Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Quy chế này quy định về nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ phối hợp công tác của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Nghệ An tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Ảnh minh họa: Sách Nguyễn
Nghệ An tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Ảnh minh họa: Sách Nguyễn

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Quy chế này quy định về nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ phối hợp công tác của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 được thành lập theo Quyết định số 5201/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh).

Quy chế này áp dụng cho Ban Chỉ đạo tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các Tổ công tác, Cơ quan giúp việc và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh.

Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh được quy định:

1. Ban Chỉ đạo tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; tập thể thảo luận, Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh kết luận và chỉ đạo thực hiện.

3. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, sử dụng bộ máy của cơ quan để hoạt động, có trách nhiệm tham gia, thực hiện đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh và kịp thời báo cáo, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh về các nhiệm vụ được phân công theo quy định tại Quy chế này.

Về chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh:

1. Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc thông qua các phiên họp định kỳ 06 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo quyết định của Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc thông qua lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh bằng văn bản.

2. Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo tỉnh do Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh triệu tập. Trường hợp không tổ chức được cuộc họp, có thể thông báo và xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo bằng văn bản.

3. Tùy theo yêu cầu và nội dung của cuộc họp, Trưởng ban Ban Chỉ đạo có thể triệu tập cuộc họp với thành phần phù hợp hoặc mời thêm đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh.

Quy chế cũng quy định nhiệm vụ và quyền hạn; chế độ làm việc và quan hệ công tác của của Ban chỉ đạo tỉnh.

Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tham gia các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo tỉnh và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh phân công.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và kế hoạch triển khai các dự án thành phần, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về kết quả, tiến độ thực hiện, các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổ công tác phối hợp với cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh và phối hợp với các Tổ công tác khác thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo tỉnh giao.

Các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh và Tổ công tác kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh và Tổ trưởng Tổ công tác về quản lý, điều phối, tố chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động có liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm:

(1) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

(2) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

(3) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tin mới