Trở ngại lớn trong mối quan hệ Mỹ - Iran

(Baonghean.vn) - Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt hạt nhân đối với Iran, mối quan hệ giữa hai nước có những tiến triển mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đưa ra nhận định rằng quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran sẽ không được tái thiết lập, bởi còn có quá nhiều trở ngại. 

Hôm 16/1, Mỹ và các nước châu Âu đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Tehran đã tuân thủ các cam kết của nước này theo thỏa thuận hạt nhân đạt được với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, cùng với Đức) tại thủ đô Vienna nước Áo hồi tháng 7/2015.

Thỏa thuận giữa Iran và 6 cường quốc thế giới được coi là một chiến thắng lớn sau hơn một thập kỷ đàm phán. Thỏa thuận có hiệu lực đồng nghĩa với việc Iran sẽ được bán dầu, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và tiếp cận trở lại với 100 tỷ USD bị đóng băng trong tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, một ngày sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh:

"Những ràng buộc của lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ và đây là thời gian để chúng ta đẩy mạnh phát triển… Chúng ta phải nắm bắt cơ hội để tạo ra một bước nhảy vọt về kinh tế."

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Diplomat
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Diplomat

Quan hệ giữa Mỹ và Iran vừa tạo được gam màu sáng sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Thế nhưng, chưa đầy 24 giờ sau, chính quyền Tổng thống Obama ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Hôm 19/1, Lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei đã đưa ra một lập trường cứng rắn, cảnh báo rằng Iran sẽ có các biện pháp chống lại một nước Mỹ "lừa dối".

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và chấm dứt tình trạng cô lập trên quốc tế của Tehran được dự báo ​​sẽ tăng cường tiềm lực của Tổng thống Rouhani và các đồng minh của ông. Ông được bầu vào năm 2013 với những cam kết sẽ cải thiện nền kinh tế của Iran, vốn đã bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani và các đồng minh sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra ​​vào tháng tới.

Khoảng 2/3 trong số 12.000 ứng cử viên đăng ký vào Quốc hội Iran đã rút lui hoặc bị loại bởi Hội đồng Giám hộ Hiến pháp. Trong số 3.000 ứng cử viên, chỉ có 33 người nhận được sự chấp thuận bởi Hội đồng chịu sự chi phối bởi Khamenei - người đứng đầu tháp quyền lực chính trị Iran. Những chỉ trích của ông Ayatollah Ali Khamenei đã làm gia tăng mối lo ngại về việc cản trở những nỗ lực trong tiến trình hòa dịu giữa Mỹ và quốc gia Hồi giáo này.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia và các nước đồng minh cũng là những rào cản lớn để cải thiện quan hệ giữa Iran và phương Tây. Sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào tháng 7/2015, các nhà lãnh đạo Sunni của Saudi Arabia đã tỏ thái độ tức giận và cho rằng điều này sẽ giúp người Shiite đạt được lợi thế trong cuộc đối đầu, cạnh tranh trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Arab Saudi lo lắng Iran sẽ sử dụng hàng chục tỷ USD để mở rộng ảnh hưởng tại Iraq, Syria, Lebanon và các nơi khác.

Tổng thống Obama đã trấn an Arab Saudi ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, thực hiện cuộc điện đàm với Quốc vương Salman khẳng định cam kết phối hợp cùng các đối tác Vùng Vịnh để đối phó hành động gây bất ổn của Iran tại khu vực.

Biểu tình phản đối Arab Saudi tại Iran. Nguồn: internet
Biểu tình phản đối Arab Saudi tại Iran. Nguồn: internet

Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng giữa Iran và Arab Saudi vẫn khiến Mỹ lâm vào thế khó. Xung đột ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran bùng phát sau khi Arab Saudi xử tử giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr - bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông Arab Saudi năm 2011. Những vụ bạo loạn gần các cơ quan đại diện ngoại giao của Arab Saudi ở Iran đã khiến el-Riyadh đi đến quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Iran. Gần đây, một quan chức Bộ Ngoại giao Arab Saudi còn cáo buộc Iran gây "bất ổn và hỗn loạn trong khu vực".

Được lãnh đạo bởi 2 dòng Hồi giáo có truyền thống đối nghịch là Sunni và Shiite, Saudi Arabia và Iran ủng hộ các bên khác nhau trong các cuộc khủng hoảng nội chiến ở Syria và Yemen. Iran đã thể hiện sự sẵn sàng hợp tác đàm phán, đặc biệt là việc tham gia vào cuộc hòa đàm nhằm tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài tại Syria. Tuy nhiên cuộc hòa đàm dự kiến bắt đầu vào ngày 25/1 có khả năng bị trì hoãn do xung đột giữa Iran và Saudi Arabia và tiến trình hòa dịu giữa Mỹ và Iran dường như vẫn còn nhiều trở ngại.

Phương Thảo

(Theo Reuters) 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới