Bản sắc văn hóa ở vùng tái định cư - Nỗi lo mai một

(Baonghean) - Sau 6 năm về nơi ở mới, cùng với ổn định đời sống kinh tế cho bà con, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ở vùng tái định cư đang đặt ra cho chính quyền địa phương nhiều trăn trở.

Từ lòng hồ về ở các khu tái định cư, cuộc sống của bà con khó khăn nhiều bề: Đất sản xuất chưa đủ và thiếu ổn định, chưa quen với phương thức canh tác mới. Nhà tái định cư và hệ thống cơ sở hạ tầng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Chợ dân sinh chưa có. Đến nay, cuộc sống của bà con vẫn chưa thể ổn định bởi những khó khăn trên chưa được cải thiện là bao. Khi cơm áo còn là nỗi lo thường trực thì chuyện người dân chăm lo bảo tồn các giá trị văn hóa đã trở nên xa vời…

Đến xã Thanh Sơn (Thanh Chương) tìm hiểu về tình hình lưu giữ, phát huy bản sắc văn hoá của bà con khu tái định cư, Phó Chủ tịch UBND xã - Vi Trọng Thủy cho biết: “Chính quyền có quan tâm vận động bà con giữ gìn các nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, nhưng dần dà cũng mai một đi nhiều. Chữ viết chỉ còn vài ba người già nắm giữ, lớp trẻ thì nhác nói tiếng Thái mà chỉ thích nói tiếng Kinh. Cái ăn, cái mặc cũng đổi khác nhiều. Bây giờ người dân chủ yếu mặc đồ may sẵn, cả xã chỉ vài ba nhà còn khung cửi.

Chẳng ai dệt thổ cẩm nên hình ảnh người phụ nữ xúng xính áo váy rực rỡ chỉ còn trong kỷ niệm xưa. Văn hóa rượu cần không còn mấy nhà tổ chức. Những người nắm giữ câu diễn xướng, thần chú nghi lễ cũng đã quên dần. Hát giao duyên, hát đối chỉ tổ chức được vào ngày Tết. Văn hóa của người Thái luôn gắn liền với con sông, con suối nhưng xuống đây sông khô, suối nhỏ nên cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân cũng cạn dần”.

Ngôi nhà sàn “kiểu mới” xây bằng gạch và xi măng.

Đau đáu nỗi nhớ tiếc những nét đẹp văn hoá cổ, chúng tôi bày tỏ mong muốn được gặp những nghệ nhân hiếm hoi đại diện cho văn hoá của cả một tộc người. Đồng chí Thuỷ ngập ngừng: “Có ông Lang Gia Tuyển ở bản Chà Coong 1, người viết những vần thơ phổ nhạc theo làn điệu Thái cổ. Ông Lương Văn Tiến ở bản Kim Chương, lưu giữ nhạc cụ và các điệu hát. Về văn hoá cồng chiêng của người Khơ mú thì có ông Khăm Chắn ở bản Thanh Hoa. Chỉ sợ các ông ấy bận đi rừng, đi suối, không có nhà”.

Lần đường hỏi dân bản thì được hay: ông Tuyển, ông Tiến đã lâu rồi không thấy thơ ca, khèn hát gì nữa, vì còn lo cái ăn cái mặc và không có người thưởng thức. Riêng ông Tuyển, có lẽ một phần vì buồn anh con út là 1 trong hơn 10 người nghiện ở xã nên hứng thú đâu mà viết thơ, đọc thơ. Đến nhà thì quả như lời đồng chí Thuỷ, ông Tuyển, ông Tiến đang đi bắt ốc và lên rừng không biết bao giờ mới về. Chỉ gặp được ông Khăm Chắn đang ngồi vót tre dưới nhà sàn.

Ông nói chuyện đứt quãng, không biết vì mải làm hay vì hổ thẹn, buồn tủi khi “Cồng chiêng bán hết rồi. Người dưới xuôi lên mua 10 triệu đồng 1 cái, không có gạo ăn nên phải bán chiêng đi”. Thấy hỏi chuyện cồng chiêng, ông Moong Đức Thắng nguyên Bí thư và Trưởng bản Kim Đa (cũ) ở ngay cạnh nhà ông Khăm Chắn mời chúng tôi sang nhà xem chiếc chiêng đực mà gia đình ông giữ gìn như báu vật. Ông cho hay, cả bản 81 hộ (2/3 là người Khơ mú) thì chỉ còn giữ được 1 cặp chiêng đực - cái, để đánh vào những ngày lễ Tết, ăn mừng Lúa mới. Tiếng chiêng vang vọng một lúc rồi tắt hẳn, tưởng như những nếp nhà sàn nép dưới bóng dừa của bản Kim Đa hiện lên trong ánh mắt ông một thoáng rồi nhoà đi...

Ông Moong Đức Thắng với chiếc chiêng đực duy nhất còn lại ở bản Thanh Hoa, xã Thanh Sơn, (Thanh Chương).

Cũng trong tình trạng trên là sự mai một văn hoá của người Ơ Đu ở bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Là một trong những tộc người cổ xưa nhất nhưng lại ít người nhất ở nước ta (hơn 600 người), hiện người Ơ Đu vì nhiều lý do khác nhau đang bị đánh mất và tự đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Tại khu tái định cư này, gần như không thể phân biệt được đâu là nhà sàn của người Ơ Đu, đâu là nhà sàn của người Thái. (Nhà sàn của người Ơ Đu xưa có 2 cầu thang, nay chỉ có 1 cầu thang giống như nhà của người Thái).

Trưởng bản Lô Văn Tình sẻ chia chuyện buồn vui: “Từ lòng hồ về nơi ở mới, người Ơ Đu học được người Thái nhiều điều như cách chăn nuôi, buôn bán và cả phong tục, ngôn ngữ. Như trước đây, người Ơ Đu không có tục ăn Tết, giờ đã có. Học được nhiều và mất cũng nhiều, dần dần phong tục và tiếng nói cũng theo người Thái, người Kinh. Tiếng Ơ Đu cả bản giờ chỉ khoảng 5-6 người nói sành sỏi và toàn là người già từ 60 tuổi trở lên”. Lớp người trẻ như chị Lô Thị Phượng, con gái ông Tình chỉ biết và nói được khoảng 30-40% vốn từ tiếng Ơ Đu, dẫu chị đã được học qua lớp dạy tiếng do tỉnh Nghệ An phối hợp với phòng Văn hóa huyện Tương Dương mở. Trẻ em Ơ Đu giờ chủ yếu nói tiếng Thái, Khơ mú và tiếng phổ thông.

Nói về tình trạng mai một của các phong tục tập quán cổ, có cả mặt tích cực và tiêu cực. Lấy văn hoá rượu cần làm ví dụ: Theo lời ông Moong Đức Thắng thì đám cưới của người Khơ mú trước phải uống hết 5, 6 vò rượu, nay học người Kinh làm nhanh gọn hơn, chỉ 1, 2 vò để cúng và uống vui chứ không ăn, uống linh đình ngày này qua ngày khác. Như vậy, văn hoá rượu cần dần bị lãng quên là vì bản thân bà con nhận thấy cần phải thay đổi để có đời sống tiến bộ, khoa học hơn. Khi về khu tái định cư, việc tiếp xúc và giao thoa với những dân tộc khác dẫn đến thu nạp cái mới, đào thải cái cũ để đời sống tiến bộ, phát triển hơn là điều tất yếu. Đó là nguyên nhân chủ quan khiến bà con tự “thay đổi”, đôi khi thái quá dẫn đến “đánh mất” bản sắc của mình. Còn nguyên nhân khách quan thì do đời sống kinh tế khó khăn khiến người dân không có thời gian và tâm trí để giữ gìn những sinh hoạt truyền thống (thường là hội hè, lễ lạt).

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn - Vi Trọng Thuỷ cho biết: “Xã có 16 bản với 1.137 hộ, 4.902 khẩu bao gồm cả người Thái và người Khơ mú thì tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 86,79%. Không quen với cách canh tác sản xuất ở đây, bà con chỉ biết trồng sắn nhưng đến năm nay đã là năm thứ 3 nên đất bạc màu, sắn không ra củ. Trồng keo thì phải 5, 6 năm mới thu hoạch được, nhiều hộ trồng keo rồi khoá cửa bỏ về quê cũ kiếm ăn. Chúng tôi phối hợp với lãnh đạo huyện Tương Dương vận động bà con ký cam kết, trở về khu tái định cư. Cam kết ký rồi mà đến giờ vẫn chưa thấy bà con quay lại.

Ở đây, hộ nghèo và hộ thoát nghèo có khi chỉ chênh nhau 10 nghìn đồng mà chế độ trợ cấp khác hẳn, nên ai ai cũng xung phong là hộ nghèo chứ không chịu nhận là... thoát nghèo! Còn đói, còn nghèo thì lấy đâu ra tâm trí mà múa hát!”. Đời sống kinh tế khó khăn không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các phong tục tập quán cổ mà còn ảnh hưởng đến đời sống văn hoá, giáo dục, xã hội nói chung. Bà con di cư tự do gây khó khăn cho việc kiểm soát của các cấp chính quyền, các cháu theo bố mẹ tha phương kiếm sống phải bỏ học.

Giải pháp nào cho tình trạng mai một bản sắc văn hoá cổ đáng báo động ở các khu tái định cư? Câu hỏi này khiến già làng Kha Thiên Phúc, nguyên Chủ tịch xã Hữu Dương, huyện Tương Dương (cũ), nay ở bản Nhạn Pá, xã Ngọc Lâm không ngừng trăn trở: “Lớp người già chúng tôi rất lo lắng: văn hóa của tộc người mình khi về đây sẽ bị mai một nên thường xuyên đứng ra tuyên truyền vận động bà con, giáo dục các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng có ý thức giữ gìn văn hóa. Bản yêu cầu phụ nữ luôn mặc váy Thái; ở các buổi họp bản tổ chức hát múa. Bảo tồn nên bắt đầu từ giáo dục lớp trẻ. Ví dụ trong các nhà trường khu tái định cư nên có quy định vào ngày thứ 2 học sinh phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, cần có các chương trình dạy ngôn ngữ, âm nhạc dân tộc”.

Ông Lương Quảng Ba, Phó Chủ tịch xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương thì cho rằng: “Cần phải có chiến lược phát triển kinh tế cho đồng bào khu tái định cư với nhiều việc làm cụ thể. Có thực mới vực được đạo, cái đói cái nghèo đeo đẳng thì văn hóa cũng héo mòn đi. Ngoài ra, cần sự giúp đỡ của các cấp, ngành trong việc phòng chống tệ nạn, cai nghiện ma túy ở các khu tái định cư. Những người nghiện hầu hết đang ở độ tuổi thanh niên, việc bảo vệ các giá trị văn hóa không phải là việc riêng của lớp người già”. Còn ông Vi Trọng Thủy mong muốn “được tỉnh, huyện tạo điều kiện kinh phí cho các xã khu tái định cư thành lập những câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ”.

Chúng tôi bỏ lại sau lưng những khu tái định cư với những ngôi “nhà sàn” đã bị lai căng, pha trộn với xi măng, táp-lô, vôi vữa, không khỏi băn khoăn: Hoà mình vào dòng chảy thời gian và dòng chảy “Kinh hoá”, rồi đây những người Thái, người Khơ mú, người Ơ Đu mà chúng tôi đã gặp có đánh mất truyền thống, cũng là đánh mất chính mình không? Tất nhiên các cơ quan chức năng có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc, khi mà những người dân nơi đây đã rời bỏ quê hương bản xứ theo lời vận động của chính quyền vì lợi ích cộng đồng. Nhưng, trách nhiệm của bản thân họ cũng vô cùng to lớn vì văn hóa của một dân tộc sẽ thật sự biến mất khi dân tộc đó không có ý thức tự giữ gìn.

Thanh Sơn - Hải Triều

Tin mới