Chuyến đi của ông Putin tới vùng cực Tây 'không phải nhắm tới NATO'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/1 tuyên bố chuyến đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới vùng cực Tây Kaliningrad không nhằm mục đích gửi thông điệp tới NATO.

anh-1-2507.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Ông Putin đến Kaliningrad ngày 25/1 - cũng là Ngày Sinh viên ở Nga để gặp gỡ các sinh viên tại một trường đại học địa phương. Theo Điện Kremlin, ông sẽ gặp các quan chức địa phương để thảo luận về chương trình nghị sự kinh tế và phúc lợi xã hội.
Kaliningrad (trước đây là Konigsberg) thuộc về Đức cho đến cuối Thế chiến II, khi đó vùng lãnh thổ này được bàn giao cho Liên Xô theo Hiệp định Potsdam. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nó vẫn là một phần của Nga, nhưng hiện giáp giới với Ba Lan và Litva - các quốc gia thành viên NATO.

Bình luận về chuyến đi của Tổng thống Putin, ông Peskov nhấn mạnh rằng, khi ông Putin “đến thăm các khu vực của Nga, đây không phải là một thông điệp gửi tới các quốc gia NATO”, đồng thời nói thêm trọng tâm chính phải là hành động của tổng thống.

"Vấn đề chính không phải là gửi thông điệp mà là làm những gì ông ấy đã làm trong nhiều năm, cụ thể là nỗ lực vì sự phát triển tốt đẹp hơn của đất nước và khu vực của chúng ta, cải thiện nền kinh tế và phát triển các dự án kinh tế xã hội" -ông Peskov lưu ý. Tuy nhiên, đại diện Điện Kremlin cho biết, giới chức Nga đã thực hiện “các biện pháp an ninh đặc biệt” để bảo vệ tổng thống trong chuyến thăm. Ông cũng lưu ý Moskva không yêu cầu đường bay thẳng qua Litva để đến Kaliningrad. Ngay sau khi nổ ra xung đột Ukraine, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với các máy bay Nga bay qua lãnh thổ EU. Trong bối cảnh bế tắc giữa Nga và NATO, Ba Lan và Litva hồi đầu tháng đã công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận ở hành lang Suwalki – dải đất hẹp giữa Belarus, một đồng minh của Moskva, và Kaliningrad. Các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, Nga có thể nhắm mục tiêu vào khu vực này trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện với NATO, có khả năng cắt đứt các quốc gia vùng Baltic khỏi phần còn lại của khối quân sự do Mỹ đứng đầu. Nga đã nhiều lần phủ nhận mọi kế hoạch tấn công liên minh và nói rằng, họ không quan tâm đến việc đó. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin chỉ trích suy đoán của phương Tây về khả năng Nga tấn công NATO chỉ nhằm mục đích hăm dọa Moskva và buộc nước này phải từ bỏ mục tiêu trong cuộc xung đột Ukraine.

Trả lời phỏng vấn RIA Novosti ngày 25/1, ông Naryshkin mô tả những cảnh báo của nhiều quan chức phương Tây là một phần của “cuộc chiến thông tin” đang được tiến hành chống lại cả Nga và người dân của chính các nước phương Tây. Ông nói: “Loại chiến tranh này tìm cách biện minh cho… hành động gây hấn hiện tại của phương Tây chống lại Nga”. Theo người đứng đầu cơ quan tình báo Nga, bằng cách tiến hành các hành động “hỗn hợp”, phương Tây đang cố gắng đe dọa Moskva bằng cách làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp toàn diện giữa Nga và NATO. Ông giải thích: “Phương Tây cho thấy thái độ hiếu chiến, sự sẵn sàng huy động của họ, hy vọng gây ảnh hưởng đến Nga để nước này… từ bỏ các kế hoạch… và mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt", đồng thời khẳng định ý đồ này là vô ích.

Nhận xét của ông Naryshkin được đưa ra sau khi Đô đốc Rob Bauer- Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, cảnh báo NATO phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn với Nga trong vòng 20 năm tới - một cuộc xung đột đòi hỏi phải huy động dân thường đông đảo.

Tin mới