Trẻ hóa tư duy

(Baonghean) - Có một việc nhiều người biết và đã nhiều người bàn. Đó là vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành.
Nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Khi được hỏi về vấn đề này thì ai cũng nói là cần phải quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí nhiều người trẻ vào các vị trí chủ chốt, quan trọng để tạo sức bật mới, nhanh và mạnh hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách và các giải pháp phát triển đất nước. Vì lẽ, trẻ thường khỏe, năng động, nhanh nhẹn, táo bạo và có có nhiều sáng tạo. Táo bạo đi cùng sáng tạo thường tạo ra các bước tiến có tính chất nhảy vọt. Đất nước ta, dân tộc ta muốn sánh vai các cường quốc năm châu, thì chỉ có một cách duy nhất là tạo ra các bước phát triển nhảy vọt; bởi “người ta” đã tiến xa hơn ta một khoảng cách khá lớn...
Vì thế, rất cần tới sức trẻ ở trong tất cả mọi lĩnh vực. Đó là lý do tại sao trong khá nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhắc nhiều đến vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ và trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tới đây cũng đã nêu rất rõ là tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là cán bộ trẻ. Thế nhưng, nói thì dễ mà làm thì rất khó. Bằng chứng là trong nhiều nhiệm kỳ qua, dù đã ban hành các chỉ thị quy định cụ thể về số lượng cán bộ trẻ tham gia cấp ủy khóa mới, nhưng rất ít nơi bảo đảm được tỷ lệ cán bộ trẻ theo quy định. Mới đây nhất, Đại hội Đảng bộ một số tỉnh, thành phố đã bầu một số cán bộ tuổi đời còn rất trẻ vào những vị trí chủ chốt, đứng đầu địa phương, sở, ngành. Thế là cả xã hội như sôi lên. Trên các diễn đàn, các trang báo giấy, báo mạng xuất hiện gần như liên tục các bài viết phản ánh, các ý kiến bình luận về lớp cán bộ mới toanh và trẻ trung này. Người ta bàn tán, bình luận, tranh luận dưới dủ mọi góc nhìn, khía cạnh khác nhau. Một luồng thì nghi ngờ năng lực thật của những người trẻ sớm thành danh đó, vì cho là dựa vào gia thế hơn là vào tài năng. Một luồng thì không săm soi lý lịch mà cho là chưa có nhiều cống hiến mà đã ngồi ở ngôi cao trên nhiều người có bề dày công tác, kinh nghiệm, thì e là chưa hợp lẽ đời. Một luồng nữa là phấn khởi, ủng hộ, coi đó là những kết quả của sự táo bạo, thành công mới trong công tác nhân sự của đại hội. Song các ý kiến ở luồng này ít hơn hẳn hai luồng kia.    
Với những gì đang xảy ra chung quanh việc bố trí nhân sự ở cấp tỉnh trong thời gian vừa qua, đủ để thấy trong suy nghĩ của không ít người vẫn nặng tính cổ hủ theo kiểu “khôn đâu đến trẻ”. Chen vào đó cả tính đố kỵ, săm soi khi lật giở lý lịch gia đình và lấy đó làm bằng chứng để coi việc đưa người trẻ lên là thiếu sức thuyết phục. Và lối suy nghĩ phải “sống lâu” mới được lên “lão làng” vẫn đang ngự trị trong trí óc của không ít người... Không thể trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt được nếu vẫn giữ lối tư duy thủ cựu, già nua, cũ kỹ đó. Cho nên, để công cuộc trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt kết quả như mong muốn. Đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thời cuộc, thì cần có một cuộc cách mạng trong nhận thức của nhiều người và cả trong đội ngũ công bộc của dân nữa.
Gần 30 năm trước, nhờ đổi mới tư duy mà đất nước ta mới đạt được mức phát triển như hôm nay. Và để nhanh chóng tạo được thành quả lớn hơn nữa trong xây dựng và phát triển đất nước mà không cần phải đợi tới 30 năm nữa, cần phải có thêm một lần thay đổi tư duy. Đó là tư duy về nhân sự trẻ ở các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Nói chính xác là cần phải trẻ hóa tư duy thì mới có thể sớm thực hiện thành công công tác trẻ hóa đội ngũ cán bộ.
Duy Hương