Bản Bãi Gạo: 16 năm không sinh con thứ 3

(Baonghean) - Ấn tượng đầu tiên khi đến bản Bãi Gạo, xã Châu Khê (Con Cuông), là những con đường trong bản đều được bê tông hoá sạch sẽ, hai bên là những ngôi nhà sàn khang trang ẩn mình dưới những tán cây xanh mát. Bãi Gạo là bản 14 năm liền giữ vững danh hiệu bản văn hóa và cũng là một trong những bản trù phú nhất của xã, của huyện. Có được điều đó một phần nhờ bản thực hiện rất tốt công tác dân số - KHHGĐ...

Khi được hỏi về “bí quyết” để duy trì thành tích bà con của bản không sinh con thứ 3 trong nhiều năm, chị Lô Thị Tâm - Cộng tác viên dân số bản Bãi Gạo cho biết: “Trước năm 1998, cũng như nhiều bản khác của xã Châu Khê, Bãi Gạo là một bản nghèo có tới 50% số hộ nghèo, 4 hộ đói. Nguyên nhân đất canh tác hạn hẹp, trong lúc dân số đông. Toàn bản có diện tích tự nhiên 134 ha, nhưng chỉ có 37,4 ha đất canh tác, trong đó có 8,3 ha ruộng lúa hai vụ, có 29,1 ha đất đồi vệ, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp và đất thổ cư. Nếu đem tổng diện tích tự nhiên chia cho số hộ, thì Bãi Gạo là bản có bình quân diện tích đất trên đầu người ít nhất huyện. 
Vợ chồng anh chị Kha Văn Tính - Lô Thị Quý trò chuyện với chuyên trách dân số xã Châu Khê (Con Cuông).
Vợ chồng anh chị Kha Văn Tính - Lô Thị Quý trò chuyện với chuyên trách dân số xã Châu Khê (Con Cuông).
Để khắc phục khó khăn, bên cạnh tìm cách chuyển đổi cây trồng, tăng mùa vụ, bà con Bãi Gạo vốn đã thấm thía cảnh nghèo đói, thất học do đông con và nhận ra rằng nên sinh ít con để có cái ăn, để nuôi con tốt; sau nhiều cuộc họp bàn, bản mới ra quy ước không sinh con thứ 3 và lấy đó làm tiêu chí thi đua giữa các gia đình.
Để cụ thể hóa quy ước đó, bản Bãi Gạo thành lập CLB không sinh con thứ 3 với sự tham gia của 7 cặp vợ chồng do chị Lộc Thị Hoàng - Chi hội trưởng Phụ nữ làm tổ trưởng. Các thành viên của CLB có nhiệm vụ tiếp thu các kiến thức về dân số - KHHGĐ, tuyên truyền đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về những hệ lụy của việc sinh nhiều con, vận động, hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai, hướng dẫn cách dạy dỗ và chăm sóc con cái…”. 
Để người dân tự giác thực hiện tốt quy ước của bản là nhờ sự nỗ lực, vận động, nêu gương của những người làm công tác tuyên truyền. Như chị Lộc Thị Hoàng - chủ nhiệm đầu tiên của CLB không sinh con thứ 3 - nguyên Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng bản, sinh 2 con gái nhưng kiên quyết không sinh con thứ 3. Hay vợ chồng anh chị Kha Văn Tính - Lô Thị Quý cũng sinh con một bề là gái, đứa lớn sinh năm 1992, đứa nhỏ sinh năm 1995 nhưng anh chị cũng nhất quyết không sinh con thứ 3. Gia đình anh chị luôn sống hoà thuận, yêu thương nhau, cả hai vợ chồng đều tham gia tích cực vào CLB không sinh con thứ 3 từ những ngày CLB thành lập. Anh Tính cho biết: “Sinh ít con, chúng tôi có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái. Hiện nay, 2 con gái của chúng tôi đều đã có công việc ổn định và vợ chồng có điều kiện hơn để tham gia nhiều hơn các hoạt động đoàn thể của bản”. 
Đến nay, CLB không sinh con thứ 3 của bản Bãi Gạo vẫn duy trì hoạt động hiệu quả và đã có đến 48 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Từ năm 1998 đến nay, bản Bãi Gạo không có người sinh con thứ 3. Qua trò chuyện với người dân Bãi Gạo, dễ nhận thấy là họ không còn quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, "có nếp, có tẻ". Thay vào đó, đẻ con ít, nuôi dạy con ngoan, kinh tế phát triển mới là ưu tiên hàng đầu. Có rất nhiều cặp vợ chồng trong bản có con một bề vẫn không sinh con thứ 3. Hiện bản Bãi Gạo có 25 cặp vợ chồng sinh con một bề, trong đó có 12 cặp sinh con gái.
Bên cạnh những cặp vợ chồng gương mẫu như Hà Văn Thái - Lô Thị Xo, Vi Văn Dần - Lộc Thị Ba, Lộc Văn Mùi - Lô Thị Tiến, Vi Văn Đồng - Lô Thị Kim… cũng có những trường hợp sinh con một bề là gái, có ý định sinh con thứ 3, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cộng tác viên dân số, các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nên đã kịp thời dừng lại, như vợ chồng anh Kha Văn Lĩnh – chị Lô Thị Khai, vợ chồng anh Lô Văn Tý - chị Lô Thị Hòe… Trong số này, nan giải nhất là trường hợp vợ chồng anh Lô Văn Tý - một đảng viên thuộc chi bộ bản. Chỉ vì muốn sinh thêm một con trai, năm 2012, anh Tý làm đơn xin ra khỏi đảng. Tuy nhiên, nhờ các thành viên CLB, các hội viên hội nông dân, hội phụ nữ thường xuyên đến tuyên truyền, động viên, phân tích thiệt hơn, tư tưởng vợ chồng đã có chuyển biến, ban đầu từ chị Hòe rồi đến anh Tý, và đến nay họ đã từ bỏ hẳn ý định sinh con thứ 3... 
Sinh ít con, người dân bản Bãi Gạo có điều kiện để chăm lo việc học của con cái. Nhà nào cũng cố gắng cho con đi học, ít nhất là học hết THCS. Tỉ lệ theo học THPT và thi vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học là 80%. Cả bản có 3 em là học sinh giỏi huyện, 6 em đang học đại học, 2 em học cao đẳng và một số em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, an ninh trật tự được giữ vững, bản nhiều năm liền không có tệ nạn xã hội. Cuộc sống no đủ, người dân Bãi Gạo có điều kiện để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái.
Cho đến nay, bản vẫn còn gần 80% số hộ có nhà sàn được xây dựng kiên cố, thiết kế theo kiểu kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái, phụ nữ Bãi Gạo vẫn duy trì trang phục truyền thống và giữ được thói quen dệt thổ cẩm. Vào ban đêm hoặc những lúc mùa màng nhàn rỗi, chị em lại ngồi vào khung cửi để dệt váy, dệt khăn phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc bán trong bản. Bản có 93 hộ thì đã có tới 85 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Năm 2000, Bãi Gạo được tặng danh hiệu Làng văn hoá, từ đó đến nay, danh hiệu này luôn được giữ vững - trở thành điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của tỉnh.
Minh Quân

Tin mới