Cơ chế nào giám sát lời hứa ?

Cử tri sẽ là người giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các lời hứa của đại biểu dân cử. Khi các đại biểu trúng cử xa rời chương trình hành động, không nỗ lực thực hiện các lời hứa, thì cử tri có quyền truy vấn, nhắc nhở và thậm chí là bãi nhiệm nếu như không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Đến ngày hôm nay, danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được công bố. Các ứng cử viên có khoảng 3 tuần để tiến hành vận động bầu cử theo quy định. Quá trình vận động bầu cử cũng là lúc mà cử tri và ứng cử viên tiếp xúc với nhau một cách trực tiếp, thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, hoặc gián tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Vận động bầu cử là thời điểm hết sức quan trọng để người dân có thể nhận diện được những ứng cử viên nào là người đang phản ánh chính xác nhất ý chí và nguyện vọng của mình để ghi danh vào lá phiếu. Thông qua chương trình hành động cùng những trao đổi, tranh luận, cử tri sẽ sàng lọc thông tin, lựa chọn những người có đủ đức, tài và khát khao cống hiến cho sự nghiệp cơ quan dân cử, xứng đáng là người đại diện của mình, cho mình, vì mình.

 


Cơ chế nào để cử tri giám sát, hối thúc đại biểu dân cử thực hiện lời hứa, thực hiện chương trình hành động của mình? Trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết, luật đã quy định mỗi năm ít nhất 1 lần, đại biểu phải báo cáo trước cử tri nơi đại biểu ứng cử về kết quả hoạt động của mình trong năm đó. Khi đó, cử tri sẽ căn cứ lời hứa, căn cứ chương trình hành động của đại biểu đã hứa khi vận động bầu cử để đánh giá xem đại biểu hoạt động như vậy đã đạt yêu cầu hay chưa, lời hứa đã được thực hiện, được hoàn thành hay chưa.Trong thực tế, bên cạnh những đại biểu hoạt động năng nổ, hiệu quả, được cử tri tín nhiệm, đánh giá cao thì vẫn còn có những đại biểu dân cử khi vận động bầu cử thì lời lẽ hấp dẫn,  nhưng khi được bầu thì lại xa rời cử tri, xa rời chương trình hành động. Đơn cử, trên diễn đàn QH, bên cạnh một QH đổi mới, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, cử tri vẫn tâm tư khi còn có những đại biểu cả nhiệm kỳ rất hiếm khi phát biểu, không nói được tiếng nói của cử tri, hoặc chỉ nói để lấy lòng, nói để ghi điểm...

Cũng theo quy định của luật, các ĐBQH mỗi năm ít nhất 4 lần tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Ngoài ra, các đại biểu ở trung ương thực hiện tiếp dân định kỳ ở địa phương. ĐBQH cũng như đại biểu dân cử nói chung phải công khai số điện thoại, email của mình để cử tri có thể liên hệ bất cứ lúc nào. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri và các phương thức kết nối này, bên cạnh phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình, cử tri tri còn có thể giám sát, kiểm tra, đốc thúc đại biểu nỗ lực thực hiện các lời hứa.

Khi mà các lời hứa không thực hiện được, hoặc thực hiện được một phần, thì qua các buổi tiếp xúc này, cử tri và đại biểu có thể đối thoại để tìm hiểu nguyên nhân khách quan hay do yếu tố chủ quan từ năng lực, sự chuyên tâm của đại biểu; cử tri cũng có thể đưa ra các sáng kiến, giải pháp, hiến kế giúp đại biểu hoàn thành các lời hứa.

Cơ chế giám sát quyền lực của nhân dân đã và đang tiếp tục được hoàn thiện. Trong chương trình tới đây, Ủy ban MTTQ sẽ ban hành chương trình giám sát đặc biệt về công tác bầu cử. Trong đó, có việc ghi chép lại các lời hứa của các ứng cử viên tham gia tranh cử. Khi ứng cử viên trúng cử trở thành đại biểu dân cử, thì MTTQ sẽ căn cứ lời hứa, chương trình hành động đó mà soi chiếu, nhắc nhở, giám sát đại biểu trong suốt quá trình hoạt động, qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Như vậy, nếu như cử tri có quên thì có thêm kênh giám sát, nhắc nhở đại biểu thực hiện lời hứa từ MTTQ.

Hội đồng bầu cử quốc gia cũng quy định, đối với các ứng cử viên tái cử thì sẽ trở về địa phương ứng cũ để tái cử. Với quy định này, cử tri có thể đánh giá mức độ hoàn thành lời hứa, chương trình hành động đã hứa trước cử tri của đại biểu trong nhiệm kỳ qua để lựa chọn có tín nhiệm bầu làm đại biểu dân cử tiếp hay không. Rõ ràng, đây là một cơ chế giám sát rất hữu hiệu, khi quyền quyết định một cá nhân có tiếp tục làm người đại diện của dân do chính lá phiếu của người dân quyết định, thì người đại biểu ấy sẽ phải nỗ lực, phấn đấu thật sự trong cả nhiệm kỳ nếu như muốn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp cơ quan dân cử. Chưa kể, theo quy định của luật, khi đại biểu không thực hiện lời hứa của mình, không xứng đáng làm người đại diện thì cử tri có thể bãi miễn tư cách đại biểu.

Như vậy, cơ chế giám sát đại biểu dân cử nói chung, trong đó có giám sát lời hứa của đại biểu đã có và vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, để cơ chế này được thực hiện đầy đủ và thực chất trong thực tế, đòi hỏi vai trò của MTTQ và sự quan tâm của chính các cử tri. Sẽ không có được nhiều đại biểu nhiệt tâm khi cử tri còn thờ ơ. Cùng với đó, MTTQ cần tiếp tục đổi mới để hoạt động tiếp xúc cử tri thực chất hơn nữa, có sự tham gia của đông đảo cử tri hơn nữa. Bởi còn có nơi, có lúc hoạt động tiếp xúc cử còn hình thức, thiếu vắng cử tri.

Từ nay cho đến trước 7h sáng ngày 21.5.2016, sẽ có rất nhiều lời hứa được đưa ra thông qua các cuộc vận động bầu cử. Mỗi lời hứa vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực, trách nhiệm hành động của mỗi ứng cử viên. Cuộc sống luôn có khoảng cách so với những mong ước, nguyện vọng; những lời hứa đồng nghĩa với cam kết giải quyết các tồn tại. Cử tri không muốn nghe những lời hứa suông như những áng văn lãng mạn, bất khả thi. Điều cử tri mong muốn là  lời hứa mang sức mạnh của hiện thực.

Theo Người đại biểu nhân dân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới