Ăn Tết người Mông ở Piềng Cọc

(Baonghean) - Piềng Cọc, xã Mai Sơn (Tương Dương) nằm ở thung lũng nhỏ trên độ cao khoảng 1600 mét so với mặt nước biển. Đây là nơi cư trú của 48 hộ với 353 cư dân đồng bào dân tộc Mông, có lẽ là một địa danh không lấy gì làm xa lạ với nhiều người. Với tôi cũng vậy, đã rất nhiều lần lên Piềng Cọc - với cái nắng, cái gió, những ngày mưa phùn, gió bấc rét thấu xương và với những con người có nước da bốn mùa đều trắng mịn. Nhưng với lần này thì khác hẳn. Tôi đã có một cái Tết đặc biệt, thật đặc biệt ở Piềng Cọc, và có lẽ sẽ là kỷ niệm khó quên nhất trong đời tôi.

Rời Hòa Bình vào lúc mười ba giờ của một chiều áp Tết, khi mà người người sánh vai người thân đi chợ sắm đồ thì tôi và mấy anh em ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phòng Dân tộc, Công an và phóng viên Đài truyền thanh truyền hình huyện lại chuẩn bị "đồ nghề" xuất trận, sau khi đã làm tròn trách nhiệm gia đình và cơ quan (Tết mà... !). Máy ảnh, máy quay phim, bánh kẹo, mì chính, muối, vài cái áo ấm cho trẻ con  và cả cho mình nữa. Nghe nói ở Piềng Cọc lắm gà thiến, lợn nít và cải ngọt, nên tôi mang cả những gia vị có thể trổ tài nấu nướng (tôi đã học cách nấu ăn của đồng bào Mông từ những năm cuối thế kỷ XX). Nhìn ba lô đồ to tướng và cả một cái bì to đựng các mặt hàng thiết yếu, tài xế xe khách nhìn đống đồ ấy mà ái ngại...

Xe lướt nhanh trên Quốc lộ 7, rồi rẽ ngoặt vào đường Cửa Rào - Yên Na, vượt đèo Pu Lôn mịt mù sương khói. Hai bên đường, những hàng keo, hàng xoan nhà ai đó đang đến mùa rụng lá. Từng đống lá được chủ gom lại rồi đốt, tạo thành những vòng tròn lửa rải rác khắp rừng trong bóng chiều dần buông. Ráng chiều xuyên qua kẽ lá đỏ rực làm cho lòng thêm xao xuyến. Những suy nghĩ cứ ào đến trong đầu, dạt dào thành sóng.

...Hơn 2 giờ chiều, chúng xuống đến bản Piềng Cọc. Vừa bước chân vào nhà Bí thư chi bộ Và Bá Lầu đã thấy mấy mâm cơm sẵn sàng chờ khách. Chiều, tối hôm đó chúng tôi nghỉ ngơi, đi thăm và trao quà cho một số gia đình chính sách rồi về ngủ sớm để chuẩn bị cho công việc ngày mai.

Sáng hôm sau, tôi rời khỏi giường lúc 6h30. Cảm giác đầu tiên của tôi là lạnh, rất lạnh! Sương mù bao phủ các triền núi và khắp bản Piềng Cọc. Đã khá lâu rồi tôi mới trở lại Piềng Cọc, vẫn cảm nhận rõ sự bình yên trong cái lạnh giá theo gió ùa về len lỏi qua từng lớp áo dày. Thật may khi dịp này trở lại đúng vào thời điểm người Mông đang chuẩn bị đón tết. Ở đâu cũng là hình ảnh quen thuộc với bóng trẻ nhỏ nô đùa dưới tán đào cổ thụ, cùng tiếng máy may tanh tách lẫn trong những âm thanh của núi rừng khua đều từ xa vọng về. Từng khoảnh khắc ấy như càng làm cho cuộc sống ở đây thêm bình yên.

Gần trưa, ánh nắng bắt đầu chiếu những tia yếu ớt qua những tán lá, nhưng cũng không xua nổi cái giá băng của vùng đất Piềng Cọc. Những cây pơ mu sừng sững trên núi, lá thấm đẫm sương đêm, trắng xóa, trông như cây thông mùa giáng sinh phủ dày tuyết. Xung quanh đây chỉ có một con suối nhỏ, bắt nguồn từ đỉnh Phá Kháo chảy qua bản Piềng Cọc, ra Na Kha, Huồi Tố, Huồi Xá, Piềng Mựn rồi đổ ra dòng Nậm Nơn cuộn xiết. Mùa này nước cạn, có lẽ là chẳng có cá tôm gì. Tôi đã từng đến Piềng Cọc nhiều lần và đã được nghe người ta bảo, muốn kiếm cá thì phải lội sâu vào đầu nguồn, trong những vũng nước sâu, hay trong hốc đá có thể tìm thấy những con trê, con trầu. Người dân Piềng Cọc không quen với nghề đánh bắt cá, họ chỉ quen với săn bắn trong rừng. Cho nên cứ mỗi lần đến đây tôi đều thủ sẵn vài cuộn dây cước cỡ 0,1-0,4 mm. Hết giờ làm việc, rủ thêm mấy thầy giáo cắm bản, tôi ngược dòng Huồi Tố tìm đến những vũng nước sâu để câu cá. Câu ở vũng nước sâu thì dùng loại cước cỡ 0,1 mm là vừa, còn nếu câu cá trong hốc đá thì phải dùng loại cước to cỡ 0,4 mm thì mới có thể thắng nổi mấy con trê, con trầu to bự cỡ 6-7 lạng. Cá ở đây ít, nhưng cua đá và ếch xanh thì nhiều vô kể, chỉ cần chịu khó một chút là có ngay vài cân về nấu canh hay xay làm chả.

Nấu bánh dày và tham gia lảy pao.

Không phải lần đầu được đón tết trong không khí vui vẻ, đầm ấm cùng với những người bạn người Mông thân thiện hữu tình, nhưng tôi vẫn thấy háo hức lạ thường. Trong những cơn gió của đất trời, tôi chợt thèm một vòng rượu nồng ấm bên bếp lửa, thoải mái thưởng thức món bánh dày nướng vốn chỉ có trong những ngày tết, rồi rạo rực với điệu múa xòe của những thiếu nữ hây hây má đỏ; miên man theo những giai điệu tình tứ của tiếng khèn môi được cất lên từ những chàng trai Mông đang khao khát trao gửi yêu thương.

Tết của đồng bào người Mông diễn ra trong khoảng 1 tháng. Bắt đầu từ đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) khi ngô, lúa trên nương đã được mang hết về nhà. Trong tháng tết, người Mông chỉ vui chơi. Với người Mông, những ngày đầu năm mới là những ngày vui nhất. Tết của mỗi gia đình được ấn định bằng lễ cúng tiễn đưa năm cũ và đón năm mới để đón tổ tiên về cùng ăn tết. Khi làm lễ cúng, người ta thường hay cắm lá xanh ở cửa. Điều đó như là một tín hiệu để người ngoài không được vào trong thời khắc linh thiêng đó. Sau lễ cúng tiễn đưa năm cũ, người Mông chính thức đón năm mới.

 Hôm nay là ngày tết, già làng Và Nhia Xồng cùng vợ là Già Y Tồng và con cháu dậy từ rất sớm để nướng những cái bánh dày thơm giòn. Trong những ngày tết của người Mông không thể thiếu bánh dày. Thứ bánh được làm bằng loại gạo nếp ngon nhất, trắng và dẻo nhất được trồng trên nương. Sau khi đồ chín, xôi được đổ vào cối giã khi còn nóng. Ông Và Nhia Xồng là người đầu tiên đến khai phá đất Piềng Cọc để lập bản. Khi đó ông mới 17 tuổi.  Bây giờ đã hơn 60 năm, ông đã chuẩn bị bước sang tuổi 80. Ông đã từng làm công an xã và không biết đã bao nhiêu lần cùng với bộ đội biên phòng tuần tra biên giới. Với công lao ấy, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.  Ông cho tôi hay, chiếc bánh dày của người Mông có từ rất lâu, nó bắt ngồn từ một truyền thuyết: Ngày xưa, ở một bản nọ có một chàng thợ săn, vì mải mê săn thú nên người yêu của chàng đã bị thần Hổ vào bản bắt về làm vợ. Quyết tìm được người yêu, chàng thợ đã dùng bánh dày để làm lương thực đi tìm nàng. Qua bao gian nan khổ ải, chàng đã tìm được nàng. Cảm động trước tình yêu cao cả của chàng thợ săn, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng….

Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thuỷ chung của đôi lứa trai gái người Mông. Ngày nay, truyền thuyết về bánh dày đã đi vào lễ hội, trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Mông. Mỗi năm cứ vào dịp tết, trai gái Mông lại tổ chức thi làm bánh dày. Xuân về, các chàng trai người Mông ngày nay vẫn thường mang bánh dày đi chơi xuân, ngoài làm lương thực dự trữ đường xa, bánh dày còn là món quà đầy ý nghĩa của các chàng trai, cô gái Mông đi kén duyên lấy vợ, gả chồng. Nét đẹp trong tình yêu đôi lứa mang đậm nét văn hoá truyền thống xuất phát từ lao động sản xuất, đề cao chân lý, lẽ phải của truyền thuyết bánh dày đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Bánh dày còn được dùng trong lễ cúng và để ăn trong suốt những ngày tết. Khi làm xong, bánh dày được để lên bàn thờ, tùy vào dòng họ mà có nhà để 3, 6 hoặc 9 chiếc. Bánh dày có thể để được ít nhất 3 tháng, khi có khách bánh sẽ được rán hoặc nướng cho phồng lên để đãi khách. Đây cũng là một thứ quà tết dành để biếu khách phương xa đầy ý nghĩa.

Giã xôi làm bánh dày.

Anh Và Bá Lầu, con trai út của già làng Và Nhia Xông, nay là Bí thư chi bộ cho hay: Trước khi đón tết, các gia đình người Mông ở Piềng Cọc thường mổ lợn. Lợn to, nhỏ là tùy theo khả năng, điều kiện của mỗi nhà. Ngày mổ lợn cũng được coi là một ngày vui sum vầy. Khi ấy, chủ nhà sẽ mời anh em, bè bạn tới cùng ăn uống. Đối với người Mông, tết là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm. Do vậy, người Mông thường chuẩn bị tết trước đó cả tháng.

Trước hết, người ta thường quét dọn nhà cửa. Trong đó, việc đầu tiên là quét dọn bồ hóng trên gác bếp, trên xà nhà, tiếp đó mới dọn nhà. Với người Mông, đây là việc rất quan trọng. Nó mang ý nghĩa quét bỏ những điều xấu, thứ xấu để đón năm mới sạch sẽ, tốt lành. Là một "pho sử" sống về những phong tục, tập quán của đồng bào người Mông, già làng Và Nhia Xồng cho biết: Khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm, người Mông mới chuẩn bị bàn thờ. Đó là một miếng giấy hình chữ nhật được cắt trang trí hình răng cưa ở phía dưới, nó có ý nghĩa giống như một thứ rào cản không cho ma quỷ vào làm hại gia chủ. Có một điều đặc biệt là chỉ trong dịp tết, người Mông mới làm bát hương. Bát hương được đan bằng giang, tre, trong đựng gạo và phía trên được đậy bằng một mảnh giấy và cạp bằng một sợi dây màu đỏ. Giấy dùng trong lễ cúng là loại giấy bổi được làm trước đó bằng loại cây lấy trên núi về ngâm, giã thành bột rồi đổ ra khung lưới phơi khô. Loại giấy này tuy cứng nhưng dai, được dùng để dán vào các đồ vật trong nhà như: cuốc, thuổng, dao, rựa, lù cở... Bởi theo quan niệm của người Mông, mọi vật đều có linh hồn nên trong những ngày tết họ đều dán giấy và thắp hương cho chúng giống như là một sự tri ân sau một năm làm lụng vất vả.

Ở Piềng Cọc này nhà nào cũng chuẩn bị rượu ngô, thứ rượu nồng cay mang hương vị của đất trời để đón tết. Rượu ngô Piềng Cọc là thứ nước trong vắt sủi tăm, được chưng cất từ một loại ngô của địa phương cấy trồng trên núi đá; bắp có hạt nhỏ, màu vàng óng và rất giàu dinh dưỡng. Chỉ cần một hớp, cảm giác nóng bừng sẽ lan dần khắp cơ thể, từ trong ra ngoài. Người ta chọn những bắp ngon, tách hạt rồi đem nấu chín, ủ với một thứ men đặc biệt được chế từ một loại dược liệu quý. Sau đó đem chưng cất để thành rượu. Nước rượu đầu tiên không pha chế thêm nên nồng độ rất cao, chừng 40-50 độ. Rượu chưng cất xong, người ta đổ vào một cái thùng bằng gỗ dung tích khoảng 50 lít, đậy kín, cất vào những nơi không có ánh nắng và kín gió, 3-4 tháng sau mới đem ra dùng. Chủ và khách đều thích uống thứ rượu này, vì uống đến đâu biết đến đó và dù say đến mấy cũng không bị sốc hay nhức đầu. Hương thơm của men và ngô luôn làm người ta ngây ngất, với những người biết uống rượu đã thử một lần lại muốn uống thêm lần nữa. Vào thăm bất cứ nhà nào trong bản, ta cũng sẽ được gia chủ mang rượu ra để  mời. Dù nhiều hay ít, chúng ta cũng phải nhấp môi một chút để đáp lại tấm lòng hiếu khách của họ.

Trong ngày tết của mình, người Mông đặc biệt thích mời khách là người khác tộc đến chơi. Nhà nào mời được nhiều khách đến chơi là sẽ gặp may mắn cả năm đó. Khi có khách, người Mông sẽ mời khách uống rượu “chén đôi”. Uống rượu chén đôi như là một nghi thức truyền thống của người Mông. Chén rượu đôi trong những ngày lễ, ngày Tết dành cho khách thể hiện tấm thịnh tình chủ, khách. Nhưng với người Mông, khi khách đến nhà sẽ không còn phân biệt rõ khái niệm chủ - khách nữa. Bên mâm cơm và chén rượu ấm cúng, chủ và khách chỉ còn là những người bạn tâm giao. Chủ nhà là người đầu tiên tự rót và uống hết 2 chén rượu. "Chén thứ nhất mình uống cho mình, đó là lời chúc an lành và mọi sự tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mùa màng bội thu. Chén thứ 2 mình uống cho bạn - người ngồi bên tay phải mình, cũng với ý nghĩa như chén đầu, với tượng trưng, những điều tốt đẹp mình mong chờ cũng sẽ đến với người bạn ấy"- già làng Và Nhia Xồng nói với tôi như vậy.

Rượu uống xong, 2 chiếc chén sẽ được xoay úp, thể hiện tấm thịnh tình và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới đã được người uống nhận trọn vẹn và cũng đã chúc đầy đủ cho người ngồi kế bên phải. Hai chén rượu cứ thế đi một vòng quanh mâm cơm. Trong lòng ai cũng lâng lâng niềm vui, cảm kích vì sự trọng thịnh của gia chủ. Vòng rượu đầu tiên cũng là duy nhất mang ý nghĩa chúc tụng trong năm mới.

Lên Piềng Cọc không thể không nói đến gà thiến, thứ đặc sản nổi tiếng của người Mông. Để có một con gà thiến to, béo thì người ta phải chuẩn bị trước 1-2 năm. Người ta chọn những con gà trống khỏe mạnh, lông sáng, mào đẹp, trọng lượng ít nhất là 1 kg. Đầu năm, chọn ngày râm mát, người ta tiến hành thiến gà. Con gà vừa mới thiến xong được bỏ vào chuồng cao và được chăm sóc chu đáo, sau khi thấy vết thương lành hẳn mới thả gà ra. Thức ăn chính của gà thiến là ngô, thóc hoặc sắn trộn với cải nương băm nhỏ, nếu không có cải nương thì trộn với cây chuối rừng. Sau 1 năm gà có thể đạt trọng lượng trên 3 kg, có con đạt gần 5 kg. Gà thiến đem quay trên bếp than đỏ hồng, thỉnh thoảng người ta quét lớp mỡ gà đã trộn tinh dầu dội. Rượu ngô nhắm với thịt gà thiến quay thơm giòn thật sự là món ẩm thực hấp dẫn nhất của bản Piềng Cọc và đã làm đắm say biết bao người khi đặt chân lên xứ sở sương mù này.

Sương mù bồng bềnh sà xuống những nếp nhà trong bản quyện lẫn những đám khói bảng lảng bốc lên từ những mái nhà gỗ sa mu của người Mông. Cái lạnh của núi rừng Piềng Cọc như ngấm vào từng thớ thịt. Các chàng trai cô gái xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất đi chơi tết, tìm bạn tình. Sau những ngày chơi tết vui vẻ, người Mông lại bắt đầu một năm mới với những mong ước đất trời thuận hoà, cho nương ngô lớn, cho bầy lợn to.

Những ngày Tết chầm chậm trôi qua trong cái lạnh se người. Mùi thơm của thịt gà thiến nướng, hơi ấm của rượu ngô và lòng hiếu khách của người Mông ở Piềng Cọc càng níu chặt bàn chân tôi. Rượu vẫn rót, chuyện như dài thêm. Vòng tròn những người bạn như ngắn lại. Những con người giản dị mà phóng khoáng nơi núi rừng suối đèo hùng vĩ Piềng Cọc sao mà dễ gần, dễ mến đến thế.  Những ly rượu nâng lên lần cuối để tạm chia tay mà ai cũng muốn... cụng thêm tí nữa. “Nhớ lần sau lại lên Piềng Cọc nhé!”. Cô bé Và Y Nhìa có đôi mắt long lanh như giọt nước ban mai nhìn tôi chợt buồn.

- Về Hòa Bình rồi xin anh đừng quên chốn cô quạnh này nhé.

 Tôi nhìn vào đôi mắt buồn ngơ ngác của Và Y Nhìa.

-  Không! Chắc chắn là không. Lúc nào cũng rượu ngô cay nồng, thịt gà thiến giòn thơm và ngập những lời chúc tụng, yêu thương như thế này làm sao mà quên được.

-  Lời anh nói là thật đấy nhé. Người Mông không thích nói dối đâu!

Đêm Piềng Cọc se lạnh bỗng nóng bừng lên.  Tạm biệt bà con nhé, tạm biệt Và Y Nhìa và những người bạn... chúng tôi về. Hẹn ngày mai trở lại Piềng Cọc với những mong quê mình sẽ đổi thay nhiều hơn.

Bút ký của Vi Hợi

Tin mới