Iran trở thành 'cái gai' ngày càng lớn trong khu vực

(Baonghean.vn) -Thành công ngoại giao của thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ biến nước này trở thành nạn nhân của một liên minh mới nổi trong khu vực, vốn phản đối sự trở lại trường quốc tế của Tehran, đồng thời đặt Mỹ vào thế chông gai với vai trò trung gian hòa giải tại khu vực. Đây là nhận định của chính trị gia người Pháp Nathalie Goulet. 

Bà Nathalie Goulet – Chính trị gia người Pháp. Ảnh: AFP
Bà Nathalie Goulet - Chính trị gia người Pháp. Ảnh: AFP

Bà Nathalie Goulet, Thượng nghị sỹ Pháp kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Pháp đã phân tích sự phát triển gần đây tại Trung Đông, trong đó bao gồm chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Obama tới Riyadh gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh.

Bà Nathalie Goulet nhận định: “Nếu chúng ta nhìn vào các sự kiện hiện nay với một con mắt thận trọng thì có thể thấy tình hình vô cùng phức tạp và chiến thắng về ngoại giao của Iran sẽ không kéo dài lâu.”

Bình luận trên ám chỉ tới việc cắt đứt mối quan hệ ngoại giao gần đây giữa Iran và Saudi Arabia liên quan đến việc Riyadh hành quyết Giáo sĩ Nimr al-Nimr, kéo theo những cuộc biểu tình phản đối dữ dội tại Iran.

Bà Goulet còn đưa ra lập luận về một đối thủ của Iran trong khu vực là Israel. Chúng ta đang chứng kiến một ví dụ thú vị nhất của nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, có ý ám chỉ tới việc Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hàn gắn quan hệ với Israel sau vụ lính biệt kích Israel tấn công con tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ cho Dải Gaza trên Địa Trung Hải hồi năm 2010.

Biểu tình tại Istabul vào ngày tổ chức lễ tang cho các nhà hoạt động người Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến vụ Israel tấn công con tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ cho Dải Gaza trên Địa Trung Hải hồi năm 2010. Ảnh: AFP
Biểu tình tại Istabul vào ngày tổ chức lễ tang cho các nhà hoạt động người Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến vụ Israel tấn công con tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ cho Dải Gaza trên Địa Trung Hải hồi năm 2010. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hùng hồn tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ cần tới Israel trong khu vực với tư cách một người bạn.

Thứ hai, ông Erdogan đẩy mạnh quan hệ đồng minh với Saudi Arabia, thông qua việc thành lập Ủy ban hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Chuyến thăm gần đây của Vua Saudi Arabia Salman tới Ai Cập đã dẫn tới một quyết định gây tranh cãi rằng Ai Cập trao trả hai hòn đảo chiến lược trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia, và Israel không hề phản đối quyết định này.

Các động thái trên càng chứng tỏ một thực tế rằng một liên minh chiến lược giữa các chế độ quân chủ theo dòng Sunni tại vùng Vịnh  bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Israel đang mưu toan hợp sức để chống lại Iran.

Tổng thống Mỹ gặp lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh ngày 21/4. Ảnh: Sputnik.
Tổng thống Mỹ gặp lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh ngày 21/4. Ảnh: Sputnik.

Các chính sách của Mỹ cũng vô ích. Hồi tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua các biện pháp siết chặt thị thực đối với những người đi du lịch tới Iran hoặc mang hai quốc tịch Iran-Mỹ.

Và mới đây, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Saudi Arabia cũng không đem lại kết quả như mong muốn khi ông Obama thất bại trong việc củng cố vị thế đồng minh lâu dài của Riyadh đối với Washington.

Tình hình càng trở nên nhạy cảm khi thành công ngoại giao quan trọng trong chương trình hạt nhân Iran sẽ không làm chùn bước mưu toan thành lập các liên minh mới trong khu vực nhằm giảm tầm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực./.

Lan Hạ

(Theo Sputnik)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới