Lệnh trừng phạt mới của LHQ khó gây tổn thương chính quyền Triều Tiên

(Baonghean.vn)- Các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Triều Tiên dễ gây tổn thương dân thường tại quốc gia bị cô lập này hơn là làm chậm lại bước tiến của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc phát triển các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng đánh trúng lục địa Mỹ.

Chuyên gia Paul Musgrave thuộc Đại học Massachusetts tại thành phố Amherst (Mỹ) cho rằng: “Tác động dễ xảy ra nhất từ việc hạn chế mạnh tay hơn hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ sẽ nhằm vào các lĩnh vực không thiết yếu đối với sự tồn vong của chính quyền. Điều đó có nghĩa tác động của biện pháp cắt giảm này sẽ gây tổn thương nhiều nhất lên người dân Triều Tiên”. 

Người dân Triều Tiên theo dõi buổi trình diễn dù lượn quân sự ở Wonsan, Triều Tiên. Ảnh: AP
Người dân Triều Tiên theo dõi buổi trình diễn dù lượn quân sự ở Wonsan, Triều Tiên. Ảnh: AP

Ông Hong Kang-chel, một cựu lính biên phòng Triều Tiên, người đã đào tẩu năm 2013 cho hay trong khi chính quyền Bình Nhưỡng có khả năng duy trì nguồn cung nhiên liệu cho mục đích sử dụng của riêng mình, thì đại đa số dân chúng tiếp tục gắng gượng khi quy mô nền kinh tế của nước này chỉ bằng một phần nhỏ của nước láng giềng Hàn Quốc.

Các lệnh trừng phạt mới nhất này có thể vấp phải sự chỉ trích trong nước lớn hơn đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 Ông Hong cho rằng: “Hành động cắt giảm nguồn cung dầu mỏ sẽ chỉ khiến người dân Triều Tiên thêm giận dữ đối với nước Mỹ bởi họ sẽ phải lao động chân tay trên đồng ruộng nhiều hơn, trong khi các quan chức chính quyền tiếp tục lái xe oto sử dụng nguồn dầu mỏ ít ỏi. Các công nhân Triều Tiên cử đi nước ngoài làm việc, khi trở về quê hương mang theo ý tưởng và văn hóa chủ nghĩa tư bản mà họ chứng kiến, song Tổng thống Trump đang trên con đường ngăn chặn lộ trình này”. 

Ông Tong Zhao, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Chính sách quốc tế Carnegie-Thanh Hoa tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng các lệnh trừng phạt mới nhất chỉ trao quyền cho các nước thành viên LHQ bắt giữ tàu hàng của Triều Tiên trên các vùng biển của riêng các nước này.

Các đối tác thương mại của Triều Tiên năm 2016. Ảnh: Bloomberg
Các đối tác thương mại của Triều Tiên năm 2016. Ảnh: Bloomberg

Khi đó, Mỹ sẽ không thể giám sát các tàu khả nghi trong khu vực thuộc Nga hoặc Trung Quốc.

Còn theo Giám đốc điều hành Viện Nautilus về An ninh và Bền vững, kể cả khi hoạt động vận chuyển từ tàu sang tàu có thể được  giám sát bởi hệ thống vệ tinh và các biện pháp khác song việc cưỡng ép hoạt động này chấm dứt vẫn sẽ khó khăn.

Ông Bill Brown, Giáo sư phụ tá thuộc Đại học GeorgeTown thì nhận định: “Trước mùa Xuân tới, tôi nghi rằng sẽ có những lời kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này, nhằm giúp ngăn chặn nguồn cung lương thực sụt giảm”./.    

Lan Hạ

(Theo Bloomberg)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới