Mỹ nên thuyết phục Ukraine chấp nhận ngừng bắn với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sự bế tắc ở tiền tuyến, kho vũ khí cạn kiệt trên khắp châu Âu và tình trạng mệt mỏi vì xung đột ngày càng gia tăng khiến tốc độ viện trợ suy giảm...được cho là những lý do Mỹ nên thuyết phục Ukraine chấp nhận ngừng bắn với Nga. 

mgn-1280x960-20404b00-evrbx-1024x768-3183.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh minh họa: AP

Theo chuyên gia về quan hệ đối ngoại và địa chính trị Peter Sojka - thành viên tại Viện Hàn lâm khoa học Slovakia, sau gần 2 năm xung đột Nga-Ukraine, tình hình tại tiền tuyến rơi vào bế tắc. Quân đội Ukraine đã thất bại trong cuộc phản công được lên kế hoạch và tài trợ cẩn thận. Trong khi đó, quân đội Nga duy trì được các vị trí phòng thủ, và buộc Kiev phải sử dụng tối đa vũ khí của phương Tây, khiến tổn thất của Ukraine ngày càng gia tăng.

Tình cảnh này cũng cho thấy mức độ viện trợ của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine không còn đủ để thay đổi cán cân của cuộc xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, do xung đột giữa Israel và Hamas, cũng như sự mệt mỏi của người Mỹ trước cuộc xung đột dường như bất tận ở Ukraine, nguồn lực của Washington dần trở nên cạn kiệt, giới truyền thông phương Tây ngày càng thảo luận nhiều hơn về khả năng ngừng bắn.

Do đó theo chuyên gia Peter Sojka, câu hỏi được đặt ra là: Đã đến lúc theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine hay chưa?. Chuyên gia này cũng đưa ra một số lý giải.

Thứ nhất, tình hình ở tiền tuyến vẫn bế tắc trong thời gian dài, bất chấp nỗ lực của tất cả các bên. Nga chuyển sang chiến lược tấn công, khai thác vấn đề tham nhũng ở Ukraine và việc Kiev sử dụng viện trợ quân sự từ phương Tây không hiệu quả. Một sự thay đổi đột phá trên chiến trường chỉ có thể xảy ra khi xung đột vũ trang leo thang mạnh mẽ, và một bên sử dụng vũ khí sát thương cực lớn.

Thứ hai, kho thiết bị quân sự vốn có từ thời Liên Xô cũ của nhiều quốc gia châu Âu đang cạn kiệt, vì chúng đã được chuyển sang cho Ukraine. Thực tế này đã góp phần mang lại cho Mỹ những hợp đồng dài hạn nhằm củng cố hoạt động sản xuất, và bảo trì các thiết bị quân sự của mình. Kết quả là, tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ đã nổi lên như một nhà cung cấp chính các thiết bị quân sự mới cho châu Âu.

Thứ ba, Mỹ hiện giữ vị trí thống trị trên thị trường khí đốt châu Âu. Trước xung đột, Nga là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng lớn cho các nước châu Âu. Tuy nhiên, sau vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, Điện Kremlin đã mất đi một thị trường truyền thống.

Thứ tư, việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine khiến những người nộp thuế ở Mỹ cảm thấy chán ghét, bởi nó cho thấy sự tốn kém. Vào tháng 6/2022, lạm phát ở Mỹ tăng 9,1% - mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Lãi suất cơ bản mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang gánh chịu ở mức cao nhất trong 22 năm qua. Theo Viện Gallup, 41% người Mỹ tin rằng, Tổng thống Joe Biden đang giúp đỡ Ukraine quá nhiều.

Việc ưu tiên viện trợ cho Ukraine hơn là triển khai các biện pháp chống lạm phát đã khiến công chúng Mỹ không hài lòng với Nhà Trắng. Các nước châu Âu cũng đang bày tỏ sự mệt mỏi vì xung đột, và ngày càng chia rẽ trong việc tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Cuối cùng, việc đạt được một lệnh ngừng bắn có thể là yếu tố then chốt trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden. Theo các cuộc thăm dò gần đây, tỷ lệ tín nhiệm của chính quyền ông Biden đã giảm mạnh, xuống mức 40%.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích ông Biden về tình hình ở Ukraine, cho rằng tổng thống đương nhiệm đã ứng xử sai trong mối quan hệ với Nga. Ông Trump từng khẳng định, ông có thể giải quyết xung đột trong vòng 24 giờ. Vậy nên, nếu Tổng thống Biden có thể làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga, điều đó sẽ vô hiệu hóa các cuộc công kích của ông Trump, và củng cố đáng kể hình ảnh của ông Biden, nâng cao cơ hội đắc cử ở nhiệm kỳ thứ hai.

Tuy nhiên, thách thức chính đối với Nhà Trắng là thuyết phục Tổng thống Ukraine Zelensky tham gia đàm phán. Ông Zelensky vẫn kiên quyết từ chối đàm phán với Tổng thống Nga Putin, và quyết tâm lấy lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có Crimea.

"Do đó, Tổng thống Biden phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là thuyết phục Tổng thống Zelensky bắt đầu đàm phán với Tổng thống Putin. Dù Điện Kremlin nắm giữ lợi thế trên chiến trường, nhưng Nhà Trắng lại thống trị lĩnh vực thông tin. Chính phủ Mỹ nên chuẩn bị cho cộng đồng quốc tế về khả năng ngừng bắn và đưa ra thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moskva như một chiến thắng cho tập thể phương Tây" - chuyên gia về quan hệ đối ngoại và địa chính trị Peter Sojka cho hay./.

Tin mới