Bài 3: Chuyện của một già bản

(Baonghean) - Tản mát đi nhiều nơi, rồi những người trong họ Hà ở bản Giang, xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) cũng đã quần tụ lại. Dòng họ có nguồn gốc từ huyện Như Xuân (Thanh Hóa), vốn thuộc nhóm Thái Man Thanh. Hiện nay, họ vẫn lưu giữ được những tục lệ cổ truyền để gợi nhớ về ngọn nguồn xứ sở...

>>Bài 2: Họ Lang Vi, một thời cai quản phủ Tương Dương

Ông Hà Đình Thọ tuổi “bát tuần”, hiện là người cao tuổi nhất dòng họ Hà, ở bản Giang, nhưng ông vẫn còn sự tinh anh của một trí thức bản địa. Năm 1961, từ chức vụ một chủ tịch xã, sau đó là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cuối những năm 1960. Vào  những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ông là Phó Bí thư Huyện ủy huyện Tân Kỳ. Với những cống hiến cho quê hương, ông Hà Đình Thọ được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Già bản Hà Đình Thọ. Ảnh: H.V

Trong ký ức của ông Thọ, dòng họ của ông trốn chạy quan lang Phó Thiệu vốn nổi tiếng gian ác. Đó là hồi năm 1930, Đảng Cộng sản ra đời. Họ Hà ở Như Xuân không chịu được sưu cao thuế nặng do quan lang đặt ra. Đang dịp giáp Tết cổ truyền, nhân lúc quan lang ít đề phòng nhất những người trong dòng họ rủ nhau trốn đi. Chi họ của ông Thọ đến xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) bây giờ. Đây cũng là nơi ông được sinh thành. Đối với ngày ấy thì nơi dòng họ Hà chuyển đến đã rất xã xôi, cách trở, quan lang không thể tìm thấy để "đòi nợ" nữa. 3 chi còn lại trốn đến các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông. Sau này, khi chính quyền cách mạng vững mạnh, các chi khác của họ Hà gốc Như Xuân (Thanh Hóa) mới quần tụ lại tại bản Giang. Tuy nhiên, khi đã trốn đi ra xa nhưng vẫn không thoát khỏi sự kiềm tọa của xiềng xích nô lệ. Năm 1945, dòng họ Hà lại chuyển từ xã Nghĩa Dũng đến Nả Giang. Khi còn chưa cướp chính quyền, cậu thiếu niên Hà Đình Thọ đã chứng kiến cảnh Hội Quý đánh đập người dân. Cả bản lại phải phục dịch cho ông ta các công việc như cày ruộng, phát rãy... mà không được trả công. Cũng trên quê mới này, ông chứng kiến cảnh nhân dân vùng lên làm cách mạng, đạp đổ mọi xiềng xích nô lệ. Từ đó ông cũng được đi học và trở nên thành đạt.

Đối với người Thái, có nhiều dòng họ kiêng ăn thịt một số loài chim thú, ví như họ Lô không ăn thịt chim nộc tằng lo, họ Lang không ăn thịt chim cuốc, còn họ Hà lại kiêng ăn thịt chim bìm bịp. Tục kiêng này đều gắn với sự tích. Ông Thọ cho biết, họ Hà không ăn thịt chim bìm bịp bởi nó là ân nhân đã chỉ cho ông tổ của dòng họ cách chữa gãy xương. Ngày ấy, có người trong dòng họ gãy chân, thần linh báo mộng bảo ông họ Hà bẻ gãy chân bìm bịp con và nhìn xem cách nó chữa lành đoạn xương bị gãy mà làm theo. Sáng hôm sau, ông lên rừng gặp ngay tổ bìm bịp và bẻ gãy chân một con trong đàn chim non. Qua một vài ngày nữa ông trở lại thấy chân chú chim đã lành và quấn quanh chiếc chân gãy là một cái lá rừng. Ông cầm lên và nhận ra lá loài cây rất quen thuộc, bây lâu không ai biết được nó có tác dụng chữa gãy xương. Sau này, họ Hà có phương pháp bí truyền chữa gãy xương. Người đứng đầu dòng họ đặt ra tục kiêng ăn thịt bìm bịp và nếu "ân nhân" có gặp nạn thì phải tận tình cứu giúp.

Người dân gói bánh với sản phẩm ngũ cốc đều có màu đen, đây là đặc trưng riêng của bánh chưng đen người Thái. Ảnh: P.V

Trong mâm cúng của dòng họ vào ngày Tết, không thể thiếu món moọc, cá nướng (pa pình phé) và bánh chưng đen. Thứ bánh được làm từ nếp trắng, tro đốt từ rơm lúa nếp, một loài hoa (bók ngà chiêng) như là một thứ hương liệu.

Nhiều thập kỷ sống gần người Kinh, nên người Thái và dòng họ Hà ở bản Giang cũng có tục lễ giỗ như người Kinh. Ngày trước, khi chôn cất người chết, người Thái không bén mảng đến những khu rừng ma nữa. Bây giờ, khi năm hết tết đến người ta vẫn đi tảo mộ và gọi tổ tiên về ăn tết. Vào 15 tháng Giêng, thì ăn tết Nguyên Tiêu.

Bản Giang thuần người Thái, họ hát khắp, nói tiếng Thái nhưng không còn cái nhà sàn cổ nào. Mới đây, Nhà nước xây cho cái nhà sàn cột xi măng làm nhà văn hóa cộng đồng để con cháu về sau còn biết đến gốc gác, nguồn cội. Và dòng họ Hà, một trong nhưng họ tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện Tân Kỳ vẫn đang ngày ngày nỗ lực xây dựng cộng đồng, gìn giữ truyền thống của dòng họ...

HỮU VI

Tin mới