Mạnh ai, nấy lo!

(Baonghean) - Các quốc gia Balkan và Áo trong những ngày qua đang cố gắng thu mình lại, tạo lớp phòng thủ bảo bọc lấy bản thân. Hy Lạp cũng bắt đầu “đóng cửa” với luồng người từ khắp các nơi đổ về vùng biên. Trên khắp châu Âu, người ta dễ dàng nhận thấy điểm chung là mỗi quốc gia đều đang tìm cách xoay xở cho riêng mình. Cuộc chiến dai dẳng với khủng hoảng di cư vô hình trung phơi bày sự bất lực của Liên minh châu Âu (EU) trước tình hình bất ổn hiện nay.

Hội nghị giữa các quốc gia nằm dọc tuyến đường Balkan diễn ra tại Vienna, Áo hôm 24/2. Ảnh: epa.
Hội nghị giữa các quốc gia nằm dọc tuyến đường Balkan diễn ra tại Vienna, Áo hôm 24/2. Ảnh: epa.

Trong bối cảnh ấy, hồi giữa tuần (24/2), tại Vienna đã diễn ra Hội nghị bàn thảo các chiến lược nhằm giảm thiểu dòng người di cư. Nhà lãnh đạo từ các quốc gia nằm dọc tuyến đường Balkan - con đường in hằn vô số dấu chân người di cư chạy trốn xung đột và chiến tranh trong những tháng qua đều tới tham dự hội nghị, ngoại trừ đại diện của 2 đất nước nằm ở điểm khởi đầu và kết thúc tuyến đường, đó là Hy Lạp và Đức.

Điều này cho thấy EU đã thất bại trong cuộc khủng hoảng di cư, khi mỗi quốc gia thành viên chỉ chăm chăm hướng tới lợi ích thiết thân của chính họ, tìm cách xua đuổi người tị nạn và di cư mà quên đi tinh thần chung của khối nước.

“Giải pháp châu Âu” mà Thủ tướng Đức Angela Merkel “vẽ ra” tại Hội nghị thượng đỉnh mới đây nhất của Liên minh trên thực tế không tồn tại. Và nó cũng sẽ không tồn tại khi nữ lãnh đạo này hội kiến các đại diện đến từ Thổ Nhĩ Kỳ trong Hội nghị thượng đỉnh kế tiếp diễn ra ngày 7/3 tới. Bởi lẽ đối với Ankara, việc mở cửa biên giới với Hy Lạp và tiếp nhận người di cư chỉ có thể xảy ra như một phép màu không tưởng!

Không còn những điểm chung?

Áo và các quốc gia dọc tuyến đường Balkan giờ đây không còn muốn chờ đợi sự thay đổi chính sách từ phía Berlin nữa, thay vào đó họ đang bắt đầu tự hành động theo quan điểm riêng của mình. Khu vực biên giới giữa Macedonia và láng giềng Hy Lạp giờ đây chỉ mở cửa cho phép những người di cư có thể khẳng định chắc chắn là đặt chân đến từ các vùng chiến sự đẫm máu Syria và Iraq. Với những trường hợp còn lại, tất cả đều sẽ nhận được cái lắc đầu của nhân viên hải quan nếu muốn qua lại cửa khẩu nơi đây.

Các quốc gia Balkan chỉ nhận mình là “trạm trung chuyển” của người di cư gốc gác từ Syria, và điều này đã được Bộ trưởng Nội vụ các nước trên tuyên bố thẳng thừng tại Vienna. Hiện nay, ngoài con số rất hạn chế 80 người di cư được phép cấp cơ chế tị nạn tại Áo mỗi ngày, số còn lại nước này đang “đẩy” sang cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu tiếp nhận, tăng thêm gánh nặng không nhỏ vốn tích tụ bấy lâu nay đặt trên đôi vai của Đức.

Tất cả những gì Đức có thể làm trong thời điểm hiện tại là giấu mình chờ thời, và tiếp tục hy vọng. Nhưng hy vọng về điều gì cũng là một câu hỏi không dễ đoán định đối với Berlin.

Giờ đây không còn hy vọng về sự đoàn kết của châu Âu trong việc phân bổ người di cư “quá giang” qua Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ. Vô số cuộc họp giữa các nước thành viên được tổ chức trong những ngày qua đã minh chứng quá rõ ràng cho điều này.

Không nghi ngờ gì, các nước EU hiện không còn mối lo nào khác ngoài việc tự bảo vệ lấy biên giới của mình, “bế quan tỏa cảng” với người di cư. Và bên lãnh hậu quả nặng nề nhất từ những chính sách như vậy không ai khác chính là xứ sở thần thoại Hy Lạp.

Vốn đã rối như tơ vò trong mớ bòng bong của nền kinh tế èo uột, Athens càng không cách nào ứng phó hiệu quả với gánh nặng là hàng nghìn người di cư liên tục đổ về các điểm nóng biên giới. Liên minh Áo-Balkan và phần còn lại của EU đang đứng trước nguy cơ đẩy Hy Lạp rơi vào vực sâu sụp đổ và tạo ra “thảm kịch” đối với người tị nạn và di cư.

Một đứa trẻ tại trung tâm dành cho người di cư và người tị nạn ở ngoại ô thủ đô Athens, Hy Lạp hôm 25/2. Ảnh: AFP.
Một đứa trẻ tại trung tâm dành cho người di cư và người tị nạn ở ngoại ô thủ đô Athens, Hy Lạp hôm 25/2. Ảnh: AFP.

Chiến lược “dọa dẫm”

Tính toán ẩn sau quyết định trên đã được Bộ trưởng Nội vụ của Áo Johanna Mikl-Leitner chỉ rõ hồi tuần trước. Hy Lạp không thể và cũng sẽ không cưu mang người di cư và người tị nạn. Vì thế, nước này buộc phải bước ra khỏi cơ chế biên giới của riêng EU. “Đường biên giới mới” của EU chạy giữa Hy Lạp-Macedonia và Hy Lạp-Bulgaria.

Theo bà Mikl-Leitner, hình ảnh những người di cư tuyệt vọng mắc kẹt tại những bờ biển Hy Lạp là nhằm ngăn cản những người có ý định tìm đường đến với miền đất hứa châu Âu. Bà cũng cho rằng chỉ sau vài tuần lễ, người dân Bắc Phi, Afghanistan, và thậm chí là cả Syria hay Iraq đều sẽ từ bỏ ý định đổ xô đến châu lục này bởi họ biết rằng sẽ chẳng thể nào có được cơ hội đặt chân tới Bắc Âu.

Theo tờ DW, đây là chiến lược đơn giản nhưng hết sức sâu cay, và giờ đang được áp dụng tại Vienna. Để đáp lại, Hy Lạp đe dọa dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn các nước Serbia và Montenegro ở vùng Balkan tiếp cận với EU.

Thế nhưng, điều đó không cải thiện nổi tình hình chính trị tại khu vực, mà chỉ thêm khiến Athens bị cô lập hơn. Nạn nhân trực tiếp trong hoàn cảnh này lại chính là những người tị nạn và di cư buộc phải chịu cảnh màn trời chiếu đất trên các con phố tại Athens và Idomeni, bị mắc kẹt và thậm chí không thể quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Ankara cũng từ chối để khả năng này xảy ra.

Vậy điều gì sẽ đến? Khi tuyến đường Balkan đóng lại, dòng người sẽ tìm ra những con đường mới, có thể là từ Hy Lạp, băng qua Albania, rồi tới Italy; hay từ Libya và Ai Cập sang Italy; mà cũng không loại trừ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria,…

Rõ ràng, việc từng quốc gia đóng cửa biên giới không phải và không thể là giải pháp chung cho EU, và đây cũng chính là nhận định của người đứng đầu cơ quan biên giới EU - Frontex. Nhà lãnh đạo này cũng dự báo rằng dù thế nào đi nữa, năm 2016 này vẫn sẽ phải chứng kiến cảnh hơn 1 triệu người di cư đổ xô tới lục địa già, một bức tranh tương lai u ám đang chờ đợi ở phía trước.

Trước viễn cảnh đó, các bộ trưởng tại Vienna cũng đã quyết định hạn chế hết mức lượng người đổ về châu Âu bằng mọi giá, thậm chí chấp nhận đánh đổi, “hy sinh” thành viên Hy Lạp, bởi lo ngại nếu không làm vậy thì EU cũng không thể trụ vững trước cơn sóng gió hiện nay.

Những rạn nứt của EU đang ngày một hiện rõ, mà phải chăng đó là do mỗi bên một phách khi đề cập đến chính sách nhập cư, ai cũng chỉ khư khư ôm lấy lợi ích của chính mình?

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới