Nga đệ trình chủ quyền lên Liên Hợp Quốc: Bắc Cực nóng dần

(Baonghean.vn)- Nga vừa trình Liên hợp quốc đơn mở rộng thềm lục địa tại khu vực rộng tới 1,2 triệu km2 ở Bắc Cực. Động thái khiến Bắc Cực có thể “nóng” dần lên trong bối cảnh khu vực giàu tài nguyên dầu khí này đang thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt không chỉ của các quốc gia quanh Bắc Cực mà cả các quốc gia không tiếp giáp Bắc Cực.

Tàu
Tàu phá băng hạt nhân Yamal của Nga hoạt động tại vùng biển Bắc Cực - Ảnh:Telegraph

Miếng bánh béo bở

Theo một số nghiên cứu, Bắc Cực được giới địa chất cho là chứa 30% trữ lượng khí đốt thiên nhiên và 15% dầu mỏ của Trái Đất. Hiện các nước Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đều muốn có chủ quyền đối với khu vực Bắc Cực, thậm chí cả những quốc gia ngoài khu vực này như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản ... cũng bày tỏ sự quan tâm tới Bắc Cực. Hiện nay, điều phối các hoạt động ở Bắc cực là Hội đồng Bắc Cực (AC), bao gồm 8 nước là Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga.

Quá tình tan băng và sự phát triển của các tàu phá băng ở Bắc Cực còn cho phép rút ngắn các tuyến đường biển vì có thể đi thẳng qua Bắc Cực mà không cần vòng xuống phía Nam. Vào năm 2010, chỉ có 4 chiếc tàu chở 111.000 tấn hàng hóa đi theo tuyến đường qua Bắc cực. Nhưng đến năm 2012, đã có đến 46 chiếc di chuyển theo tuyến đường này, chở theo 1,26 triệu tấn hàng. Do đó, Bắc Cực còn có tiềm năng trở thành tuyến đường biển quan trọng, việc kiểm soát được tuyến đường biển này sẽ là một lợi thế rất lớn không những về kinh tế mà còn về an ninh quốc phòng.

Hiện nay, tại khu vực Bắc cực đang diễn ra các hoạt động tranh đoạt dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản và một số tài nguyên thiên nhiên khác tuy ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt. Trong đó, cuộc chạy đua tranh giành Bắc Cực đang diễn ra mạnh mẽ giữa 5 quốc gia tiếp giáp trực tiếp với khu vực này bao gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Nga.

Nga chiếm ưu thế trong “cuộc đua” tại Bắc Cực

Nga đã từng trình lên Liên Hợp Quốc tuyên bố chủ quyền đối Bắc Cực vào năm 2002, song đã bị Liên Hợp Quốc trả lại vì thiếu chứng cứ. Năm 2007, Nga đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền mang tính biểu tượng bằng cách dùng tàu ngầm nhỏ để thả một hộp chứa quốc kỳ Nga xuống đáy biển ở Bắc Cực. Theo đánh giá của các nhà phân tích, Nga hiện có 25 tàu phá băng, 6 chiếc trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thậm chí kênh Fox News còn trích dẫn tuyên bố của vị đại diện đặc biệt đầu tiên của Mỹ ở Bắc Cực, Đô đốc Robert Papp - cựu Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ - khẳng định Nga có hơn 40 tàu phá băng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi Bắc Cực là vùng "lợi ích đặc biệt" của Nga và tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây. Chính phủ Nga còn có kế hoạch chi hơn 4,3 triệu USD để phát triển Bắc Cực trong giai đoạn 2015 - 2020. Đầu năm 2015, quân đội Nga đã tiến hành tập trận quy mô lớn ở Bắc Cực với sự tham gia của 38.000 binh sĩ và hơn 50 tàu nổi, tàu ngầm và 110 máy bay. Điện Kremlin còn cho biết, Nga sẽ tăng cường hải quân ở Bắc Cực như một phần của chính sách quân sự mới. Theo như lời của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin thì kế hoạch sẽ bao gồm một hạm đội tàu phá băng mới. Ngoài ra, Trung tướng Mezentsev, chủ nhiệm Trung tâm quản lý phòng thủ quốc gia Nga từng tuyên bố, Moscow sẽ xây dựng 13 sân bay, 10 trạm radar ở khu vực Bắc Cực

Bắc Cực “nóng” dần

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú và có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng, Nga là quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu và khai thác tại khu vực Bắc Cực. Nga là quốc gia có chủ quyền rộng nhất ở vùng biển xung quanh Bắc Cực do lãnh thổ quốc gia này kéo dài từ Tây sang Đông. Theo Bộ Ngoại giao Nga, đơn xin mở rộng thềm lục địa mới lần này chứa nhiều dữ liệu hơn và được điều chỉnh theo các khuyến cáo của Ủy ban về ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc. Để chứng minh cho quyền của mình tại khu vực thềm lục địa nêu trên, Nga đã sử dụng rất nhiều các số liệu thu thập được từ những nghiên cứu, khảo sát khoa học dài hạn.

Với lần đệ trình này, Nga muốn tuyên bố chủ quyền với diện tích 1,2 triệu km2 thềm lục địa Bắc Cực. Động thái mới này của Nga cho thấy, Moscow muốn đi trước trong việc xác lập chủ quyền tại Bắc Cực. Thực tế, cường quốc có khả năng cạnh tranh lớn nhất với Nga ở Bắc Cực là Mỹ đang “ở thế yếu” so với Nga. Trong khí đó, Mỹ lại đang vướng bận ở nhiều khu vực trên thế giới và để Nga chiếm ưu thế vượt trội tại Bắc Cực. Mỹ mới đây cũng thừa nhận không thể cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực và Nga đang chinh phục khu vực đầy triển vọng này một cách thành công hơn nhiều. Nếu so sánh cán cân hiện nay, Mỹ chiếm ưu thế hơn Nga ở Trung Đông và ở châu Á – Thái Bình Dương về tầm ảnh hưởng. Hải quân Nga cũng khó so sánh về tầm hoạt động với hải quân Mỹ ở hai đại dương lớn là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Do đó, Bắc Cực chính là nơi Nga có thể chiếm ưu thế so với Mỹ. Việc mở rộng lãnh thổ tại Bắc Cực sẽ mang lại cho nước Nga lợi thế lớn trong cuộc đua địa chính trị toàn cầu.

Việc “sốt sắng” đệ trình tuyên bố chủ quyền lên Liên Hợp Quốc còn cho thấy tầm nhìn xa của Nga khi ngoài các đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở khu vực còn có các thế lực bên ngoài đang “nhòm ngó” Bắc Cực như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu... Khi xác lập trước được chủ quyền ở Bắc Cực, Nga sẽ “rảnh rang” hơn để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các cường quốc ở các khu vực khác trên thế giới, qua đó tăng cường lại vị thế của mình. Nước Nga với sức mạnh quân sự và tiềm lực của mình có khả năng sẽ ngày càng quyết đoán hơn trong cuộc đua chủ quyền tại Bắc Cực. Có được lãnh thổ tại Bắc Cực, không những Nga gia tăng thêm nguồn cung dầu khí dồi dào của mình mà còn củng cố tuyến phòng thủ phía Bắc về an ninh quốc phòng.

Song, chặng đường đến với chủ quyền 1,2 triệu km2 ở Bắc Cực của Nga có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Liên Hợp Quốc sẽ cần nhiều thời gian để có thể xác minh các luận cứ của Nga. Trong khi đó, các quốc gia tiếp giáp Bắc Cực khác như Đan Mạch, Na Uy, Mỹ và Canada chắc chắn sẽ “không ngồi yên” trước động thái mới này của Nga tại Bắc Cực. Bộ Ngoại giao Canada hôm 5/8 đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ yêu cầu chủ quyền này của Nga. Bên cạnh đó, Hội đồng Bắc Cực với 8 quốc gia thành viên và hơn chục quốc gia quan sát viên cũng có thể sẽ đưa ra các phản ứng. Do đó, cuộc đua ngầm tại Bắc Cực giữa các cường quốc vốn đã diễn ra âm thầm từ trước, nay lại có lý do để trở nên quyết liệt hơn. Trong khi chưa có phân định rõ ràng tại Bắc Cực, động thái yêu cầu chủ quyền của Nga có thể sẽ khiến “độ nóng” của Bắc Cực tăng lên./.

 Nguyễn Cao Biền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới