Bài 2: Ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ công việc

>>Bài 1: Những phòng làm việc… “đoàn kết”

(Baonghean) - Vì phải làm việc chung trong những “phòng ghép”, nên xẩy ra không biết bao chuyện bi hài. Mỗi lần muốn trao đổi công việc, ban này nói thì sợ ban kia bị ảnh hưởng. Trong hoàn cảnh này, có lẽ sự cảm thông và thấu hiểu cho nhau được đặt lên trên hết. Chẳng ai bảo ai, hôm nào có một ban tổ chức họp, cán bộ các phòng, ban khác cứ tự giác “di tản” xuống hội trường ngồi chờ. Buổi họp kết thúc, cán bộ các phòng khác lại lục đục kéo về. Khổ nhất là mỗi lần đảng bộ xã họp. Toàn Đảng bộ Xá Lượng có 222 đảng viên, do hội trường của xã chỉ đáp ứng khoảng 60 người, mỗi khi Đảng bộ xã họp hay mở các lớp tập huấn, xã phải chia 2-3 lớp, tốn kém về cả thời gian và kinh phí.

Ban Tư pháp, Văn phòng, Bộ phận một cửa xã Xá Lượng (Tương Dương) chung nhau một gian phòng chật hẹp.

Còn ở xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) thì Ban Công an và Quân sự cùng chung phòng làm việc nên mỗi lần công an lấy lời khai của các đối tượng, các cán bộ quân sự xã phải ra ngoài để đảm bảo bí mật thông tin. Hay khi nào Công an, Quân sự họp ban thì phải qua bộ phận “một cửa” của xã mượn phòng để họp.

Phòng của Bí thư Đảng ủy xã Lưu Kiền cũng chỉ có 4m2. Phòng lãnh đạo chỉ được ngăn với các phòng khác bằng những tấm ván. Thời gian đã làm cho những tấm gỗ co giãn, vì thế từ phòng này có thể nhìn sang phòng kia. Cả phòng làm việc với rất nhiều ban bệ, chỉ có  một chiếc máy vi tính bàn, ban này làm thì ban kia nhịn. Mặc dù một số phòng làm việc ở xã Nghĩa Hồng được trang bị máy tính, nhưng trong tình trạng “tấp chiếu”, nguyên nhân do mưa dột nên không thể bảo quản được.

Trụ sở xã Lưu Kiền - Tương Dương bằng nhà gỗ chật chội được xây dựng hơn 10 năm nay.

Điều kiện làm việc như vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Thật khó để đòi hỏi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo cũng như dồn hết tâm huyết vào công việc. Đơn cử, toàn huyện Tương Dương mới chỉ có 7/18 xã, thị trấn có trụ sở làm việc bằng nhà xây, còn lại bằng nhà gỗ được xây dựng từ những năm 1990. Không chỉ ở Tương Dương, các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn… thậm chí các xã miền xuôi cũng chung tình trạng!

Một thực trạng chung tại nhiều xã ở tỉnh ta hiện nay là trụ sở xã đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi số cán bộ ngày một đông lên. Không đủ diện tích nên việc đặt các trang thiết bị máy móc lại càng khó khăn. Trước đây, chưa có các trang thiết bị như máy vi tính, photocoppy nhưng giờ đây với diện tích chật hẹp nếu được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn việc bố trí sắp đặt chúng cũng là điều không dễ.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Việc xây dựng trụ sở xã là việc làm rất khó. Địa phương đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để các xã cải tạo, bổ sung, nâng cấp xây dựng trụ sở xã làm việc. Đây là một trong những khó khăn đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Tương Dương. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, trên địa bàn tỉnh!”.

Quyết định 23/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã, phường, thị trấn quy định: Cán bộ, công chức làm việc tại xã phường, thị trấn, tùy theo chức vụ, chức danh mà tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc từ 10-15 m2/người. Còn những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc là 5 m2/người.

Bài, ảnh: Thanh Lê

Tin mới