IAEA trở lại Iran để đàm phán về vấn đề hạt nhân

Sáng 16/1, một phái đoàn gồm 8 chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) do Phó Tổng Giám đốc IAEA, Herman Nackaerts dẫn đầu đã tới Tehran trong nỗ lực giải quyết bất đồng tồn tại lâu nay với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Phát biểu tại Vienna (Áo) ngày 15/1 trước khi lên đường tới Tehran, ông Nackaerts bày tỏ hy vọng Iran sẽ hợp tác với phái đoàn trên tinh thần "xây dựng." Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho biết Tehran hy vọng đạt được một thỏa thuận toàn diện với IAEA trong vòng đàm phán mới này, nhưng việc này sẽ chỉ khả thi khi IAEA công nhận "quyền hạt nhân" của Iran.

Ông Herman Nackaerts cùng phái đoàn. (Nguồn: AP)

Ông Mehmanparast đồng thời bác bỏ cơ hội của phái đoàn IAEA trong việc tiếp cận căn cứ quân sự Parchin ở gần Tehran mà IAEA nghi ngờ là nơi tiến hành thử nghiệm chế tạo vũ khí hạt nhân.

Theo một nhà ngoại giao phương Tây, vẫn tồn tại một số bất đồng khá lớn giữa IAEA và Tehran. IAEA muốn Iran trả lời cho cái mà IAEA gọi là "bằng chứng toàn diện và tin cậy" về hoạt động nghiên cứu vũ khí hạt nhân được Tehran tiến hành tới năm 2003 và có thể được tiếp tục từ đó tới nay. Iran luôn bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này tìm kiếm bom nguyên tử.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức) hiện đang bế tắc. Tại cuộc đàm phán mớiđây nhất được tổ chức ở thủ đô Mátxcơva của Nga hồi tháng 6/2012, Tehran đã phảnđối P5+1 kêu gọi Iran ngừng hoạt động làm giàu urani, đồng thời yêu cầu phương Tây giảm bớt các lệnh trừng phạt chống Iran.

Truyền thông Iran cho biết các đại diện của nước này và Nhóm P5+1 có thểsẽ gặp nhau vào tháng 2 tới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi cho biết quyết định cuối cùng còn phải chờ Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran. Theo ông, cuộc thương lượng này, nếu được tổ chức, phải nhắm tới mục tiêu cuối cùng là dỡ bỏ lệnh cấm vận "vô lý và bất công” của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chống Iran./.
Theo (TTXVN) - ĐT

Tin mới