HƯỚNG ĐẾN HỘI THI “HÁT DÂN CA TRONG TRƯỜNG HỌC”

Không gian hình thành văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

(Baonghean.vn)- Những ca từ, giai điệu mộc mạc, dân dã được thể hiện trong ngữ âm, xứ Nghệ đã làm nên chất riêng của dân ca ví, giặm thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã.

Không gian hình thành

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, vùng đất Nghệ - Tĩnh đã nhiều lần đổi tên, đến thời nhà Nguyễn, trở lại tên gọi trấn Nghệ An. Đến thời vua Minh Mệnh, năm 1831, trấn Nghệ An được chia thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ năm 1976-1991, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập thành một tỉnh là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.

Biểu diễn dân ca ví, giặm tại Lễ hội đường phố 'Quê hương mùa sen nở' trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2023..jpg
Biểu diễn dân ca ví, giặm tại Lễ hội đường phố 'Quê hương mùa sen nở' trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2023

Trong công trình nghiên cứu của mình, GS Ngô Đức Thịnh đã chỉ ra những yếu tố cấu thành văn hóa vùng gồm: hoàn cảnh tự nhiên, nguồn gốc dân cư, điều kiện lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa. Như vậy, không gian đặc định của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ có lẽ phải tính đến những cơ duyên lịch sử đã tác động đến vùng đất này để tạo nên một cái nôi văn hóa mà từ đó con người và văn hóa xứ Nghệ được hình thành và phát triển. Chính tính chất biên viễn và những mối quan hệ qua lại khá phức tạp giữa ngoại vi với trung tâm, giữa người Việt và các dân tộc thiểu số trước đây với người Chăm chính là những nhân tố tác động mạnh mẽ để hình thành nên những đặc điểm về tính cách của con người và đặc trưng văn hóa của vùng đất này.

Có thể nói, tính cách của người xứ Nghệ được hình thành bởi thế ứng xử của con người trong môi trường chính trị, lịch sử, xã hội của vùng đất này. Đã có nhiều nhận xét và ý kiến trái chiều nhau về tính cách của con người nơi đây, bởi có nhiều nhân tố hợp thành và tương tác với nhau trong nguồn gốc cư dân. Tính cách người xứ Nghệ mang nhiều nét đa dạng và cả nhiều đối cực, do đó, khó có thể nhận xét một chiều. Đặc điểm nổi trội trong tính cách con người nơi đây là tính cộng đồng cao. Họ sử dụng một phương ngữ hết sức đặc biệt, một thứ phương ngữ đã biến họ thành một cộng đồng có bản sắc độc đáo, nó đi vào dân ca ví, giặm, làm nên một thế giới nghệ thuật đậm chất nhân văn.

Sự hình thành và phát triển của văn hóa ví, giặm

Cũng như nhiều loại hình văn hóa dân gian khác, ví, giặm xứ Nghệ được hình thành và phát triển trong môi trường văn hóa nông nghiệp lúa nước. Không gian văn hóa của ví, giặm trải dài, phủ rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ miền núi đến đồng bằng ven biển và hai bên bờ sông Lam. Ra khỏi vùng đất xứ Nghệ, chia tách khỏi người xứ Nghệ, ví, giặm khó tồn tại, phát triển. Đây là một nét rất riêng, cho thấy bên cạnh khung cảnh thiên nhiên, tâm hồn điệu sống, sinh hoạt văn hóa của cư dân xứ Nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển của loại hình này. Nói cách khác, sinh quyển của ví, giặm được tạo nên từ tâm hồn, nhịp sống của đất và người xứ Nghệ. Mất những yếu tố đó, nó không có cơ sở để tồn tại, phát triển.

Ví, giặm trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến ở xứ Nghệ từ TK XVIII. Đến nay, nó đã có một lịch sử tồn tại và phát triển hơn hai thế kỷ. Đó là khoảng thời gian chưa dài, song cũng đủ để định hình, thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người. Phương thức diễn xướng của ví, giặm vừa có hát lẻ, vừa có hát cuộc. Dù hát trên sông, trên đồng ruộng, trên bến dưới thuyền hay bên khung cửi sau lũy tre làng... thì không gian diễn xướng vẫn là không gian làng quê, gắn với ba yếu tố cơ bản là nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Ca từ của ví, giặm mộc mạc, dân dã, gần với ngôn ngữ đời sống được “Nghệ hóa”, “dân gian hóa” từ vốn ngôn ngữ có sẵn, tạo nên một hệ thống ca từ phong phú, đặc sắc vào loại bậc nhất trong kho tàng dân ca Việt Nam.

Có thể thấy, ví, giặm thực sự đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo tồn các giá trị văn hóa làng quê xứ Nghệ. Nếu văn hóa, văn học dân gian là sự thể hiện khát vọng và ý thức dân chủ thì ví, giặm xứ Nghệ là điển hình cho tính dân chủ ấy. Ở đó không có luật lệ nghiêm ngặt, không phân biệt trên dưới, sang hèn và không có những điều cấm kỵ. Sự phóng túng trong tư tưởng được thể hiện ở ngôn từ, sự bình đẳng, gần gũi trong hình thức xưng hô. Có thể nói, đó là một phương thức giao tiếp độc đáo, đặc sắc ở các làng quê xứ Nghệ truyền thống. Nhờ đó, nhiều giá trị tinh thần được lưu giữ và phát triển.

Dân ca ví, giặm là sản phẩm sinh hoạt cộng đồng của người dân xứ Nghệ

Ví, giặm là thể loại dân ca mang đậm bản sắc xứ Nghệ cả về điệu hát, ca từ, nội dung và không gian, thời gian thể hiện. Đó là sản phẩm tinh thần, phản ánh trung thực những khía cạnh độc đáo của cuộc sống con người nơi đây. Người xứ Nghệ vốn có năng khiếu sáng tác, ứng khẩu, kết hợp với chất giọng lạ nhưng đậm đà, man mác đến da diết, chính là chủ thể sáng tạo và trao truyền ví, giặm. Loại hình dân ca này chủ yếu diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng với quy mô và không gian đa dạng, gắn kết với sinh hoạt cộng đồng, chính điều đó đã tạo nên những đường nét cơ bản, những chiều kích chủ yếu trong nguồn gốc ra đời, chủ nhân sáng tác, sáng tạo và môi trường tồn tại, phát triển của nó.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

4. Vũ Ngọc Khánh, Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.

Tin mới