Trung Quốc bắt đầu ủng hộ lệnh cấm vận với doanh nghiệp Triều Tiên

Một số người chấp nhận đóng cửa, số khác vẫn kiên trì với công việc khi lệnh cấm doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc có hiệu lực.
Trung Quốc bắt đầu ủng hộ lệnh cấm vận với doanh nghiệp Triều Tiên ảnh 1

Một nữ nhân viên phục vụ nhà hàng Triều Tiên ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Nhiều cơ sở kinh doanh do người Triều Tiên làm chủ ở Trung Quốc đã phải đóng cửa nhưng một số cơ sở khác vẫn gắng gượng duy trì hoạt động, bất chấp lệnh cấm mà Bắc Kinh áp dụng theo các biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc nhằm chặn đứng nguồn tiền mặt của Bình Nhưỡng, AFP đưa tin.

Ngày 9/1, khi lệnh cấm các doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, một khách sạn Triều Tiên đặt tại thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, đã ngừng nhận đặt phòng. Ở thủ đô Bắc Kinh, một nhà hàng Triều Tiên dán thông báo viết tay lên cánh cửa: "Hôm nay nghỉ".

Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chuỗi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa.

Dù vậy, tiến trình thực hiện lệnh cấm các doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc lại được thực hiện chưa thống nhất, theo giới quan sát. Bình Nhưỡng lâu nay vẫn là một đồng minh gần gũi và dựa vào Bắc Kinh 90% về ngoại thương.

Tại vùng đông bắc lạnh giá, trung tâm hoạt động kinh tế của Triều Tiên ở Trung Quốc, một số nhà hàng, công ty du lịch và cửa hàng hải sản vẫn kiên trì với kế hoạch mở cửa.

"Du lịch là để kết nối con người. Đấy là nhân quyền", Kim Yongil, nhân viên tại Cơ quan Du lịch Quốc tế Triều Tiên tại Đan Đông, thành phố biên giới Trung Quốc, quả quyết và thêm rằng cơ quan ông chưa nhận được thông báo đóng cửa nào.

"Ngăn mọi người tự do đến thăm Triều Tiên là vấn đề nhân quyền. Bạn là kẻ ác", ông Kim nói.

Trong một gian hàng ở tầng hầm, đối diện cơ quan hải quan Trung Quốc, Meng Qingshu, người Triều Tiên, cũng không định dừng bán. Các mặt hàng của Meng bao gồm cá minh thái khô, giá 10 USD/túi, và hải sâm giá 100 USD/túi.

"Chúng tôi bán hải sản từ Triều Tiên", bà quảng cáo. "Chúng hoàn toàn tự nhiên".

Nhập khẩu hải sản từ Triều Tiên vào Trung Quốc đã bị cấm từ hồi tháng 8 năm ngoái vì các lệnh trừng phạt nhưng Meng vẫn có hàng để bán và bà không giải thích mình nhập chúng ra sao.

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về đóng cửa các liên doanh và thực thể hợp tác với Triều Tiên không quy định ngày cụ thể nhưng đã đưa ra một lịch trình thực hiện kéo dài 120 ngày kể từ tháng 9/2017. Thời hạn đã đến song Trung Quốc dường như đang thực hiện nó rất chậm chạp, giới chuyên gia nhận định.

"9/1 là ngày quan trọng, ngày cuối cùng để các doanh nghiệp Triều Tiên tách ra và họ nên đóng cửa", ông Lu Chao, giám đốc Viện Nghiên cứu Biên giới thuộc Học viên Khoa học Xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc, nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong khi đó khẳng định Bắc Kinh sẽ tuân thủ mọi nghĩa vụ đối với Liên Hợp Quốc, đồng thời "trừng trị nghiêm khắc" bất kỳ ai vi phạm các lệnh trừng phạt.

Tác động lớn

Trung Quốc bắt đầu ủng hộ lệnh cấm vận với doanh nghiệp Triều Tiên ảnh 2

Khách sạn Chilbosan. Ảnh: Reuters.

Khách sạn 14 tầng với 154 phòng Chilbosan tại trung tâm thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, lâu nay vẫn đóng vai trò là một nguồn thu chính cho Bình Nhưỡng. Nhưng hôm 9/1, quầy lễ tân khách sạn cho biết họ không nhận đặt thêm phòng.

"Chúng tôi đóng cửa trong thời gian này... Kể từ hôm nay", cô nói với AFP. Người phụ nữ cho hay cô không biết lý do vì sao.

Một ngày trước, những người Triều Tiên đeo huy hiệu quốc kỳ trên ngực vẫn thoải mái thưởng thức bữa sáng tự chọn tại đây. Khách ở Chilbosan còn có thể xem các kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên từ tivi trong phòng riêng.

"Khách sạn Chilbosan Thẩm Dương là khoản đầu tư lớn nhất của Triều Tiên vào Trung Quốc cũng như ở nước ngoài", ông Lu Chao nói. "Họ đã đầu tư từ 25 đến 30 triệu USD".

Bình Nhưỡng liên doanh cùng công ty Máy Công nghiệp Đan Đông Hồng Tường quản lý khách sạn Chilbosan. Theo giới chức Mỹ, công ty này từng chiếm một phần năm giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Năm 2016, Washington đã áp lệnh trừng phạt công ty trên và đưa ra cáo buộc hình sự với chủ sở hữu, bà Mã Hiểu Hồng, với cáo buộc liên quan đến chương trình vũ khí Triều Tiên.

Văn phòng công ty Hồng Tường, ngự tại tầng 16 của một tòa tháp bên bờ sông Áp Lục, nhìn sang thành phố Sinuiju, Triều Tiên, bị bỏ trống từ hôm 9/1. Gần cây cầu Hữu nghị bắc qua biên giới, chi nhánh của Hồng Tường điều hành một nhà hàng lớn mang tên Bình Nhưỡng, liên doanh cùng Hiệp hội Bảo hiểm Nhân dân Triều Tiên. Hồ sơ kinh doanh cho thấy hồi tháng 11 năm ngoái, Hiệp hội Bảo hiểm đã chuyển cổ phần sang một công ty khác nhưng các cơ sở trực thuộc nó đã bị đóng "tạm thời".

"Chúng tôi đóng cửa để sửa chữa", người đàn ông trong nhà hàng nói. Bên cạnh, văn phòng du lịch Hồng Tường chuyên tổ chức tour đến Triều Tiên "im hơi lặng tiếng".

Trung Quốc bắt đầu ủng hộ lệnh cấm vận với doanh nghiệp Triều Tiên ảnh 3

Các sạp hàng bán đồ Triều Tiên bên đường ở thành phố Đan Đông. Ảnh: AFP.

Cũng tại Đan Đông, nhà hàng Koryo của Triều Tiên đã đóng cửa, biển hiệu bị gỡ. Một sĩ quan cảnh sát đứng bên trong. Nhưng ở nhà hàng Vườn Songtao chuyên phục vụ bia và hải sản Triều Tiên, nhân viên vẫn làm việc bình thường. Songtao hoạt động liên doanh cùng một công ty nhà nước Triều Tiên tới tháng 11/2017. Sau đó, công ty Triều Tiên đã chuyển toàn bộ cổ phần cho đối tác khác.

Theo Chung Young-June, học giả tại Viện Hán học thuộc Đại học Yonsei, Hàn Quốc, gần 100 cơ sở kinh doanh ăn uống của Triều Tiên ở Trung Quốc mang về cho nước này khoảng 10 triệu USD mỗi năm.

"Họ cung cấp những nguồn thu cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un", Chung bình luận. Đóng cửa nhà hàng sẽ "ảnh hưởng lớn và tiêu cực tới giới lãnh đạo Triều Tiên".

Tin mới