'Biển đổi màu?'

(Baonghean) - Thế giới đang đổi màu từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh”. Thị trường toàn cầu hóa đã, đang và sẽ đi theo những chuỗi giá trị cung - cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững.

cá chết, cá chết hàng loạt, biển miền trung, ô nhiễm môi trường biển, Formosa, Formosa xả thải,
Cá chết hàng loạt, ô nhiễm biển miền trung do Formosa xả thải.

Tức đạt được trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái, ưu tiên cho duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, nhất là những nguồn tài sản thuộc sở hữu chung, mang lại lợi ích cho mọi người; đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau. 

Việt Nam cần phát triển kinh tế xanh và cả duy trì biển xanh. Ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 432/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Theo đó, Việt Nam chủ trương coi phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân.

Ngày 25 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng cho các ngành, các địa phương hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Ngư dân thiệt hại nặng nề sau sự cố cá chết hàng loạt.
Ngư dân thiệt hại nặng nề sau sự cố cá chết hàng loạt.

Vậy mà, kế hoạch chưa vào hiện thực, đã có sự nhân danh phát triển kinh tế đang hủy hoại môi trường. Tôi có mặt ở Khu công nghiệp Vũng Áng trưa ngày 3/7/2016. Cả khu vực Cảng Vũng Áng rộng lớn vắng hoe, xơ xác, buồn đìu hiu, không một bóng thực khách và thưa thớt vài người dân địa phương. Các dãy quán vắng lặng, không bàn ghế, chỉ có hàng loạt biển tên quán vẫn tươi màu “xin chào quý khách”. Lác đác mấy em nhỏ gầy đen đang uể oải ngồi đập bẹp những vỏ lon bia, nước ngọt cũ được nhặt và tích đống từ bao giờ. Trên mặt biển không bóng tàu cá.

Một người đàn bà nhỏ thó, khắc khổ thấy chúng tôi đứng trên đường chụp ảnh thì vồn vã mời xuống quán thuyền. Bà thừa nhận cũng chả ai dám ăn cá bà chào mời, dù chúng đều đang bơi. Giọng buồn thiu, bà bảo từ mấy tháng nay, mỗi hộ dân như bà chỉ nhận được duy nhất một lần 500.000 đồng hỗ trợ từ địa phương thôi, còn tới đây chả biết trông cậy vào đâu để sinh sống nữa. Một số người dân ở đây đi khám lao động xuất khẩu đã bị trượt vì cơ thể nhiễm chì và độc tố khác trên biển…

Qua cổng Công ty Fomosa, cũng thấy vắng hoe, chỉ có một tốp chừng vài chục người mặc sắc phục của 2 - 3 lực lượng bảo vệ đang ngồi ngay cổng nói chuyện và uống nước chè vặt. Nhìn thái độ cảnh giác của họ, tôi cũng ngại hỏi chuyện, chắc họ có nhiệm vụ phòng ngừa người dân hay ai đó vào công ty phản đối, gây bất ổn trật tự xã hội. Nhân danh một “nền đại công nghiệp thép hiện đại”, người ta đang tâm dối lừa, lạnh lùng và lặng lẽ cố tình giết chết hệ sinh thái biển, nền kinh tế biển và sinh kế của hàng triệu con người.

toàn cảnh cá chết
Những tỉnh có cá biển chết do Formosa xả thải.

Biển chết khiến hàng loạt ngành, nghề kinh doanh chết theo, từ người nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản và các sản vật biển; đến ngành du lịch và dịch vụ liên quan đến các hoạt động và đối tượng trên. Một đại gia hàng đầu tỉnh Hà Tĩnh về kinh doanh siêu thị hàng điện máy đã buồn bã chỉ cho tôi xem hàng trăm máy điều hòa và tủ trữ đông bị “đắp chiếu” trong kho suốt mấy tháng qua, doanh thu thời vụ năm nay không bằng một nửa năm ngoái, do biển hết cá, ngư dân hết ra biển và hết tiền, hết luôn nhu cầu mua hàng của ông. Hàng đắp chiếu trong khi, còn lãi suất ngân hàng đang rục rịch tăng càng khiến tóc bạc thêm trên đầu ông.

Món tiền phạt 500 triệu USD và những lời xin lỗi muộn màng là quá nhẹ với tội giết chết hệ sinh thái cả một vùng biển rộng lớn hàng trăm km2 và là sinh kế cả đời của hàng triệu dân. Hệ quả này còn có thể kéo dài trong ít nhất 2-3 thế hệ tương lai. Người dân địa phương và công luận cả nước bức xúc và đòi hỏi cần phải có thêm những điều tra đánh giá tác động ô nhiễm hóa chất cho môi trường và hậu quả do nó gây ra toàn diện, sâu sắc, đầy đủ hơn để bắt kẻ chủ mưu trả giá đích đáng hơn.

Cá chết kéo dài trên nhiều km dọc bờ biển Diễn Châu và TX Hoàng Mai. (Ảnh chụp trưa 12/5)
Cần siết chặt hơn công tác quản lý để không xảy ra sự cố tương tự.

Đồng thời, cần xiết chặt, cụ thể hơn những quy định và chế tài nghiêm khắc hơn, để thảm họa không được phép tái diễn dưới mọi dạng và quy mô cấp độ. Đặc biệt, cần sớm rà soát, tìm ra và trừng trị nghiêm khắc những kẻ có thẩm quyền, do vô cảm, vô trách nhiệm hoặc vô tình hay cố ý vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mình, mà tiếp tay cho kẻ ác gây họa. 

Anh bạn đi cùng tôi xuống KCN Vũng Áng cho rằng dẫu buồn, nhưng cũng an lòng và tin vào quyết tâm, trách nhiệm của Chính phủ khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Sau việc này, Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa… Chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Không vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư, mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân, không vì kinh tế mà hy sinh môi trường"…

Đó cũng là trách nhiệm và lời hứa của mỗi người dân Việt hôm nay với các thế hệ mai sau!

TS.Nguyễn Minh Phong

TIN LIÊN QUAN