Nga cáo buộc NATO thách thức các lợi ích an ninh

(Baonghean.vn) - Những hành động của NATO đang tạo ra rủi ro và thách thức đối với lợi ích an ninh của Nga cũng như hủy hoại niềm tin giữa các bên.

Lính NATO tập trận tại Ba Lan. Ảnh  AFP/Getty Images
Lính NATO tập trận tại Ba Lan. Ảnh AFP/Getty Images

Đây là phát biểu của ông Anton Mazur - Trưởng đoàn đàm phán của Nga đưa ra ngày 5/7 tại Hội nghị đánh giá an ninh thường niên của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).

Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời ông Anton Mazur nói: “Bất chấp những cảnh báo của chúng tôi về nguy cơ và sự phản tác dụng trong chính sách mở rộng về phía Đông của NATO, biên giới của khối quân sự lớn nhất thế giới này đã gần chạm tới biên giới của Nga.

Công việc đã được bắt đầu trên lãnh thổ của những thành viên mới để phát triển hạ tầng quân sự. Các hoạt động quân sự theo mô hình mới đã được triển khai cả trên bộ, trên không và trên biển, trong đó có một phái bộ tuần tra trên không và các cuộc tập trận đa quốc gia”.

Ngoài ra, đại diện của Nga cũng đề cập tới thực tế là việc thiết lập các cơ sở phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu, vốn dựa trên hệ thống lá chắn tên lửa toàn cầu của Mỹ, “đã bắt đầu theo lộ trình thực tế”.

Ông Mazur nói thêm: "Những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm cả các quốc gia ở Đông Âu, đã tham gia các cuộc tập trận hạt nhân của NATO. Liên minh quân sự này cũng đang triển khai kế hoạch đối đầu ở khu vực Baltic và Biển Đen.”

Đại diện của Nga nhấn manh: "Các bước đi của NATO đã làm bùng phát rủi ro và thách thức đối với các lợi ích an ninh của Maxcơva ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ Nga-NATO nổ ra.”

Cũng theo ông Mazur, các quốc gia thành viên NATO không muốn đối thoại với Nga về chủ đề kiểm soát các vũ khí truyền thống trong châu Âu.

Ông Mazur chỉ trích các động thái quân sự ngày càng gia tăng thường xuyên tại sườn phía Đông và Trung Âu, ví dụ như gần 50.000 quân thuộc các quốc gia thành viên NATO đã triển khai các cuộc diễn tập quân sự trong tháng này.

Đại diện của Nga hối thúc liên minh quân sự này cần chấm dứt ngay các hành động quân sự gần biên giới Nga, để mở đường cho các cuộc đối thoại, qua đó đưa ra các giải pháp nâng cao niềm tin và an ninh trong khu vực.

Theo người đứng đầu phái đoàn Nga, gốc rễ cho sự suy giảm an ninh tại châu Âu “bắt nguồn từ chính sách quân sự dựa trên khuôn khổ đối đầu của NATO”./.

Lan Hạ

(Theo TASS)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới