Ẩn họa từ nghề săn mật ong rừng

(Baonghean) - Trên những dải rừng Pù Mát xanh tươi trù phú, trong vô số nguồn lợi từ rừng, thì ong mật là một nguồn lợi quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Mỗi năm người dân huyện miền núi Con Cuông thu về hàng ngàn lít mật ong, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình. Nhưng ít ai biết rằng, để lấy được những lít mật ngọt ngào đó, người đi lấy mật phải trải qua bao nhiêu vất vả, gian nan. 
Chúng tôi tới bản Mét, xã Lục Dạ (Con  Cuông), một bản nằm  gần bìa rừng của Vườn quốc gia Pù Mát, nơi người dân  có tiếng về nghề  săn  ong  rừng lấy mật. Từ bao đời “cha truyền con nối”  người dân lấy việc săn ong rừng lấy mật làm nghiệp mưu sinh. Theo chân anh Thảo cùng một số người trong bản vào rừng tìm ong lấy mật, chúng tôi được tham gia chuyến đi rừng thú vị, nhưng không kém phần vất vả, hiểm nguy của những người thợ săn mật ong rừng. Dụng cụ  mang theo của họ chỉ là con dao, chiếc gùi, hộp diêm hay chiếc bật lửa.
Sau 3 tiếng đồng hồ lang thang trong rừng sâu, lội qua nhiều khe suối, đoàn thợ săn ong rừng của anh Thảo đã  phát hiện được mấy chú ong xuống khe tìm nước. Mọi người trong đoàn chăm chú theo dõi hướng ong bay. Theo phán đoán của Thảo thì tổ ong nằm cách đó chừng 1km theo đường chim bay. Nhóm chúng tôi vén cây xuyên rừng mà đi. Hơn 40 phút bám đuổi, đúng như dự đoán, cách con suối chừng 1km, nhóm thợ đã tìm thấy một tổ ong mật treo lơ lửng trên cành cây cao chừng 20 mét. Nhanh như cắt, công việc của những người thợ bắt đầu. Họ nhanh nhẹn đi tìm những nhánh củi khô  chụm lại thành đuốc, bọc lá xanh bên ngoài để tạo khói, rồi phân công người đan sọt đựng tổ ong, người chặt cây nứa, lấy dây rừng  rồi buộc ốp vào thân cây làm thang buộc từ gốc lên tới tổ ong. Anh Thảo bám lấy cây nứa mà lên, mang theo chiếc sọt, bó đuốc đã đốt sẵn lửa hun khói um tùm, cay xè, huơ quanh tổ, đàn ong say khói bay khỏi tổ. Sau 15 phút, với 3- 4 thao tác, tổ ong đã được những người thợ đưa xuống một cách nhẹ nhàng. Công việc còn lại chỉ là  vắt mật vào chai để mang về. Anh Thảo cho hay "Không phải lúc nào cũng  thuận lợi như thế, có những lúc trượt chân, té ngã hàng chục mét, Biết nghề này rất nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm manh áo” …
 
Nghề đi lấy mật ong rừng là một nghề không những khổ cực mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Nhẹ thì bị ong đốt, có khi leo trèo cao, đứt dây thang, hay trượt chân bị ngã xuống mang thương tật suốt đời,  thậm chí có những trường hợp tử nạn. Anh Thảo cho biết: “Lấy mật ong ở trên cây còn đỡ, chứ gặp những tổ ong làm mật trên lèn đá cao, còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Nếu ong làm mật trên lèn đá,  phải leo lên tận đỉnh lèn, dùng dây rừng  buộc vào gốc cây rồi đu người xuống để lấy mật.  Biết nguy hiểm là vậy nhưng đối với người dân  miền núi sống chủ yếu nhờ rừng, nhờ lộc của trời đất, thiên nhiên ban tặng nên vẫn phải dấn thân vào”. 
Trước đây  rừng Con Cuông còn rậm rạp hoang vu, ong làm tổ  rất nhiều,  “của trời cho”, mạnh ai lấy tìm. Nhưng do tác động của con người, hiện nay rừng không còn như xưa nữa. Mùa lấy mật, mỗi ngày có hàng trăm  người dân ở vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát  vào rừng đốt ong, tìm mật, rừng ngày càng bị xâm hại, ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, phát triển của loài ong. Do vậy, hiện nay loài ong rừng không làm tổ nhiều như trước, đàn ong đã phải tiến xa vào rừng sâu, núi thẳm, nơi tận vùng lõi để làm tổ. Người thợ săn ong phải vào tận rừng sâu mới tìm được tổ ong mật. Muốn lấy được mật, người thợ săn phải mang theo lửa vào rừng để tạo khói xua ong. Nếu những tàn lửa vô tình ấy bén vào đám thực bì khô thì hậu quả khôn lường. Rừng có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Do vậy, cách đốt ong lấy mật tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, loài ong rừng tự nhiên bị tận diệt.
Ông Đặng Đình Xuân - Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia  Pù Mát cho biết: "Nghề đốt ong trong rừng nguy cơ gây ra cháy rừng rất cao, chúng tôi đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại khôn lường của việc khai thác mật ong rừng. Để giảm tình trạng này, các ngành chức năng cũng cần phải triển khai xây dựng các đề án giảm nghèo bền vững cho người dân, đồng thời tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân mới giữ được rừng”. 
Vườn quốc gia Pù Mát – Khu sinh quyển thiên nhiên thế giới miền Tây Nghệ An đang ngày càng cạn kiệt. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng kiểm lâm cần có những biện pháp mạnh để kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác rừng trái phép, trong đó có nghề đốt ong, nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng và bảo tồn loài ong thiên nhiên.
Bảo Ngọc – Bá Hậu (Đài Con Cuông)

Tin mới