Thổ Nhĩ Kỳ: then chốt giải quyết khủng hoảng?

(Baonghean) - Chưa bao giờ Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong xử lý nhiều vấn đề của khu vực như hiện nay, từ cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho đến cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đóng vai trò là “cầu nối” mà còn là nhân tố quan trọng giúp giải quyết những vấn đề bế tắc của không chỉ Trung Đông mà còn cả châu Âu. 

“Bức tường” ngăn người nhập cư vào châu Âu…
Hơn lúc nào hết, châu Âu đang hướng sự quan tâm đặc biệt đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hiện đã sẵn sàng đưa Ankara vào danh sách "các nước an toàn". Thậm chí, EU vừa mới hoãn công bố một bản báo cáo được cho là mang nội dung chỉ trích vấn đề dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại sao lại như vậy? Đơn giản bởi Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một “bức tường” chắn dòng người di cư đang ồ ạt đổ về Lục địa già khiến châu lục này “ăn không ngon, ngủ không yên” suốt mấy tháng qua. 
Nhiều người tị nạn Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tới châu Âu. 	Ảnh: AP
Nhiều người tị nạn Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tới châu Âu. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có đường biên giới trực tiếp với Syria và cũng là nút chặn đầu tiên của châu Âu đối mặt với dòng người tị nạn đổ về. Hiện có đến 2,2 triệu người Syria lánh nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, nên nếu không hợp tác tốt với quốc gia, châu Âu sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Theo ước tính của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thì trong năm 2015 sẽ có ít nhất 700.000 người tị nạn Syria tràn vào châu Âu, và 2016 cũng có con số tương tự.
Đó cũng là chủ đề chính của cuộc Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chương trình nghị sự cũng là cuộc “mặc cả” để Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra giải quyết vấn đề người tị nạn. Kết quả, châu Âu đồng ý hỗ trợ tiền, kèm theo việc đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và mở ra các chương mới trong tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải “giữ chân” người di cư từ Syria, ngăn không cho họ vượt sang châu Âu. Theo thỏa thuận, số tiền hỗ trợ sẽ dành để tạo lập các trại tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ trẻ em của các gia đình di cư đi học và chữa bệnh. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn rằng số tiền 3 tỷ euro mà Liên minh châu Âu đề xuất là “vô nghĩa”, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 8 tỷ euro (khoảng hơn 9 tỷ đô la) để hỗ trợ người tị nạn trong thời gian qua. 
Theo các nhà phân tích, nếu châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận thì sẽ không có bất kỳ giải pháp thay thế nào khác, dòng người di cư từ Syria và các nước Trung Đông, Bắc Phi sẽ tiếp tục đổ về Liên minh châu Âu. Vì thế, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Istanbul hôm Chủ nhật (18/10) không nằm ngoài mục đích thương thuyết với Thổ Nhĩ Kỳ. Dù chưa có một thỏa thuận chi tiết nào được công bố nhưng lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định “đã đạt bước tiến trong vấn đề nhập cư”. 
… và chống IS
Bên cạnh cuộc khủng hoảng di cư, Thổ Nhĩ Kỳ còn là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giới phân tích cho rằng, nếu có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu, Mỹ và liên quân sẽ có nhiều cơ may để sớm thay đổi cục diện của cuộc chiến nhằm vào tổ chức khủng bố nguy hiểm này. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có đường biên giới sát Syria, là thành viên NATO, được đánh giá có tiềm lực quân sự mạnh toàn diện. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 612.000 binh sĩ thường trực và 429.000 quân dự bị. Ngân sách quân sự hàng năm vào khoảng 25 tỉ USD.
Một máy bay vận tải C-5 Galaxy của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/8. Ảnh: Reuters
Một máy bay vận tải C-5 Galaxy của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/8. Ảnh: Reuters
Sau một thời gian dài do dự, tháng 7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Sau đó một tháng, các máy bay chiến đấu của Mỹ bắt đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để không kích tiêu diệt các tay súng IS. Mỹ nhận định sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến chống IS. 
Không chỉ Mỹ, khi Nga thực hiện các vụ không kích chống IS tại Syria, Moscow cũng kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với NATO và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Điều đó cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ trở thành lực lượng tấn công IS hiệu quả mà còn là “bức tường” ngăn chặn sự bành trướng của lực lượng Hồi giáo cực đoan này ra các khu vực khác. 
Với việc trở thành một nhân tố quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông, Bắc Phi sang châu Âu, cộng với việc trở thành lực lượng hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ vai trò và vị thế ở khu vực và rất có thể là chiếc “chìa khóa” góp phần giải quyết bất ổn ở một trong những điểm nóng nhất của hành tinh.
Thanh Huyền
TIN LIÊN QUAN

Tin mới