Tình thế khó khăn của phương Tây trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Liệu các nước như Mỹ, Anh và Pháp có thể vừa cung cấp vũ khí cho Ukraine, bổ sung kho vũ khí của mình và cung cấp vũ khí cho các đồng minh khác hay không?

Mỹ và các nước châu Âu đã cung cấp nhiều vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Một số quốc gia thậm chí đã hỗ trợ hầu hết hoặc tất cả kho pháo của mình. Câu hỏi đặt ra hiện nay là có bao nhiêu hệ thống pháo và số lượng đạn dược mà họ có thể cung cấp và dự trữ cho lực lượng vũ trang của mình.

Chẳng hạn, Pháp thông báo hồi tháng 1/2023 rằng nước này sẽ cung cấp thêm 12 lựu pháo Caesar cỡ nòng 155mm đặt trên xe tải cho Ukraine cùng với 18 hệ thống đã được cung cấp trước đó. Số lượng pháo mà Paris hỗ trợ cho Kiev chiếm hơn 1/3 trong số 76 lựu pháo Caesar của quân đội Pháp.

Pháo tự hành Caesar của Pháp khai hỏa ở Thung lũng sông Euphrates vào tháng 12/2018. Ảnh: Lục quân Mỹ

Pháo tự hành Caesar của Pháp khai hỏa ở Thung lũng sông Euphrates vào tháng 12/2018. Ảnh: Lục quân Mỹ

Cũng trong tháng 1/2023, Đan Mạch cam kết cung cấp 9 lựu pháo Caesar mà nước này mua từ Pháp để hỗ trợ cho Ukraine trong thời gian 6 tháng. Estonia cũng cam kết chuyển tất cả 24 pháo tự hành bánh xích FH-70 cỡ nòng 155mm cho Ukraine. Anh có kế hoạch gửi 30 trong số 89 pháo tự hành AS90 cỡ nòng 155mm cho Kiev.

Các nước châu Âu đang đối mặt với cùng với một thách thức mà tất cả các nước hỗ trợ cho Ukraine gặp phải. Đó là họ chỉ còn số lượng đạn dược và vũ khí hạn chế trong kho dự trữ trong khi việc tăng cường sản xuất vũ khí gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, ít nhất là Mỹ và những quốc gia sở hữu lực lượng quân đội lớn ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức và thậm chí Thụy Điển vẫn có kho vũ khí đủ lớn để cung cấp cho Ukraine, đồng thời duy trì những trang thiết bị cần thiết cho quân đội của mình.

Tuy nhiên, với những nước nhỏ hơn trong NATO, đây thực sự là vấn đề. Estonia chỉ có 192 hệ thống pháo, theo số liệu năm 2022 của The Military Balance do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế công bố. Trong số 192 hệ thống này, khoảng 126 hệ thống là súng cối cỡ nòng 81mm và 120mm với tầm bắn chưa tới 8km, cùng với 30 lựu pháo D-30 cỡ nòng 122mm thời Liên Xô với tầm bắn từ 16 - 22km.

Điều đó tức là việc cung cấp cho Ukraine tất cả 24 pháo tự hành bánh xích FH-70 cỡ nòng 155mm với tầm bắn hơn 30km không chỉ chiếm 13% kho pháo của Estonia mà còn lấy đi hầu hết pháo tầm xa của nước này, khiến cho Estonia chỉ còn một số lựu pháo tự hành K9 cỡ nòng 155mm do Hàn Quốc sản xuất có tầm bắn khoảng 40km.

Ukraine khai hỏa pháo tự hành bánh xích FH-70 cỡ nòng 155mm ở khu vực Zaporizhzhia vào tháng 10/2022. Ảnh: Getty

Ukraine khai hỏa pháo tự hành bánh xích FH-70 cỡ nòng 155mm ở khu vực Zaporizhzhia vào tháng 10/2022. Ảnh: Getty

Việc cung cấp cho Ukraine tất cả pháo Caesar do Pháp sản xuất ban đầu định để trang bị cho quân đội Đan Mạch cũng gây ra sự xáo trộn ở nước này.

"Đó là hệ thống vũ khí mạnh nhất và có tầm bắn xa nhất trong quân đội Đan Mạch. Đây là vũ khí mà mọi người mong đợi và các binh lính mong muốn sử dụng", Công ty Phát thanh và Truyền hình Đan Mạch cho hay. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Jakob Ellemann-Jensen cũng bày tỏ lo ngại rằng, việc vận chuyển Caesar cho Ukraine sẽ trì hoãn việc hiện đại hóa lực lượng pháo binh Đan Mạch.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, quân đội Ukraine sử dụng số lượng lớn đạn dược để đối phó với các cuộc tấn công của Nga và điều này đang đặt sức ép lên kho vũ khí cũng như các công ty quốc phòng phương Tây.

Tình thế của Ukraine cũng không dễ dàng. Trong khi khẩn thiết kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhiều vũ khí hơn để đối phó với ưu thế về số lượng của Nga, quân đội Ukraine cũng phải học cách vận hành, duy trì các hệ thống pháo, xe tăng, tên lửa và nhiều vũ khí khác nhau.

Ukraine không chỉ dựa vào khả năng hỗ trợ và bảo trì vũ khí từ các quốc gia khác mà còn cần nguồn cung đạn dược ổn định và kéo dài. Mỹ đang chật vật để tăng sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm giữa bối cảnh Ukraine sử dụng tới 7.000 quả đạn mỗi ngày. Nhưng việc mở rộng khả năng sản xuất đạn pháo có lẽ phải mất nhiều năm trong khi một số hệ thống pháo thậm chí có lẽ không còn sản xuất nữa.

Với những nước có sức mạnh quân sự lớn, điều này có lẽ gây ra sự bất tiện tạm thời khi các cơ sở công nghiệp quốc phòng phải thay đổi khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Tuy nhiên, với những nước nhỏ hơn, họ không thể tự sản xuất các loại pháo hạng nặng và giải pháp thay thế là nhập khẩu chúng từ các quốc gia có khả năng sản xuất.

Câu hỏi đặt ra là liệu các nước như Mỹ, Anh và Pháp có thể vừa cung cấp vũ khí cho Ukraine, bổ sung kho vũ khí của mình và cung cấp vũ khí cho các đồng minh khác hay không?

Tin mới