Những số phận hẩm hiu ở Calais - do đâu?

(Baonghean) - Calais thời gian qua đã trở thành tâm điểm truyền thông không chỉ riêng ở nước Pháp, mà còn được nhiều nước châu Âu khác quan tâm khi chung bài toán hóc búa về khủng hoảng nhập cư.  Anh cũng không phải ngoại lệ, trước thông tin 100 trẻ em phải chịu cảnh màn trời chiếu đất suốt đêm dài sau khi Pháp quyết định “dọn dẹp” sạch sẽ khu trại di cư Jungle (Rừng rậm), giới quan sát xứ sở sương mù cho rằng đây là cái giá phải trả cho lập trường cứng rắn của Thủ tướng Theresa May.

Những đứa trẻ di cư phải ngủ ngoài đường sau chiến dịch dọn dẹp khu trại ở Calais. Ảnh: PA.
Những đứa trẻ di cư phải ngủ ngoài đường sau chiến dịch dọn dẹp khu trại ở Calais. Ảnh: PA.

Bàn bạc và thực tế

Theo Guardian, câu hỏi duy nhất đáng quan tâm hiện nay về vụ đóng cửa khu trại Calais gây nhiều hỗn loạn, khiến không ít đứa trẻ vốn chỉ có một thân một mình lưu lạc phải ngủ ngoài trời, đó là hệ quả của sự thiếu năng lực hay của một chính sách được cân nhắc, tính toán từ trước. Ngày 10/10, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Bernard Cazeneuve nhằm mục đích chốt lại các kế hoạch đóng cửa khu trại di cư, họ đã khẳng định cùng nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự an toàn cho tất cả trẻ em trong suốt chiến dịch dọn dẹp Jungle.

Thế nhưng, người ta đồ rằng có lẽ chẳng có lấy cuộc thảo luận chi tiết nào về những khả năng sẽ xảy ra trên thực tế. Đại sứ Pháp tại Anh Sylvie Bermann hồi đầu tuần tiết lộ rằng chính phủ Anh đã bác yêu cầu đưa toàn bộ trẻ “đơn thân” trong làn sóng di cư về Anh trước khi khởi động chiến dịch đóng cửa khu trại.

Bà nói: “Điều mà chúng tôi yêu cầu chính phủ Anh là tiếp nhận tất cả trẻ không có người lớn đi cùng, và họ trả lời rằng họ muốn nghiên cứu các trường hợp và kiểm tra xem những đứa trẻ có gia đình, thân nhân ở Anh hay không đã. Việc này người Pháp không thể rõ được, bởi thế chúng tôi chuyển danh sách cho chính phủ Anh và giờ họ sẽ phải xử lý”.

Và kết quả là phần đông trong số những đứa trẻ di cư tại khu lán trại tạm bợ không nằm trong danh sách 200 trường hợp được đưa tới nước Anh hồi tuần trước. Thay vào đó, chúng bị bỏ lại khu trại, chờ người ta “định đoạt” trong khi quá trình phá hủy lán trại vẫn diễn ra xung quanh. 

Kế hoạch duy nhất có vẻ như đã được các nhà chức trách thực thi đó là sử dụng các công-te-nơ vận tải để làm nơi trú ẩn tạm thời, che mưa che nắng cho lũ trẻ ngay tại nơi này, khi mà những “cư dân” trưởng thành cũng đã lần lượt thu dọn rời đi. Thế nhưng, đúng là hàng trăm đứa trẻ được “chăm sóc” theo cách thức trên để có chỗ ngả lưng khi màn đêm buông xuống mà không phải quá lo lắng về thời tiết, côn trùng,…, song vẫn còn hơn 100 em lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất.

Vô tình hay hữu ý?

Tình cảnh đáng buồn này đã gây nên làn sóng phản ứng từ các tổ chức thiện nguyện, nhân viên tình nguyện tại hiện trường và cả giới chính khách Anh. Bộ Nội vụ nước này trung trinh với quan điểm rằng họ không có quyền hạn để hoạt động trên lãnh thổ Pháp và nhấn mạnh trước đó đã đề nghị hỗ trợ nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trong quá trình tháo dỡ khu trại.

Tuyên bố của cơ quan này cũng nói thêm rằng người đứng đầu ngành nội vụ Pháp Cazeneuve đã cam kết cụ thể với bà Rudd. Theo đó, chính phủ Pháp sẽ tiếp tục đảm nhận trách nhiệm đối với toàn bộ trẻ em ở Calais trong thời gian diễn ra chiến dịch “dọn dẹp” - kể cả những đứa trẻ đang trong quá trình kiểm tra, xem xét về khả năng được chuyển sang Anh.

Nhưng phản ứng có phần vội vã và chậm trễ này khó có thể thỏa mãn nhiều người. Trong vài tuần qua, các tổ chức từ thiện và chính trị gia tại Anh đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ trẻ di cư đi lạc và đối diện rủi ro rơi vào bàn tay đen tối của những kẻ buôn người khi chốn nương thân của các em không còn nữa.

Bản chất “phút chót”, “vớt vát” trong phản ứng vừa rồi của Bộ Nội vụ Anh càng được tô đậm khi nhớ lại rằng, chính phủ nước này mãi đến ngày 14/10 mới đưa ra yêu cầu chính thức đối với các chính quyền địa phương về việc tìm kiếm nơi cư ngụ cho những đứa trẻ di cư thuộc diện được tái định cư theo một luật sửa đổi, trong đó quy định nội dung tái định cư tại Anh cho 3.000 trẻ em cơ nhỡ khắp châu Âu.

Thủ tướng Anh Theresa May có quan điểm cứng rắn đối với người di cư ở Calais. Ảnh: PA.
Thủ tướng Anh Theresa May có quan điểm cứng rắn đối với người di cư ở Calais. Ảnh: PA.

Nhớ lại 1 năm trước, Thủ tướng Anh Theresa May từng phát biểu nêu rõ những người đặt chân đến Calais không đáng được xem là người di cư và tuyên bố đường hướng cứng rắn hơn, theo đó chỉ cung cấp sự bảo hộ tạm thời tại Anh cho những người di cư “xứng đáng” nhất.

Chính sách mới này khi ấy đã được James Brokenshire - Bộ trưởng phụ trách vấn đề an ninh và nhập cư lúc bấy giờ nêu trước Quốc hội Anh vào tháng 2, khẳng định Bộ Nội vụ sẽ “rắn hơn” với những người có thể xin cơ chế tị nạn tại quốc gia khác trước.

Và như vậy, đến thời điểm hiện nay, có thể bà May đã thành công giữ cho nước Anh tránh khỏi cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đang hoành hành giữa lục địa già. Thế nhưng, quốc gia này lại đang tranh cãi chưa dứt về việc có nên chăng dang tay đón nhận thêm vài trăm đứa trẻ vào lãnh thổ Anh. Hình ảnh trẻ di cư nằm co quắp ngoài trời khi màn đêm buông xuống, có thể không phải là hậu quả cố ý, nhưng rõ ràng là hệ quả của một chính sách dụng tâm.

Phú Bình

(Theo Guardian)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới