Tại sao Kim Jong-un phớt lờ Hàn Quốc?

(Baonghean.vn)- Nếu bạn đủ già và nhớ khoảnh khắc này, bạn sẽ biết đây là một thỏa thuận cực kỳ quan trọng vào thời điểm đó.

..
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cùng giơ tay trước khi ký tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Tháng 6/2000, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung cùng nắm chặt tay nhau trước khi ký tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng.

Cuộc thảo luận là nhằm mở ra mối quan hệ tốt hơn và đối thoại với Bình Nhưỡng, tuy nhiên bất kỳ cơ hội duy trì mối quan hệ thân thiện lại “chết yểu”. Hiện hai miền liên Triều vẫn đang trong trạng thái chiến tranh về mặt kỹ thuật kể từ những năm 1950.

Trong khi tuần này Hàn Quốc kêu gọi đối thoại với nước láng giềng Triều Tiên, thì phía Bình Nhưỡng lại tỏ ra thiếu nhiệt tình, coi ý tưởng này là “vô lý”.

Chiến thuật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Theo nhà phân tích chính trị tại New York và chuyên gia châu Á Sean King, Bình Nhưỡng đang cố tình phớt lờ Seoul bởi nước này chỉ hứng thú đối thoại với Washington.

.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết tâm xây dựng kho vũ khí tên lửa. Ảnh: AP

Ông King cho biết dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, mọi thứ đang dở dang”. Ông cho rằng: “Bình Nhưỡng ít cần đến Seoul những ngày này, bởi nước này đã vượt qua nạn đói và có nền kinh tế vững mạnh hơn bằng việc cất giữ đồng tiền mạnh”.

Thậm chí, ông King khẳng định Triều Tiên không để tâm tới đối thủ miền Nam của mình. “Triều Tiên coi Hàn Quốc là bù nhìn thực dân không hợp pháp và chỉ coi Bình Nhưỡng là chính quyền thực tế duy nhất trên toàn bán đảo Triều Tiên”.

Ông King cho hay Triều Tiên đã gạt Seoul sang một bên và chỉ tập trung vào các cuộc thương lượng trực tiếp với Mỹ.

Vũ khí bí mật

Giáo sư Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy cho hay thực tế lãnh đạo Kim Jong- un muốn duy trì Seoul là kẻ thù.

Ông Graham cũng cho biết Hàn Quốc không đóng vai trò thiết yếu đối với chính quyền Kim Jong-un như dưới thời cầm quyền của cha mình, khi đó Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Seoul viện trợ cho nạn đói triền miên và sụt giảm kinh tế.

..

Hàng nghìn người dân Triều Tiên ủng hộ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi ông tuyên bố kế hoạch phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Ảnh: AFP

Giáo sư Graham cho rằng: “Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn khởi động đối thoại nhưng việc này sẽ không xảy ra nếu không có điều kiện”, một trong số đó là việc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Chắc chắn điều này không xảy ra bởi việc phát triển vũ khí hạt nhân là một hình thức đảm bảo và là một thứ để mặc cả khi đối thoại với Washington. Có kẻ thù như Seoul sẽ giúp Kim Jong-un có “niềm tin trong nước”.

Và trong khi Kim Jong-il gặp các nhà lãnh đạo nước ngoài như Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thì con trai ông lại chỉ chuyên tâm vào việc củng cố ghế lãnh đạo trong nước. Ông Kim Jong-un không gặp bất kỳ lãnh đạo nào, kể cả Trung Quốc.

Theo ông Graham, chính quyền của Kim Jong-un bất ổn hơn. “Kim Jong-il đã tới Moskva và Trung Quốc, còn đối với Kim Jong-un việc rời khỏi đất nước rất nguy hiểm bởi nếu ông ý rời đi thì có khi không được phép quay về nước”.

Ông Graham cho hay ông Kim sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán một khi kho vũ khí hạt nhân được hoàn tất, bởi khi đó ông có được vị thế quyền lực nhiều nhất.

Chuyên gia này cũng nhận định Triều Tiên không cần tới Hàn Quốc bởi nền kinh tế đã cải thiện dưới thời chính quyền Kim Jong-un, trong khi đó vẫn trụ vững trước các lệnh trừng phạt “bủa vây” nước này.

Ông cho rằng việc mở ra đối thoại với Seoul và cho phép tự do đi lại sẽ cho phép người dân Triều Tiên chứng kiến cuộc sống bên ngoài tốt đẹp như thế nào, khi đó người dân nước này sẽ “từ bỏ việc ủng hộ ông Kim”. Do vậy “mối đe dọa lớn không phải Nhật hay Mỹ, mà chính là việc đối thoại với láng giềng Hàn Quốc”./.

Lan Hạ

(Theo News.com.au)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới