khí cho Ukraine nữa, vì chúng tôi hiện giờ đang trang bị cho Ba Lan các vũ khí hiện đại hơn”.

Ông nói rằng, dù hiểu rõ tình hình của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng phía Ba Lan “sẽ bảo vệ đất nước của mình”.

Phát biểu của chính khách này được đưa ra khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Vacsava có tiếp tục ủng hộ Kiev bất chấp bất đồng liên quan đến xuất khẩu lương thực hay không.

Ba Lan triệu tập đại sứ Ukraine

Trước đó, hôm 20/9, Ba Lan cho biết đã triệu tập đại sứ Kiev liên quan đến những phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cụ thể hơn, khi đề cập đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, ông Zelenskyy nói rằng một số quốc gia giả vờ đoàn kết với Nga. Vacsava đã chỉ trích những phát ngôn trên là “không chính đáng”, cho rằng Ba Lan là quốc gia đã hỗ trợ Ukraine kể từ những ngày đầu xung đột nổ ra.

Ba Lan đã sắm vai trò quan trọng trong việc vũ trang cho Ukraine thông qua đơn phương cung cấp thiết bị quân sự chẳng hạn tiêm kích MiG-29 và xe tăng Leopard, ngoài ra còn tạo điều kiện để các đồng minh nước ngoài tập kết và vận chuyển vũ khí qua biên giới Ba Lan vào Ukraine.

Đây còn là thành viên NATO đầu tiên cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine hồi tháng 3 năm nay và bắt đầu giao hàng vào đầu tháng 4. Ba Lan cũng là nước tiếp nhận khoảng 1 triệu người di cư Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelenskyy tại phiên họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh AP.jpeg
Tổng thống Ukraine Zelensky tại phiên họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: AP

Căng thẳng quanh vấn đề nhập khẩu ngũ cốc

Căng thẳng giữa Vacsava và Kiev đã tăng cao trong vài ngày gần đây, liên quan đến lệnh cấm của Ba Lan đối với hoạt động nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để bảo vệ lợi ích của nông dân nước này.

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến các tuyến vận tải trên Biển Đen từng được sử dụng trước đó nay bị phong tỏa. Nga đã nhất trí với một thỏa thuận cho phép xuất khẩu từ Ukraine bằng đường biển, nhưng đã rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 7.

Vì thế, EU đang trở thành tuyến trung chuyển trọng yếu và điểm đến xuất khẩu của ngũ cốc Ukraine.

EU đã đồng ý hạn chế nhập khẩu vào Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia từ hồi tháng 5, với mục đích bảo vệ nông dân tại các nước trên, vốn than phiền rằng việc nhập khẩu đã làm giá giảm mạnh trên các thị trường trong nước.

Các biện pháp này đồng nghĩa với việc các sản phẩm có thể trung chuyển qua 5 nước trên, nhưng không được bán ra thị trường của họ.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu hồi tuần trước cho biết sẽ chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu, khẳng định rằng “việc bóp méo thị trường tại 5 nước thành viên giáp biên giới với Ukraine đã biến mất”.

Ba Lan, Hungary và Slovakia ngay lập tức tuyên bố họ sẽ không tuân thủ, trong khi Ukraine cho biết sẽ nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Quốc tế.

Tin mới