Nhìn lại vai trò của Nga trên bản đồ thế giới qua chặng đường 70 năm lịch sử

(Baonghean) - Nhân sự kiện Liên bang Nga tổ chức kỷ niệm trọng thể 70 năm ngày chiến thắng phát xít 9/5/1945 - 9/5/2015, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Công an để cùng nhìn lại, đánh giá vai trò của Nga trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua của nhân loại.

Các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô vẫy cờ thể hiện chiến thắng tại Berlin (Đức) ngày 30/4/1945, đây cũng là ngày Adolf Hitler tự tử. 	Ảnh Internet
Các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô vẫy cờ thể hiện chiến thắng tại Berlin (Đức) ngày 30/4/1945, đây cũng là ngày Adolf Hitler tự tử. Ảnh Internet
P.V: Xin Thiếu tướng nhắc lại đôi nét đáng chú ý về Đại chiến thế giới lần thứ II, cũng như đưa ra nhận định về tầm quan trọng của Liên bang Nga, trước là Liên bang Xô Viết trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít? 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II diễn ra từ năm 1939 đến năm 1945, mà những mầm mống của cuộc chiến tranh mang tính chất đế quốc này trên thực tế đã nhen nhóm từ năm 1938. Tuy nhiên đến thời kỳ sau của cuộc chiến, cục diện có sự thay đổi, trở thành cuộc đối đầu giữa phe Đồng Minh bao gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc chống lại phát xít Đức và Nhật. Về không gian, cuộc chiến này diễn ra trên bốn châu lục: châu Á, châu Phi, châu Úc, châu Mỹ và trên bốn vùng biển: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Có tổng cộng 72 quốc gia trên thế giới liên quan và 1,7 tỷ người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, tức 60% nhân loại trên địa cầu, lực lượng tham chiến của các bên là 110 triệu quân. Cuộc chiến đã khiến 55 triệu người chết, 20 triệu người bị tàn phế, tốn kém 316 tỷ đô la Mỹ. Đây cũng là cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại. 
Sự kiện chính thức mở màn đại chiến là cuộc tấn công đánh chiếm Ba Lan của phát xít Đức vào tháng 9 năm 1939. Tháng 6 năm 1941, có 190/214 sư đoàn của Đức được huy động với quân số lên đến 5,5 triệu quân đánh vào Liên Xô. Tuy nhiên, vào năm 1942 và 1943, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức trong hai chiến dịch lớn Mát-xcơ-va và Stalingrad. Từ đây cục diện đại chiến thay đổi, ý định đánh nhanh thắng nhanh của quân phát xít bị thất bại, rơi vào thế phòng thủ bị động trước khi hoàn toàn bị đánh đuổi khỏi lãnh thổ Liên bang vào năm 1944.
Trong bối cảnh Hồng quân Liên Xô làm chủ chiến trường, phe phát xít suy yếu, Liên quân Anh - Pháp đã mở ra mặt trận thứ hai ở miền Bắc nước Pháp. Đến đầu tháng 5 năm 1945, Liên quân Anh - Pháp - Mỹ chiếm miền Tây, Hồng quân Liên Xô chiếm miền Đông Đức. Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngoài ra, một số sự kiện nổi bật khác của Đại chiến thế giới lần II có thể kể đến như Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đội quân Quan Đông - lực lượng chủ chốt của quân phát xít Nhật (tháng 8 năm 1945); Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản;…
Nhìn lại những mốc sự kiện chính của Đại chiến thế giới II, có thể khẳng định Liên Xô có vai trò vô cùng to lớn, mang tính quyết định trong đánh bại chủ nghĩa phát xít. Nên nhớ rằng Liên Xô là cái đích lớn đầu tiên mà quân phát xít nhắm vào, dồn toàn lực để tiêu diệt, bởi chiếm được Nga là đã đặt được một chân lên bàn đạp giày xéo cả châu Âu, thậm chí vươn sang châu Á. Sự kháng cự mạnh mẽ và vững vàng của Liên Xô trước làn sóng tấn công mang chủ đích phủ đầu đã gây hiệu ứng ngược, làm nguội đi tham vọng bá quyền tốc chiến, tốc thắng rồi dần dần đẩy Đức từ thế chủ động tấn công sang thế bị động phòng thủ. Lúc cục diện đã xoay chuyển, Anh, Pháp, Mỹ mới “nhảy vào” phụ hoạ.
Ngay đến một sự kiện gây nhiều tiếng vang trong lịch sử - cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - là việc Mỹ đánh bom nguyên tử 2 thành phố của Nhật Bản, về bản chất cũng không mang tính quyết định dẫn đến việc phát xít Nhật đầu hàng. Trước đó, Hồng quân Liên Xô đã “bóp nát” xương sống của quân đội Nhật là đội quân Quan Đông rồi, và việc Nhật đầu hàng là điều tất yếu. Một bằng chứng khác cho thấy sự đóng góp to lớn của Liên Xô trong cuộc Đại chiến này là trong tổng số 55 triệu người thiệt mạng, có đến 25 triệu người Liên Xô. Vết thương mà chiến tranh để lại cho Liên Xô là cực kỳ lớn, đó là một sự thật lịch sử không ai có thể bàn cãi và phải tôn trọng. 
P.V: Thưa Thiếu tướng, còn nhớ năm 2010, Nga cũng đã tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít, với sự tham gia duyệt binh của các đơn vị vũ trang đến từ các quốc gia quân Đồng minh và sự có mặt của 55 nguyên thủ quốc gia tại Quảng trường Đỏ. Trong khi đó, lễ kỷ niệm năm nay được đánh giá là tổ chức trọng thể hơn, nhưng lại vắng mặt các quốc gia quân Đồng minh. Liệu có bất thường không, khi mà chiến thắng chủ nghĩa phát xít vẫn luôn được xem là niềm tự hào chung, là kết quả của cái bắt tay lịch sử giữa các thế lực có quan hệ phức tạp trên thế giới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sự liên tưởng, so sánh và đặt câu hỏi này không hề vô lý. Chúng ta nhớ lại năm 2010, sự kiện này không chỉ được kỷ niệm một cách long trọng ở Nga với sự hiện diện của các quốc gia tham chiến, mà còn được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác. Đó là cuộc họp trọng thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại trụ sở chính ở New York, Mỹ dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Ban Ki Moon. Đó là Hội nghị “Từ đầu hàng đến hợp tác: Đức, Nga và châu Âu, 65 năm chiến tranh thế giới thứ II” tổ chức ngày 6/5/2010 tại Đức.
Ngày 9/5/2010, ở Mỹ và hầu hết các nước châu Âu đều tổ chức các hoạt động mít-tinh, hội nghị, hội thảo kỷ niệm chiến thắng phát xít. Tuy nhiên, 5 năm sau, không khí đó dường như không còn nữa. Nước Nga vẫn tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm, nhưng vắng bóng đoàn quân của các nước Đồng minh cũng như nguyên thủ quốc gia của 28 nước châu Âu trên Quảng trường Đỏ. Đó là cả một câu hỏi lớn mà theo tôi, câu trả lời nằm ở tình trạng mối quan hệ lạnh nhạt giữa Nga và phương Tây, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraina. 
Một mặt, có thể đặt câu hỏi, phải chăng các nhà lãnh đạo phương Tây đã đặt “tình cảm” lên trên lí trí, trên một sự thật lịch sử là Nga xứng đáng được tôn vinh sau những đóng góp to lớn vào công cuộc giải cứu nhân loại khỏi thảm hoạ phát xít. Nhưng mặt khác, vẫn nên nhớ rằng ở tầm thế lực và ảnh hưởng của các quốc gia lớn ấy, chắc chắn không có một động thái nào mà lại xuất phát từ tình cảm đơn thuần. Qua đây, hẳn họ muốn “dằn mặt” Nga, thể hiện rõ thái độ cô lập Nga, từ kinh tế, an ninh, chính trị và cho đến cả lịch sử.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm sự kiện trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan vào hồi tháng 1, thậm chí quan chức Ba Lan còn tuyên bố không phải người Nga mà người Ukraina mới có công giải phóng trại Auschwitz - điều khiến Nga hết sức bất bình. Có thể nói, đây là một “chiến lược” cô lập mới mà phương Tây dùng để trừng phạt Nga, bởi nếu lịch sử bị bôi xoá, bóp méo, cũng chính là đe doạ đến vị trí của một quốc gia trong hiện tại và cả tương lai. 
P.V: Có vẻ như Nga “bỏ ngoài tai” sự lạnh nhạt của phương Tây khi vẫn tổ chức, thậm chí còn tổ chức long trọng hơn mọi năm lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít. Theo Thiếu tướng, có phải người Nga đang muốn phát đi một thông điệp nào đó?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhận định cá nhân của tôi cũng nghiêng về khả năng đó. Thứ nhất, chắc chắn thông qua sự kiện này, Nga muốn nhắc nhở, khơi gợi lòng tự hào dân tộc cũng như ý chí kiên cường, bền bỉ của người Nga, vững lòng bước qua quãng thời gian không mấy êm ả này. Đúng là nền kinh tế Nga đã bị suy yếu, nước Nga bị cô lập trên đấu trường chính trị thế giới, nhưng so với mối đe doạ mang tên phát xít mà Nga phải đối mặt những năm 40 thì mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an nguy quốc gia hiện nay chưa thể sánh bằng. Trên thực tế, gợi nhắc và tôn vinh quá khứ để cổ vũ, khích lệ, trấn an hiện tại là điều mà quốc gia nào trên thế giới cũng làm, nên làm và phải làm. 
Còn về mục đích đối ngoại, tất nhiên qua đây Nga muốn chứng tỏ cho phương Tây thấy hai điều: thứ nhất, Nga không ngại sự phủ nhận, cô lập. Trong quá khứ, Nga hầu như đã một mình “đứng mũi chịu sào” trong cuộc chiến chống phát xít và đã đưa cuộc chiến đi đến thắng lợi. Vậy thì hiện nay, Nga có bị cô lập đi chăng nữa, vẫn là một thế lực lớn trên thế giới mà các quốc gia khác phải dè chừng. Thứ hai, về mặt lịch sử, người Nga khẳng định với thế giới: Chiến thắng này phần lớn do công của họ, đó là một sự thật không thể nào chối bỏ và bất chấp những dự định, luận điệu phủ nhận, bài xích, sự thật đó sẽ vẫn tồn tại mãi với thời gian. 
Người Nga có quá tự cao khi phát đi thông điệp trên? Tôi cho là không. Bởi thực tế, thế giới rất cần họ, điều đó đã được chứng minh trong quá khứ thông qua cuộc Đại chiến thế giới lần II và vẫn giữ nguyên giá trị ở hiện tại. Những điểm nóng an ninh - chính trị trên thế giới như Ukraina, Syria, Iran,…làm sao giải quyết được nếu không có Nga? Vậy nên, ngay cả trong bối cảnh mối quan hệ phương Tây và Nga xuống đáy, cục diện chính trường thế giới có những vận động mới khó lường, thì một điều chắc chắn là Nga sẽ không bao giờ bị xoá tên khỏi bàn cờ chính trị thế giới. Sau chặng đường lịch sử 70 năm, thế giới chứng kiến nhiều thay đổi nhưng có lẽ vai trò quan trọng của Nga trong cân bằng các cực chi phối thế giới là vẫn còn nguyên giá trị. 
P.V: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!
Thục Anh
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới